TP.HCM chỉ có hơn 8% đất dành cho giao thông

Sự kiện - Ngày đăng : 06:48, 14/11/2019

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ chiếm 8,5%, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn. Trong khi đó, dân số TP.HCM tăng cơ học quá nhanh với 200.000 người mỗi năm.

Thông tin này được ông Nguyễn Thành Phong cho biết tại hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giai đoạn 2018 – 2020” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 13.11.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM Nguyễn Ngọc Tường, trong thời gian qua, TP.HCM tổ chức nhiều chương trình bảo đảm an toàn giao thông có hiệu quả. Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.HCM được kéo giảm từ 5% trở lên đạt trên cả 3 mặt. Việc hạn chế và khắc phục tình hình ùn tắc giao thông được đảm bảo duy trì thực hiện hiệu quả, nhất là trong các đợt cao điểm lễ, tết.

Đồng thời, thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành giao thông. Đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, đưa Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông với 762 camera giám sát giao thông, 136 camera đo đếm lưu lượng chuyên dụng, 216 tủ điều khiển tín hiệu giao thông trên 78 tuyến đường chính, 70 bảng thông tin giao thông điện tử, 9 điểm kiểm soát tốc độ tự động…

Cạnh đó, thành phố đã triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng ETC tại các trạm thu phí BOT, kết nối liên thông và thanh toán liên ngân hàng với hệ thống trạm thu phí trên toàn quốc.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ chiếm 8,5%, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn. Trong khi đó, dân số TP.HCM tăng cơ học quá nhanh với 200.000 người mỗi năm. Số ô tô đăng kýđã lên đến 800.000, cộng với 7 triệu xe gắn máy, trong khi hệ thống giao thông công cộng không phát triển đồng bộ, hạ tầng chưa tương thích nên ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn là bài toán nan giải và cần phải có lộ trình thực hiện.

Chưa kể, tình hình giao thông của thành phố đang tiềmẩn nhiều yếu tố phức tạp. Tai nạn giao thông có dấu hiệu gia tăng nhưng chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả; một bộ phận lớn người dân vẫn chưa thích ứng với nếp sống đô thị, vẫn vi phạm quy định về an toàn giao thông.

Do vậy, ông đề nghị các sở ngành cần xây dựng kế hoạch phát động thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông ngay từ đầu năm, làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đồng thời, nghiên cứu tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với tình hình giao thông thành phố. Xây dựng và triển khai các phương án xử lý các điểm đen tai nạn giao thông, các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí từ 5% - 10%.

Ngoài ra, tập trung đầu tư nguồn lực và xây dựng cơ chế triển khai thực hiện nhằm đề ra các giải pháp đột phá, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Phan Diệu

Phan Thị Diệu