Một làng quê ở Indonesia: Chất độc Dioxin từ những lò nấu đậu hũ bằng rác từ Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 07:05, 20/11/2019
Mới đây, báo New York Times dẫn báo cáo mới công bố của những tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế và Indonesia, nêu việc kiểm tra trứng gà ở ngôi làng Tropodo 5.000 dân ở phía đông đảo Java đã phát hiện nhiều hóa chất độc hại, gồm chất độc dioxin gây ung thư, quái thai và bệnh liệt rung Parkinson.
Theo tờ báo Mỹ, mức độ dioxin có trong số trứng nói trên chỉ kém sau số trứng được kiểm tra ở Biên Hòa, nơi quân đội Mỹ từng có một căn cứ không quân (thời Chiến tranh Việt Nam) và là nơi xuất phát của các chuyến bay rải chất độc da cam vốn chứa dioxin. Gần đây, chính phủ Mỹ đã khởi động chương trình làm sạch Biên Hòa dự kiến kéo dài 10 năm và có số kinh phí 390 triệu USD, vì Biên Hòa vẫn là nơi nhiễm độc dioxin nặng suốt gần 50 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam.
“Hành trình” rác thải nhựa nấu đậu hũ gây nhiễm độc dioxin
Báo cáo nêu một số quả trứng gà của các dân làng Tropodo được kiểm nghiệm, được phát hiện có lượng chất độc dioxin cao nhất châu Á, và một người lớn ăn một quả trứng này sẽ hấp thụ mức độc vượt ngưỡng an toàn hàng ngày của Mỹ gần 25 lần, và vượt chuẩn an toàn của Ủy ban An toàn thực phẩm châu Âu những 70 lần. Trứng thường được dùng để kiểm tra mức độ nhiễm độc, vì gà bươi đất tìm thức ăn vàchất độc dioxin tăng lên trong trứng của loài gia cầm cày.
Báo cáo được tiến hành bởi 4 tổ chức bảo vệ môi trường: Ecoton; Nexus3 Foundation (ở Indonesia); Arnika (ở Cộng hòa Czech) và Mạng lưới Giảm thiểu độc hại quốc tế (IPEN) - một tổ chức toàn cầu chú trọng việc loại bỏ các hóa chất độc hại.
Báo cáo nêu mức dioxin được tìm thấy trong đất ở làng Tropodo là “nhờ” phương Tây cho rằng họ đang làm điều tốt cho môi trường, bằng cách đem rác thải nhựa đi tái chế, đa phần là chở qua nước khác gồm Indonesia, nơi chúng được xử lý cùng rác địa phương. Nhưng thay vì được chuyển thành hàng tiêu dùng (ví dụ áo khoác, giày), đa phần rác lại không thể sử dụng để tái chế, từ đó chúng bị ném vào các lò nấu đậu hũ ở làng Tropodo.
Lượng rác thải nước ngoài đến Indonesia tăng cao từ 2 năm trước, sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu rác. Ở Đông Java có 11 nhà máy giấy ở phía nam Surabaya (thành phố đông dân thứ nhì của Indonesia) nhập khẩu rác thải giấy để tái chế.
Bà Yuyun Ismawati, đồng sáng lập Nexus3 Foundation và là đồng tác giả báo cáo, nói: “ Rác thải nhựa từ người tiêu dùng ở Mỹ và các nước khác được đốt để làm đậu hũ ở Indonesia. Những người nước ngoài bất lương vùi 50% rác thải nhựa vào số rác thải giấy giả định và chuyển qua các nước đang phát triển. Các công ty địa phương thì hưởng lợi từ những chuyến hàng này”.
Bêntrong một lò nấu đậu hũ ở làng Tropodo - Ảnh: New York Times
Sau khi “lột” các nguyên liệu tốt nhất để tái chế, các công ty này chuyển số rác thải nhựa còn lại đến Bangun, một ngôi làng mà nhiều người moi rác tìm đến để kiếm các thứ có giá trị và vật liệu có thể tái chế. Làng này có 2.400 dân, và hầu như mỗi gia đình kiếm sống nhờ rác. Người moi rác nói họ có thể phân biệt các lô hàng Mỹ vì chúng được viết tiếng Anh, ví dụ các chai rượu vỡ của những hãng rượu nổi tiếng.
Điểm đến cuối cùng của dòng rác thải này là làng Tropodo và các nhà sản xuất đậu hũ. Làng này có hơn 30 lò nấu đậu hũ bằng cách đốt giấy và rác thải nhựa, gồm các loại rác chở từ Mỹ sau khi dân Mỹ bỏ chúng vào thùng rác tái chế. Mỗi ngày, từng đoàn xe tải chở rác từ Bangun đến làng, xả chúng xuống khu đất bên ngoài các lò nấu. Tài xế Fadil, 38 tuổi, nói anh đã giao rác thải nhựa và giấy cho người làng suốt 20 năm nay: “Họ cần chúng làm chất đốt cho lò”.
Nhiều dân làng nói họ không bằng lòng việc đốt nhựa, nhưng họ không có tiếng nói để ngăn cản tình trạng này. Các cột khói đen cuồn cuộn xả ra từ các ống khói bao phủ khắp làng như một màn sương độc, mùi nhựa cháy tràn ngập không khí và từng mảng tro đen bám chặt nền đất. Việc hàng ngày đốt rác thải nhựa này đã gây ra những hậu quả độc hại. Cụ Karnawi, 84 tuổi, sống gần 7 lò, nói: “Họ nổi lửa từ sáng sớm cho đến tận tối, mỗi ngày và khói đen làm tôi khó thở”.
Từ nhiều năm qua, các chủ lò đã ngưng đốt lò bằng củi, thay vào đó là đốt nhựa. Nanang Zainuddin, 37 tuổi, là chủ lò sát chuồng gà của cụ Karanawi, nói cách đốt này rẻ tiền hơn, và ông chôn tro nhựa để tôn nền nhà cao lên, và ông cho hàng xóm một số tro để họ rải khắp trên và xung quanh đất nhà họ.
Nanang nói: “Chúng ta đang đứng trên tro tàn. Dioxin có thể đến từ bất kỳ đâu, nhưng nếu chính phủ muốn giải quyết tình trạng này, họ luôn được hoan nghênh”.
Khói độc tạo ra màn sương độc từ ống khói các lò nấu đậu hũ - Ảnh : New York Times
Chủ lò chỉ nghĩ kiếm tiền, chính quyền lơ chuyện nhiễm độc dioxin
Ông Ismail, 50 tuổi, một chủ lò nấu đậu hũ và từng là trưởng làng Tropodo, hồi năm 2014 từng ra lệnh cấm dùng nhựa làm chất đốt. Nhưng lệnh cấm này chỉ kéo dài vài tháng, cuộc đốt lò nấu đậu hũ lại diễn ra. Lệnh cấm của ông bị phớt lờ vĩnh viễn. Ông nói lò nhà ông chủ yếu sử dụng củi, đôi lúc mới dùng đến nhựa làm chất đốt: “Ở làng có nhiều nhà nấu đậu hũ như tôi, và họ không quan tâm. Họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà thôi”.
Timesnêu dioxin tìm thấy ở làng Tropodo là hậu quả một hoạt động phi pháp, thiếu thận trọng và có cả sự thờ ơ của chính quyền Indonesia. Thực tế thì việc công khai đốt rác thải - gồm nhựa - có ở khắp Indonesia. Hoạt động này bị cấm nhưng lệnh cấm hiếm khi được tuân thủ.
Các nhà bảo vệ môi trường nói Tổng thống Joko Widodo phớt lờ sự lo ngại về sức khỏe của người dân vì ông theo đuổi chính sách phát triển kinh tế, và họ đã đề nghị ông giải quyết tình trạng độc hại, gồm ô nhiễm môi trường và nhiễm thủy ngân.
Hồi tháng 7, lãnh đạo cơ quan quản lý rác thải (thuộc Bộ Môi trường Indonesia) là bà Rosa Vivien Ratnawati đã thăm làng Tropodo. Bà công nhận việc đốt nhựa gây độc hại nhưng không có nỗ lực nào để kết thúc tình trạng này. Bà nói với các nhà báo rằng bà sẽ xem xét khả năng kiểm soát khói độc: “Nếu nhựa được dùng làm chất đốt thì không phải là một vấn đề, nhưng phải kiểm soát sự ô nhiễm”.
Từ sau đó, chính phủ Indonesia không có hành động nào. Khi Times tiếp xúc, bà Ratnawati từ chốibàn về vấn đề này, chuyển các thắc mắc cho ông Karliansyah, nhưng vị lãnh đạo bộ phận kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường này không trả lời Times.
Lee Bell, một cố vấn của và là đồng tác giả của báo cáo, nói: “Các phát hiện trần trụi này minh họa các nguy hiểm của nhựa đối với sức khỏe con người, nên các nhà hoạch định chính cách cần cấm đốt rác thải nhựa, xử lý vấn đề nhiễm độc môi trường và nghiêm khắc kiểm soát lĩnh vực nhập khẩu”.
Mỹ Trinh (theo New York Times)