Ông Phan Thanh Bình: Dấn thân làm sách trong điều kiện ngày nay là điều rất đáng trân trọng
Văn hóa - Ngày đăng : 19:35, 17/11/2019
"Đó là điều hạnh phúc, là sự khích lệ nhưng cũng là thách thức cho một đơn vị còn non trẻ như Huyền Đức", ông Phan Thanh Bình,Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nói như vậy tại sự kiện ra mắt Công ty Văn hóa Huyền Đức hôm 16.11.2019 tại TP.HCM.
Theoông Phan Thanh Bình, trong điều kiện văn hóa đọc đang bị "mài mòn" bởi "văn hóa nghe nhìn", bởi điện thoại di động, mạng xã hộithì việc dấn thân làm sách, hướng đến việc phổ biến tri thức, giữ gìn văn hóa đọclà điều rất đáng trân trọng. Ông hy vọng Công ty Văn hóa Huyền Đức,đội ngũ cố vấn cùng các Nhà xuất bản sẽ sớm mang đến cho độc giả, nhất là người trẻ những tác phẩm có giá trị.
Ông Đỗ Biên Quốc - Giám đốc Công ty Văn hóa Huyền Đức, cho biết:“Trong những cuộc trà dư tửu hậu với anh em bạn bè, chúng tôi cùng nhận thấy ra một vấn đề là: Tụi mình đọc ít quá, biết ít quá, thậm chí là không biết gì. Vậy là chúng tôi cùng tìm đọc, tìm biết, và chia sẻ cùng nhau những cuốn sách, tư liệu hay, có giá trị. Rồi cũng với suy nghĩ chia sẻ đó, chúng tôi muốn mình chia sẻ và được chia sẻ nhiều hơn, rộng hơn, lớn hơn đến với những người khác, những người mong muốn được biết, những người yêu mến tri thức, những bạn đọc chưa một lần gặp gỡ. Vậy là Công ty Văn hóa Huyền Đức được ra đời…”.
Tạibuổi ra mắt, nhà văn Đoàn Thạch Biền và tác giả Nguyên Nguyên đã quyết định trao tác quyền toàn bộ các tác phẩm của mình cho Công ty Văn hoá Huyền Đức với mong muốn những "đứa con tinh thần" của mình cócơ hội đến với độc giả nhiều hơn.
“Đó là ước mơ trẻ trâu của một nhà văn đã già", ông Đoàn Thạch Biền đã nói như vậy ngay sau khi đặt bút ký biên bản ghi nhớ.
Cũng tại sự kiện ra mắt, Công ty Văn hoá Huyền Đứcđã giới thiệu đến độc giả những đầu sách, như:Ví dụ ta yêu nhau (Đoàn Thạch Biền), Tác phẩm và dư luận (Nguyễn Bắc Sơn), Sài Gòn Chuyện tập tàng (Lê Lade), Mây trắng bay qua bục giảng (Nhiều tác giả) và các tác phẩm của tác giả Nguyên Nguyên là: Hành thiền, Góp nhặt lá rừng, Lão Tử Đạo đức kinh.
6 đầu sách mới của Huyền Đức
1.Ví dụ ta yêu nhau(Đoàn Thạch Biền)
Ví dụ ta yêu nhaucủa Đoàn Thạch Biền sau 45 năm đã quay trở lại, kể từ lần xuất hiện đầu tiên năm 1974. Theo lời của tác giả, sau ngần ấy năm, đọc lại tác phẩm của mình, ông nhận ra “nhiều chỗ còn ngây ngô, vụng dại”. Nhưng ông không chỉnh sửa gì, hay nói đúng hơn là không thể sửa chữa. Vì đó không đơn thuần là câu chữ, đó là những cảm xúc của trải nghiệm thanh xuân, của lần yêu và được yêu thời son trẻ.
14 ví dụ, những câu chuyện khác nhau được kể lại, mỗi câu chuyện chất chứa những tâm tư riêng, nhưng tựu trung lại đó vẫn là những cảm xúc đôi khi không cần lý lẽ của con tim. Đó có thể là câu chuyện của chàng thanh niên lần đầu đến Phan Rí, không ngửi nổi mùi nước mắm, nhưng lại làm việc trong hãng nước mắm và lỡ sa vào tình yêu với cô bé có đôi mắt đen láy to tròn. Hay câu chuyện của chàng giáo viên với cô bé Ngọc Lan bên bờ biển một mùa hè; cuộc tình chưa chớm nở nhưng đã mau chóng lụi tàn vì cô bé ra đi mãi mãi do bệnh tim quái ác. Tất cả trở nên không thật đối với chàng trai, và buồn thay, mùa hè lại có thật… Hoặc cuộc gặp gỡ vô tình của chàng trai và cô bé bán bắp cải đến từ Đà Lạt, rồi cũng chia xa giữa bao nhiêu ngổn ngang cảm xúc còn dang dở… Đó chỉ là ba trong số nhiều ví dụ, của tình yêu. Không phải tác giả phô trương những chuyện tình của mình, đó chỉ là kể lại những câu chuyện, như tác giả nói, là chuyện của “thiên hạ”, để hyvọng mình cũng có một chuyện tình, không phải là ví dụ, mà thực sự, ta yêu nhau.
Trải nghiệm thú vị nhất của tuổi trẻ có lẽ là những trải nghiệm về tình yêu. Có những cuộc tình chóng quên cũng có những cuộc tình khắc cốt ghi tâm mà mãi về sau này, khi nhớ lại, nó vẫn làm ta bồi hồi. Những kỷniệm ấy, góp nhặt từ ký ức, trải ra trên trang giấy, trở thành những ví dụ… của trái tim.Ví dụ ta yêu nhaulà tập hợp những câu chuyện tình, có viên mãn hạnh phúc, cũng có dang dở chia xa. Tuy nhiên, cái đọng lại sau cùng ấy là cảm xúc, là miền ký gửi của những thăng hoa đã từng trải nghiệm trong quá khứ. Qua 14 ví dụ, người đọc có thể tìm lại thanh xuân của mình với những chuyện tình nhẹ nhàng, cũng có thể là những trải nghiệm mới với những cung bậc cảm xúc mới.
2. Mây trắng bay qua bục giảng (nhiều tác giả)
Nghề giáo, trong mắt nhiều người, đó là nghề cao quý và tương đối nhàn hạ. Tuy nhiên, có đặt mình vào vị trí của các thầy, cô giáo, chúng ta mới có thể hiểu được những vất vả, ưu tư và những mong muốn của họ dành cho những lớp học trò.Mây trắng bay qua bục giảnglà tập hợp 27 câu chuyện đến từ 27 người thầy, cô giáo, đồng thời, họ cũng là những tác giả viết văn, làm thơ. 27 câu chuyện, hay nói đúng hơn là 27 sự trải lòng của những người giáo viên cũng như tâm huyết của họ đối với nghề.
Với Nguyễn Nhật Ánh, dù quãng thời gian đi dạy của ông khá ngắn ngủi, chỉ 2 năm, nhưng 2 năm ấy có quá nhiều điều để nhớ. Chính ký ức trong khoảng thời gian dạy học ở trường Bình Tây mà tác phẩmBàn có năm chỗ ngồicủa ông được thành hình. Với Nhật Chiêu, những năm tháng miệt mài trên giảng đường là hành trình tìm tòi không ngưng nghỉ với khao khát mang lại nhiều bộ môn mới và cần thiết cho sinh viên cũng như nền học thuật nước nhà. Và được giới thiệu những tác phẩm văn học mới đến với độc giả Việt Nam là niềm vui của thầy Nhật Chiêu. Còn với Huỳnh Như Phương, “Nghề dạy học là một nghề khiêm tốn”, vì kiến thức mình truyền dạy cho học trò không phải của một mình mình, mà nó là sự tổng hợp tri kiến của nhân loại, của những người đi trước mình. Và sự thận trọng khi truyền đạt kiến thức cho học trò là hết sức cần thiết, người giảng viên phải gạn lọc kỹ càng, đâu là điều đúng, đâu là điều cần nói. Còn đối với Lê Minh Khôi, gắn bó với bục giảng cho đến khi nào không còn có thể nữa đã trở thành “lời hứa tâm linh” của ông đối với người giảng viên quá cố của mình.
Đó là vài câu chuyện nghề và chuyện đời tiêu biểu trong số 27 câu chuyện củaMây trắng bay qua bục giảng. Tác phẩm như là lời bộc bạch thân tình của mỗi thầy, cô giáo, đồng thời, cũng một lần trao cơ hội cho những ai đã từng là học trò, thấu hiểu và cảm thông hơn đối với những người thầy, cô giáo của mình.
3. Sài Gòn chuyện tập tàng - Nghề chơi lãng đãng (Lê Lade)
Tiếp nối hai tập trước củaSài Gòn chuyện tập tàng, tậpNghề chơi lãng đãngcủa Lê Lade vẫn tiếp tục giọng văn bình dân, vẫn “lãng đãng” khắp Sài Gòn và góp nhặt những câu chuyện về đất và người Sài Gòn - Gia Định. Nhưng lần này,Nghề chơi lãng đãngsẽ đưa quý độc giả tiếp cận với dân chơi Sài Gòn và tìm hiểu về những nghề chơi của họ.
Bắt đầu với dân chơi phó nháy, dân chơi nghệ sĩ, đến dân chơi tài tử, dân chơi sành điệu và dân chơi bồng bềnh, dân chơi thăng bằng; mỗi dân chơi có cho mình kiểu chơi, chỗ chơi và cách thức chơi riêng nhưng có một điểm chung là đều thú vị. Tất cả những nghề chơi ấy chúng ta đều biết đến hoặc có thể đã từng nghe qua, nhưng cái thú vị mà tác giả mang đến đó là việc thuật lại, trong tầm hiểu biết của mình, các nghề chơi đã từng bắt đầu, diễn biến và phát triển như thế nào, từ quá khứ cho đến hôm nay, song song đó là việc kết hợp nghề chơi với những câu chuyện kể mà chính tác giả hoặc bạn bè xung quanh được tự bản thân mình trải nghiệm.
ĐọcSài Gòn chuyện tập tàng, tậpNghề chơi lãng đãng, độc giả có thể có những phút giây hoài niệm quá khứ, nhớ lại bản thân đã từng là một “dân chơi” như thế nào hay mường tượng được những người xung quanh mình trong quá khứ đã có những thú vui gì. Đối với bạn đọc trẻ, chưa từng có cơ hội được trải nghiệm những thú chơi ấy như cha, anh của mình thì tác phẩm cũng phần nào cung cấp những thông tin về các nghề chơi để thế hệ hôm nay hiểu rõ hơn thế hệ trước của mình và nguồn gốc những nghề chơi ngày nay mình đang thụ hưởng.
4. Nguyễn Bắc Sơn - Tác phẩm và dư luận
Nguyễn Bắc Sơn, một gương mặt đặc biệt của thi đàn Việt Nam, một cá tính mạnh mẽ và khoáng đạt. Ông đã dám “dõng dạc tuyên bố”: “Trong thành phố này ta là người phản chiến.”, vì thế, tinh thần “phản chiến” là thứ mà ta thường xuyên bắt gặp trong thơ của ông. Tuy nhiên, bên cạnh những dòng thơ cất lên từ lửa đạn điêu tàn, thơ Nguyễn Bắc Sơn cũng đậm đà chất trữ tình, thi vị. Bên cạnh những dòng thơ cay đắng đến đau đớn như “Ta mắc bệnh ung thư thời chiến/ Thoi thóp còn một trái tim khô/ Sợ hãi con người hơn thú dữ/ Nhìn nơi nào cũng thấy hư vô” (Căn bệnh thời chiến) thì Nguyễn Bắc Sơn cũng có “Lòng vui sướng như một ngày nắng tốt/ Cầm tay em chầm chậm qua sông/ Tà áo em buồm trắng đã căng phồng/ Những tình ý một đời chưa tỏ hết” (Viết cho Nhị Hồng). Nguyễn Bắc Sơn “có thể được coi như một trong những nhà thơ của 20 năm văn học Miền Nam tiêu biểu nhất.” (Nguyễn Mạnh Trinh).
Quyển sách không phải để hoài niệm quá khứ mà để “ôncố tri tân”, đồng thời cũng là để tri âm một nhà thơ đặc biệt, người đã góp tiếng nói riêng, phả một làn gió lạ vào thi đàn.
5.Góp nhặt lá rừng (Nguyên Nguyên)
Tiếp nối tinh thần của Góp nhặt cát đá, Góp nhặt lá rừng là tập sách bao gồm 67 câu chuyện về triết lý Thiền. Cách tổ chức theo lối pháp thoại của nhà Phật, vừa kể chuyện vừa giảng giải ý nghĩa triết lý, mang đến sự quen thuộc, gần gũi và dễ hiểu cho người đọc. Trong 67 câu chuyện đó, bên cạnh việc trích dẫn những câu thơ mang tinh thần Phật giáo, tác giả cũng không ngần ngại sử dụng những câu chuyện của đạo Thiên Chúa để đúc kết minh triết của cuộc sống. Từ đó ta thấy được sự gần gũi trong triết lý của Thiền cũng như Đạo. Những vấn đề xuyên suốt trong cuốn sách này chủ yếu là sống tỉnh thức, khơi dậy niềm tin tôn giáo và kêu gọi lối sống rộng mở, bao dung. Qua tập sách này, tác giả không những chỉ cho ta thấy những triết lý ẩn tàng trong cuộc sống muôn hình muôn vẻ mà đồng thời còn hướng chúng ta đến lối sống đẹp, sống Đạo.
Với lối viết dung dị, Góp nhặt lá rừng là một cuốn sách dành cho tất cả mọi người, dù là những người đang cần một nhịp thở chậm giữa cuộc sống vội vã này hay những người sống nhàn ẩn vi cần suy ngẫm sâu sắc về ý nghĩa của đời người.
6. Lão Tử - Đạo Đức Kinh
Đạo Đức Kinh đã xuất hiện cách đây gần khoảng 3000 năm, nhưng cho đến hiện tại, những giá trị của nó vẫn còn phù hợp và có thể áp dụng được trong cuộc sống ngày nay. Chính vì những giá trị triết lý và có thể áp dụng được trong thực tiễn ấy mà Đạo Đức Kinh của Lão Tử luôn được quan tâm dịch và bình giải. Tác giả Nguyên Nguyên cũng góp một phần tâm huyết của mình đối với một tác phẩm lớn không chỉ đối với Trung Hoa, bằng việc cho ra đời tác phẩm Lão Tử - Đạo Đức Kinh dịch giải.
Ngoài việc dịch 81 chương từ nguyên tác tiếng Hán ra tiếng Việt và diễn giải nó, tác giả Nguyên Nguyên còn có những lời bàn, những suy ngẫm, chiêm nghiệm của ông về Đạo Đức Kinh và về cuộc đời. Những diễn giải, suy ngẫm ấy là sự cố gắng của tác giả trong việc làm đơn giản và dễ hiểu hơn đối với một tác phẩm kinh điển của nhân loại.