Hàng loạt ngân hàng hạ lãi suất sau động thái mạnh từ Ngân hàng Nhà nước

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 22:18, 19/11/2019

Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn từ mức 5,5% xuống 5%. Trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên cũng được giảm từ mức 6,5% xuống 6%. Ngay sau động thái giảm lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất.
          

Theo đó, ngày 19.11, VietinBank công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VND ngắn hạn tối đa từ 6,5%/năm xuống 6%/năm đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tương tự, TPBank đã thông báo thay đổi lãi suất huy động, với mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của ngân hàng này từ 8,6%/năm xuống còn 7,6%/năm. Với kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cao nhất hiện chỉ còn 7,6%/năm. 

MBBank cũng điều chỉnh giảm 0,1% lãi suất ở hầu hết kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 1 tháng ngân hàng giảm xuống còn 4,8%/năm; 6 tháng và 9 tháng giảm xuống 6,4%/năm. 

MSB cũng công bố giảm tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh, đặc biệt giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi, nông nghiệp.

Trước đó, VPBank đã công bố biểu lãi suất mới, giảm mạnh ở hàng loạt kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy giảm tới 0,4% cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, 36 tháng, khi gửi từ 5 tỉ đồng trở lên. Ngoài ra, tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại VPBank cũng giảm 0,2%, lãi suất tiền gửi 9 tháng giảm 0,3 %...

Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng khác là OCB, SCB, Vietcapitalbank, ACB, Eximbank, ABBank... cũng thông báo giảm lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn khác nhau. Mức giảm phổ biến tại các ngân hàng này từ 0,1-0,4%/năm.

Trên tờ Bloomberg, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách Việt Nam cho biết, động thái giảm lãi suất có thể là một tín hiệu của việc nới lỏng chính sách tiền tệ, bởi Chính phủ đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Việc này nhằm có bước đệm vững chắc hơn để đối mặt với bất kỳ “cơn gió ngược nào” từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy cho vay đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải đảm bảo rằng dòng tiền sẽ chảy vào sản xuất, không phải chảy vào các khu vực có rủi ro cao như đầu cơ bất động sản.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng động thái giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn của Ngân hàng Nhà nước là nhằm thực hiện định hướng giảm 0,5% lãi suất cho vay mà Thủ tướng đã nêu ra tại Quốc hội. Các ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh sẽ là những ngân hàng chịu ảnh hưởng từ định hướng trên rõ nét nhất.

“Sau Vietcombank, rất có thể Vietinbank và BIDV cũng sẽ sớm công bố các gói giảm lãi suất cho tất cả các lĩnh vực cho vay, chứ không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực ưu tiên như trước. Với các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và nhỏ, việc giảm lãi suất cho vay có thể sẽ chỉ dừng ở các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng”, BVSC nhận định.

Mặt khác, BVSC nói rằng việc giảm trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước dựa trên tiền đề là thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái rất dồi dào. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục duy trì ở mặt bằng thấp 1,8-2,2%/năm trong 4 tuần gần đây. Diễn biến này là do hoạt động mua ròng ngoại tệ lớn của Ngân hàng Nhà nước và tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có xu hướng chậm lại trong 9 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, theo BVSC, thanh khoản hệ thống là nguồn vốn mang tính ngắn hạn nên cơ chế lan truyền đến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ hạn chế và mang tính chọn lọc, chỉ diễn ra đối với những ngân hàng dư thừa về vốn thật sự. Nhìn chung toàn hệ thống, lộ trình thực hiện thông tư 41 đang đến gần (đầu năm 2020) sẽ khiến các ngân hàng chưa đáp ứng được hệ số an toàn vốn CAR (hơn 20 ngân hàng) khó có khả năng cắt giảm mạnh lãi suất huy động, đặc biệt tại các kỳ hạn trung và dài hạn.

Phan Diệu

   

Phan Thị Diệu