Tổng thống Pháp nói NATO đang 'chết não' vì Mỹ, Đức phản đối còn Nga tán dương
Quốc tế - Ngày đăng : 14:42, 08/11/2019
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Economist của Anh, Tổng thống Macron bày tỏ nghi ngờ về câu châm ngôn của NATO, do Mỹ lãnh đạo, rằng một cuộc tấn công vào một đồng minh là “một cuộc tấn công vào tất cả”, điều vốn đã củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương kể từ khi thành lập liên minh quân sự chung vào năm 1949.
"Những gì chúng ta hiện đang chứng kiến là cái chết não của NATO", ông Macron cho biết và hoài nghi về sự lung lay NATO hiện nay.
Theo ông Macron, các nước châu Âu giờ đây không còn có thể trông cậy vào Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh NATO nữa, và không có một sự phối hợp nào trong việc “đưa ra các quyết định chiến lược” giữa các nước đồng minh.
“Không có bất cứ sự phối hợp nào trong việc ra quyết định chiến lược giữaMỹvà các đồng minh NATO. Không hề có. Hiện có một hành động tấn công không có phối hợp bởi một thành viên NATO khác - Thổ Nhĩ Kỳ, ở khu vực mà các lợi ích của chúng ta đang bị đe dọa”, ông Marcon nhấn mạnh.
Khi được hỏi liệu ông có còn tin vào khả năng tự vệ tập thể, quy định trong điều 5 của hiến chương thành lập NATO, nhà lãnh đạo Pháp đã từ chối trả lời mặc dù vẫn khẳng định Mỹ sẽ vẫn là đồng minh.
Mặc dù Pháp là thành viên truyền thống và một trong những nước sáng lập NATO, nhưng đã không tham gia vào kế hoạch quân sự chiến lược từ năm 1966 đến 2009. Những nhận xét bất ngờ của ông Macron được đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra ngày 4.12 tại London.
Phản ứng trước bình luận trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Tổng thống Pháp đã có những nhận xét hơi thái quá.
“Tổng thống Pháp đã dùng những từ khá quyết liệt để bày tỏ quan điểm của mình. Đây không phải là cách tôi thấy về tình trạng hợp tác tại NATO”, bà Merkel nói trong một cuộc họp báo ở Berlin cùng với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Trong khi đó, ông Stoltenberg khẳng định NATO vẫn vững mạnh và rằng Mỹ cũng như châu Âu đang hợp tác "với nhau nhiều hơn những gì chúng tôi đã làm trong những thập kỷ qua". Theo ông Stoltenberg, NATO đã vượt qua những khác biệt trong quá khứ, trích dẫn cuộc khủng hoảng Suez năm 1956 và Chiến tranh Iraq năm 2003.
Tổng thư ký NATO và nhiều đồng minh được cho là đang muốn thể hiện hình ảnh đoàn kết tại hội nghị thượng đỉnh vào thời điểm quân đội Trung Quốc đang trỗi dậy và những gì các nhà lãnh đạo NATO xem là nỗ lực của Nga nhằm phá hoại các nền dân chủ phương Tây thông qua các cuộc tấn công mạng, phá hoại chiến dịch và hoạt động bí mật.
Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì nhấn mạnh tầm quan trọng của NATO và khẳng định đây “liên minh quan trọng nhất trong lịch sử”, trong một chuyến thăm đến Leipzig miền đông nước Đức nhân kỷ niệm 30 năm sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ - vốn được nhiều người coi là thành tựu đáng nhớ của NATO sau bốn thập kỷ bành trướng của Liên Xô.
"Tôi nghĩ NATO vẫn có vai trò quan trọng, chủ chốt, về mặt lịch sử và là một trong những quan hệ đối tác chiến lược chủ chốt nhất được ghi nhận trong lịch sử", ông Pompeo nói với các phóng viên ở Đức hôm 7.11.
Tuy nhiên ở Nga, các bình luận của ông Macron đã được đón nhấn và được ca ngợi là mô tả chính xác về tình trạng của NATO.
“Một quan điểm chính xác về tình trạng hiện tại của NATO”, bà Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, viết trên mạng xã hội Facebook.
Hoàng Vũ (theo Reuters)