Những bàn tiệc chờ 'tử thần' gọi tên
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:33, 08/11/2019
Biết là nguy hiểm nhưng… vẫn liều!
Hiện nay, tại các khu vực dân cư đông đúc ở các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu…, khi mộtgia đình nào đó tổ chức đám tiệc, thì việc người dân kê bàn, dựng rạp lấn ra lòng đường là rất phổ biến. Việc làm này, đã gây ra nhiều phiền toái cho người tham gia giao thông, tiềm ẩn xảy ra tai nạn là rất lớn. Bởi khi lòng đường bị lấn chiếm, bị thu hẹp, khi người tham gia giao thông di chuyển qua đây sẽ rất khó khăn và có thể va quẹt, gây tai nạn bất cứ lúc nào nếu người điều khiển phương tiện lơ là, bất cẩn.
Ông N., ngụ TX.Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Bản thân tôi rất dị ứng với việc người dân tổ chức đám tiệc mà lấn chiếm lòng lề đường để dựng rạp. Khi đi trên đường, mà bắt gặp hình ảnh này thì trông rất phản cảm, rất nguy hiểm. Thôi thì đành chấp nhận, trời kêu ai nấy dạ thôi, nhưng thường đi qua những điểm đám tiệc trên đường tôi thường quan sát rất kỹ và đi chậm lại”.
Một tiệc cưới dựng rạp lấn ra lòng đường ở TP.Bạc Liêu - Ảnh: Khải Trần
“Ở vùng nông thôn mình thì đất trống, rộng rất nhiều. Nên khi có đám tiệc gì thì cũng dễ, dựng rạp trên đất nhà mình chẳng ai phiền hà gì cả. Tuy nhiên, đối với khu vực đông dân cư thì khác, đất ở còn không có nhiều nên khi dựng cất nhà cửa thì làm gì có sân bãi như nông thôn được. Đám tiệc thì tầm 1-2 ngày thì họ đã dọn rồi, chớ đâu có dựng đó hoài được. Nhưng phải nói rằng, việc làm này có rất nhiều hiểm họa, đối với người tham gia giao thông và cả những người dự tiệc”, ông N. nói thêm.
Chúng tôi gặp bà L., ngụ TP.Bạc Liêu, tại 1 tiệc cưới ở P.1, TP.Bạc Liêu. Bà và gia chủ có mối quen biết làm ăn, nên khi nhận được thiệp hồng của đối tác, thì bà L. tranh thủ thời gian đến chúc mừng gia đình này.
“Tôi rất sợ ngồi ở những bàn tiệc ở giữa đường như thế này, nên thông thường tôi chọn những bàn ở vỉa hè để ngồi cho an tâm. Hôm nay, do khách đông quá, nên tôi mới liều mình ngồi ở đây, chớ trong lòng bất an lắm. Ăn mà vẫn run sợ, vì hiểm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, với bất kỳ ai. Tôi định ngồi tí rồi về, chớ đối tác làm ăn của mình mà đến rồi về liền thì người ta không hài lòng”, bà nói.
Giật mình, buông đũa vì tiếng kèn xe tải
Trong quá trình tiếp chuyện với chúng tôi, bà L. vừa ăn, vừa liếc mắt quan sát ngoài đường. Bất chợt bà ngồi bật dậy, khi nhìn thấy những chiếc xe tải lao đến từ đằng xa. Thậm chí, có lúc mặt mày người phụ nữ này tái mét vì lo sợ những phương tiện tham gia giao thông trên đường có thể lao thẳng vào bà.
Bà L. cho hay, có lần bà dự tiệc cưới ở gia đình của mộtngười bạn ở tuyến quốc lộ 1A, khi đang ăn uống, trò chuyện với bạn bè thì bất chợt mộtchiếc xe tải bóp kèn inh ỏi, bất ngờ nên bà L. buông bỏ đũa rồi đứng phắt dậy, mặt mày xanh rờn, khiến cho những người ở bàn tiệc vô cùng lo lắng.
“Lần đó, khi nghe tiếng kèn xe, suýt nữa là tôi ngất xỉu tại bàn rồi. Mọi người ở bàn tiệc cứ hỏi thăm miết, vì tôi yếu tim nên họ lo, lỡ có chuyện gì xảy ra thì tiệc cưới của gia đình bạn tôi cũng mất vui. Nói gì thì nói chớ tổ chức đám tiệc mà che rạp lấn chiếm lòng đường là không an toàn cho khách, cũng như người tham gia giao thông. Bản thân tôi, nếu gia đình có tiệc tùng là tôi thuê mướn chỗ hết, chớ không dựng rạp như vậy, mất an toàn giao thông lắm”, bà L. nói.
Anh T., ngụ TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau, kể về chuyện dở khóc, dở cười của mình trong một lần đi dự tiệc cưới của người bạn ở H.Cái Nước. Lần đó, anh T. đang cùng bạn bè trò chuyện vui đùa và thưởng thức món ăn thì bất ngờ có mộtchiếc xe tải di chuyển qua nơi tổ chức tiệc cưới, thì bất ngờ tài xế bóp kèn inh ỏi khiến anh giật mình, tè ra quần. Bây giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện đó, anh T. cảm thấy ngượng ngùng đến khó tả.
“Lần đó, tôi có uống bia hơi nhiều, chưa kịp tìm chỗ giải quyết “nỗi buồn” thì bị ông tài xế xe tải bóp kèn lớn quá, tôi tè trong quần luôn. Kèn xe tải bóp thì anh biết rồi đó, ai yếu tim hay gặp bất ngờ là giật mình liền, cũng may lần đó, tôi mặc quần tối màu nên, mọi người không phát hiện sự việc đó”, anh T. chia sẻ.
Anh T. khuyên rằng, khi đi dự tiệc ở những nơi nhạy cảm như các tuyến đường có đông phương tiện qua lại thì tốt nhất người dự tiệc cần chọn vị trí thích hợp để bảo đảm tính mạng của mình nếu chẳng may tai nạn xảy ra.
Tai nạn giao thông luôn chực chờ và có thể xảy ra bất cứ lúc nào - Ảnh: Khải Trần
“Tôi nhớ có một lần tại tiệc cưới của người bạn, khi đó khách khứa về hết rồi, bàn ghế đều dẹp dọn hết, do khuya quá nên chỉ còn cái rạp là chưa kịp dọn. Khi trời hừng sáng, có 1 chiếc xe tải di chuyển qua, lao vào cái rạp luôn, rất may là tài xế không bị gì. Khi đó, ông tài xế này run bây bẩy, hồn vía ổng lên mây có nói chuyện được gì đâu. Nguyên nhân là ổng chạy đường dài, nên xử lý không kịp do buồn ngủ”, anh T. kể.
Theo anh T., lần đó, gia đình bạn của anh năn nỉ tài xế bỏ qua, xin đừng làm lớn chuyện. Bởi nếu, bác tài xế này làm lớn chuyện, thì gia đình bạn anh T. sẽ bị xử phạt vì lý do dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường. “Cũng may bác tài xế tốt bụng, ông ấy đã vui vẻ bỏ qua và cũng chẳng phiền hà gì. Dựng rạp như vậy là mất an toàn giao thông, ai cũng biết.
Tuy nhiên, vì điều kiện, hoàn cảnh, gia đình không có sân bãi, nhà cửa chật hẹp, nên khi có tiệc tùng, hiếu hỷ thì nhiều hộ gia đình ở những nơi đông dân cư đành bấm bụng để đãi tiệc. Cũng phải nói thêm, thông thường, khi nhà người nào đó có tiệc, họ thường thuê mướn người trông coi xe cộ của khách và dựng biển báo ở cách nơi tổ chức tiệc khoảng vài trăm mét, nên thường phương tiện di chuyển qua đây cũng chậm hơn bình thường”, anh T. cho biết thêm.
Ngồi dự tiệc ở những nơi có đông phương tiện qua lại, ngay cạnh đường chẳng khác nào khách dự bữa tiệc đó “cược” tính mạng mình với “tử thần” - là những phương tiện tham gia giao thông trên đường vậy. Thực tế, đã có không ít người phải giật mình, hú vía vì những tiếng kèn xe tải lớn tiếng.
Việc dựng rạp lấn chiếm lòng đường gây mất an toàn giao thông, nguy cơ xảy ra tai nạn cho người đi đường và cả khách dự tiệc vào bất cứ lúc nào. Do vậy, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương nắm và thực hiện đúng quy định. Đối với những trường hợp ưu tiên như ma chay, cưới hỏi thì phải báo cho chính quyền địa phương và sử dụng không quá 72 giờ. Đồng thời, phải dựng lắp biển báo và cử người bảo vệ.
Tại điểm a, khoản 4, điều 12 quy định về xử phạt các hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ, có thể phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện mộttrong các hành vi vi phạm như, dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
Khải Trần