Ngư dân rủ nhau đi làm công nhân khiến thiếu hụt lao động đi biển
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:29, 14/11/2019
Muôn kiểu “bẻ kèo” của bạn tàu
Nếu như trước đây, lực lượng lao động khá đông và luôn đáp ứng đủ nhu cầu khi vào mùa đánh bắt, thì nay lực lượng này lại khá mỏng. Không những vậy, nhiều bạn tàu còn “trở quẻ” vào phút cuối rồi trốn khỏi nơi cư trú khi đã nhận xong tiền cọc của chủ tàu hoặc lén quá giang những phương tiện khác để vào bờ khi tàu đang đánh bắt ngoài khơi, gây hoang mang, lo lắng cho chủ tàu và cả những người cùng hải trình…
Ông H., chủ một tàu cá ở P.Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, than: “Bạn tàu giờ khó kiếm lắm! Đã vậy họ còn không được siêng đi biển như trước nữa. Có hôm, tàu mình đã đến giờ nhổ neo mà còn phải nán lại, chỉ để đợi… mấy bạn tàu nhậu xong họ mới chịu đi. Giận lắm nhưng đâu dám nói gì họ. Chán quá, sau chuyến đó về có khi tôi cho tàu nằm bờ liền cả tháng trời”.
Một ngôi nhà ở xóm biển tại xã Tân Ân bị đóng cửa vì gia chủ đi làm ăn xa - Ảnh: Khải Trần
Trường hợp khác, các bạn tàu nhận tiền xong nhưng khi đến ngày tập trung lên tàu ra khơi thì lại không thấy đâu. Hỏi người nhà thì họ bảo không biết. Lân la hỏi nhóm bạn tàu thì mới biết người này đã đi tìm công việc khác ở tỉnh ngoài. Đó là tình cảnh mà anh B., chủ một tàu cá ở P.Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, gặp phải trong mùa biển vừa qua.
Anh B. chia sẻ: “Đa phần những người tham gia bạn tàu điều có hoàn cảnh khó khăn. Thấy vậy, các chủ ghe, tàu thường cho họ ứng trước một khoản kha khá để gửi lại gia đình chi tiêu trong những lúc họ vắng nhà. Cũng chính vì kiểu ăn trước - trả sau này mà không ít chủ tàu phải chịu cảnh tiền mất còn người thì chẳng thấy đâu”.
Một trong những nguyên nhân khiến cho ngư dân vùng biển ngày càng ngại ra biển là vì trước đây biển cả rất hào phóng, nhất là thời gian từ tháng 7 đến tháng 12 tôm cá rất nhiều. Giờ thì tàu ra biển tốn rất nhiều chi phí mà hiệu quả không cao như trước. Nguồn lợi thủy hải sản vơi cạn so với trước kia, người lao động cũng bỏ nghề đi kiếm ăn xa, hoặc chọn công việc ổn định tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh để làm ăn.
Ông T., ngư dân ở TT.Gành Hào (H.Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Nghề đi biển đối mặt với nguy hiểm, mấy năm nay thu nhập sút kém nên rất khó tìm bạn tàu. Bởi vì giờ nhiều người nhất là lớp trẻ họ không còn mấy mặn mà với nghề biển nữa”.
Phương tiện của anh Dúng (ấp Ô Rô, xã Tân Ân) phải neo đậu từ nhiều tháng nay - Ảnh: Khải Trần
Ngoài việc thiếu hụt lao động phổ thông sử dụng những công cụ bình thường thì việc những lao động có tay nghề, có thể sử dụng các loại máy móc hiện đại như máy dò, ra-đa hay lái tàu cũng ở trong tình trạng khan hiếm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Hơn nữa, hiện nay rất ít nơi có thể đào tạo và cung cấp những nhân lực như vậy cho nghề đi biển. Vì thế, về lâu dài, việc đào tạo một lớp lao động có đủ tay nghề, tâm huyết để phục vụ cho nghề đi biển là rất cần thiết.
Bán tàu bỏ biển hoặc neo tàu để đi lao động ở… Bình Dương
Anh D., chủ 1 tàu cá ngụ ấp Ô Rô, xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển (Cà Mau) cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, đi biển liên tục mất mùa, tỉ lệ ăn chia không có nên bạn tàu bỏ đi tìm việc khác. Do đó, lao động biển rất khanhiếm, nên anh D. đã neo tàu ở quê rồi cùng gia đình lên Bình Dương tìm việc làm từ vài tháng nay. “Năm nay làm ăn không được gì cả, anh em ngư dân chúng tôi bỏ xứ đi gần hết rồi”, anh D. cho biết.
Tương tự anh T.E., ngụ ấp Ô Rô, xã Tân Ân, tâm tình, anh đã bán phương tiện, bỏ nghề biển từ nhiều tháng nay. Anh T.E. nói với giọng đầy trầm tư: “Do làm ăn không được gì hết, nên tôi và người anh trai đã bán ghe rồi về nhà làm vuông tôm luôn rồi. Tôi đã bán phương tiện đến nay khoảng 4 tháng nay rồi.
Mùa màng tệ quá, nhà nước có chủ trương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mấy chục triệu mà làm ăn không được, quay qua quay lại làm thua lỗ hoài nên tôi nghỉ luôn. Bên cạnh đó, bạn tàu làm ăn không có tiền nên số thì bỏ đi, số thì mượn tiền chủ tàu rồi không trả nên hiện có nhiều ngư dân đi Bình Dương lao động lắm rồi”.
Một cánbộ ở ấp Ô Rô, xã Tân Ân, cho hay, ở địa phương, nhiều chủ tàu tìm bạn không được nên neo đậu cũng có. Cùng với đó, do làm ăn thất bát vài chuyến, rồi chơi hụi hoặc bể nợ tiền tỉ, nên có cặp vợ chồng neo ghe đi Bình Dương làm thuê. “Ở ấp, những trường hợp khác người ta đi rồi cũng có về lại địa phương. Có mộttrường hợp neo ghe mà không có về, hiện phương tiện này chưa có bán”, vị cán bộ ấp cho biết.
Ngư cụ được ngư dân cất giữ tại nhà - Ảnh: Khải Trần
Trao đổi với PV về vấn đề khan hiếm lao động, nhiều ngư dân bán phương tiện đi Bình Dương tìm việc làm, ông Trần Thanh Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân, thông tin: “Tình hình khai thác, đánh bắt của ngư dân địa phương trên địa bàn năm nay đạt rất thấp. Bạn đi biển bây giờ rất là khó tìm, nhiều chủ tàu thường gặp phải những người không trung thực, họ ứng tiền trước rồi trốn không đi hoặc làm khó dễ.
Do phương tiện phải neo đậu hoài, không có nguồn thu nhập để nuôi sống vợ con nên một số ít đã đi Bình Dương để lao động. Nói chung, tình hình khai thác biển ở địa phương năm nay có chiều hướng giảm hơn so với mọi năm, cùng với đó thời tiết xấu, nên bà con ngư dân họ không vươn khơi được”.
Khải Trần