Trung Quốc bổ nhiệm cảnh sát trưởng Hồng Kông mới 'nhiều kinh nghiệm'
Quốc tế - Ngày đăng : 14:15, 19/11/2019
Chính phủ trung ương Trung Quốc đã thông qua đề xuất của trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) về việc bổ nhiệm ông Đặng làm cảnh sát trưởng Hồng Kông thay thế cho ông Lư Vĩ Thông (Stephen Lo), 58 tuổi, người vừa về hưu vào hôm 18.11 sau 35 năm phục vụ. Ông Đặng (54 tuổi) từnglà cấp phó của ông Lư và được xem là nhân vật quan trọng trong lực lượng cảnh sát Hồng Kông.
Nhận xét về việc bổ nhiệm ông Đặng Bính Cường cho vị trí cảnh sát trưởng Hồng Kông, trưởng đặc khu Lâm cho biết ông Đặng có rất nhiều kinh nghiệm về điều tra tội phạm, liên lạc quốc tế cũng như chỉ huy các hoạt động tác chiến.
"Ông Đặng có thành tích xuất sắc và sở hữu các kỹ năng lãnh đạo đã được chứng minh. Tôi tin tưởng rằng ông ấy sẽ lãnh đạo lực lượng cảnh sát trong việc giải quyết những thách thức phía trước", bà Lâm nói.
Trong buổi phỏng vấn với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) trước khi tuyên thệ nhậm chức vào hôm 19.11, ông Đặng nói rằng cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông đã bước sang tháng thứ 6 và điều này còn hơn cả vấn đề về an ninh trật tự.
Tiếp quản cương vị trên vào thời điểm lực lượng cảnh sát Hồng Kông đang hứng vô số chỉ trích vì các cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức với người biểu tình, ông Đặng bày tỏ mong muốn người dân Hồng Kông sẽ lên án bạo lực, và khẳng định“sự im lặng và khoan dung của họ chỉ khuyến khích những kẻ cực đoan đeo mặt nạ tàn phá thành phố”.
Tân cảnh sát trưởng Hồng Kông cho rằng lực lượng 31.000 cảnh sát Hồng Kông sẽ không thể tự dập tắt được tình trạng bất ổn chưa từng có của đặc khu hành chính này và nhấn mạnh cần có sự hỗ trợ từ người dân.
“Với tư cách là cảnh sát trưởng mới. Tôi sẽ hỗ trợ lực lượng của của mình hoàn thành nhiệm vụ. Để thực thi luật một cách hiệu quả, chúng tôi cần sự hỗ trợ của cộng đồng”, ông Đặng nhấn mạnh.
Kể từ tháng 6, ông Đặng đã lãnh đạo hoạt động của cảnh sát Hồng Kông để đối phó với các cuộc biểu tình trên đường phố bùng phát bởi dự luật dẫn độ tranh cãi, hiện đã được rút.
Ông Đặng cũng đề cao cách đối phó của cảnh sát trong 5 tháng bất ổn vừa qua. “Dù các đồng nghiệp của tôi đã làm việc nhiều giờ liền, nhưng họ vẫn ở lại vị trí của mình để duy trì luật pháp và trật tự của thành phố. Tôi rất tự hào về các sĩ quan và lực lượng cảnh sát”.
Ngoài ra, ông Đặng cũng đã bác bỏ các cáo buộc cảnh sát đánh đập những người biểu tình cực đoan và cho biết những kẻ vi phạm pháp luật đã bịa đặt tin tức để làm tổn hại uy tín của cảnh sát Hồng Kông.
“Tôi hoàn toàn bác bỏ thông tin cáo buộccác sĩ quan của chúng tôi không kiểm soát được tình hình và đã sử dụng vũ lực quá mức. Chúng tôi sử dụng vũ lực khi có bạo lực. Nhiều người trong số các sĩ quan của chúng tôi đã bị tấn công tàn nhẫn. Họ phải rút súng để tự bảo vệ chính mình, chứ không phải để đàn áp đám đông”, ông Đặng phát biểu.
Khi được hỏi liệu ông Đặng sẽ xin lỗi về các hành vi nếu được chứng minh là sai trái của các sĩ quan cảnh sát, ông Đặng trả lời: “Chúng tôi phải xem xét toàn bộ tình hình, thay vì kiểm tra từng điều một bằng kính lúp. Liệu chúng tôi sẽ phải xin lỗi hết cho mọi trường hợp hay không? Làm như vậy sẽ có thể làm suy yếu mọi đóng góp và sự chăm chỉ của lực lượng cảnh sát Hồng Kông trong 5 tháng qua. Cảnh sát chúng tôi đãđưa ra hàng ngàn và hàng triệu quyết định, mỗi người trong số đóđều không thể hoàn hảo”.
Phản ứng trước các bình luận của các nhà phê bình về việc bày tỏ sự tiếc nuối rằng lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã mất đi danh tiếng từ lâu với tư cách là những người thi hành luật tốt nhất châu Á, ông Đặng đã bác bỏ và nói rằng, “ngược lại, cảnh sát Hồng Kông đã chứng minh được chính mình”.
Ông cũng chỉ ra rằng với tư cách là một lực lượng cảnh sát đô thị chịu trách nhiệm về luật pháp và trật tự chung, lực lượng tại Hồng Kông không được xây dựng để đối phó với các cuộc bạo loạn dài hạn, nhưng luôn vẫn kiên định đối mặt với tình trạng bất ổn và bạo lực không ngừng.
Hoàng Vũ (theo SCMP)