Phát thải khí độc hại từ ngành năng lượng đang gia tăng quá sức tưởng tượng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:13, 17/11/2019
Cụ thể, than là nguồn phát thải CO2 chính và đóng góp từ 65 - 75% trong tổng lượng phát thải CO2 từ hệ thống năng lượng trong các kịch bản. Ngừng đầu tư vào nhà máy nhiệt điện than mới và tăng sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có thể giúp giảm 53 triệu tấn CO2 năm 2030, nhưng lại làm tổng chi phí hệ thống tăng thêm xấp xỉ 1 tỉ USD.
So với kịch bản phát triển bình thường trong báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), phát thải từ ngành năng lượng sẽ giảm 19% vào năm 2030. Nếu thực hiện tiết kiệm năng lượng và ngừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than mới, mức phát thải CO2 sẽ giảm hơn 30% vào năm 2030.
Báo cáo EOR19 còn chỉ ra rằng phát thải từ than trong ngành điện gây ra chi phí y tế lớn đối với xã hội. Tất cả các kịch bản đều dẫn tới chi phí y tế do ô nhiễm môi trường nằm trong khoảng 7-9 tỉ USD vào năm 2030.
Bên cạnh các tác động tới khí hậu của phát thải khí nhà kính, việc đốt nhiên liệu hóa thạch cũng gây ra ô nhiễm không khí tại địa phương và tổn hại đến sức khỏe con người. Quá trình đốt than, khí và dầu giải phóng SO2, NOx và các hạt PM2.5 có thể gây bệnh và tăng nguy cơ tử vong sớm. Các tác động tiêu cực đối với sức khỏe gây ra thiệt hại kinh tế đối với xã hội và có thể được xem là các yếu tố kinh tế ngoại lai.
Vì vậy, Báo cáo EOR19 đưa ra khuyến nghị cần áp dụng các chính sách khuyến khích nhằm giảm phát thải CO2 và các chất ô nhiễm không khí khác, bao gồm thuế, các chương trình mua bán phát thải hoặc các hình thức hệ thống thị trường khác.
Việc áp dụng các chính sách khuyến khích nhằm giảm phát thải CO2 và các chất ô nhiễm không khí khác sẽ hỗ trợ cho các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo, và thúc đẩy quá trình đóng cửa dần các nhà máy sản xuất điện từ các nhiên liệu hóa thạch giàu carbon.
Ngoài ra, Báo cáo EOR19 còn khuyến nghị thắt chặt các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trong sản xuất điện và công nghiệp; bổ sung các chi phí y tế do ô nhiễm môi trường trong mô hình hóa hệ thống năng lượng và lập quy hoạch, trong đó có Quy hoạch phát triển điện quốc gia 8 (QHĐ8).
Theo Báo cáo EOR19, các chi phí y tế hiện tại đã đặt ra gánh nặng chi phí lớn cho xã hội và tình trạng ô nhiễm từ các nhà máy điện đang gia tăng. Các chi phí ngoại ứng liên quan đến sức khỏe thường không được xem xét trong các đánh giá kinh tế khi lập quy hoạch năng lượng. Việc lồng ghép các giải pháp nêu trên sẽ làm nổi bật chi phí thực của năng lượng, đặc biệt là chi phí liên quan đến nhiệt điện than.
Ngoài ra, cần xem xét điều chỉnh mục tiêu phát thải CO2 năm 2030 để phù hợp hơn với việc hạn chế sử dụng than, thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng có chi phí hiệu quả và mở rộng ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo.
Thu Anh