Đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo 'đội' vốn khủng

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:57, 24/11/2019

Dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo xin chậm 12 năm, trong khi đã đội vốn tới 82% (khoảng hơn 16.000 tỉ đồng).

Báo cáo gửi Quốc hội của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết UBND thành phố Hà Nội đã xin lùi kế hoạch hoàn thành Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tới năm 2027 (tức chậm 12 năm). Tổng mức đầu tư xin phê duyệt điều chỉnh tăng từ 19.555 tỉ đồng lên 35.678 tỉ đồng, tăng 16.123 tỉ đồng (tăng 82%) so với ban đầu, tổng chi phí đầu tư của dự án điều chỉnh là 143 triệu USD/km.

Nguyên nhân do thay đổi quy mô đầu tư (tăng 1.801 tỉ đồng), tỉ giá tăng quy đổi (2.235 tỉ đồng), giá nguyên liệu - vật tư - nhân công - thiết bị - trượt giá (tăng 6.762 tỉ đồng), những thay đổi chế độ chính sách - chi phí quản lý (tăng 5.323 tỉ đồng).

Theo kế hoạch điều chỉnh, vận tốc thiết kế chạy tàu cũng được nâng từ 90km mỗi giờ lên 120km, tốc độ vận hành tối đa các đoàn tàu trên tuyến sẽ đạt 110km ở đoạn trên cao, 80km trong hầm và 15 km một giờ khu Depot.

Cùng đó, TP Hà Nội cũng điều chỉnh giảm số lượng đoàn tàu từ 14 đoàn (56 toa tàu) xuống 10 đoàn (40 toa tàu) để vận hành các đoàn tàu phù hợp với lưu lượng hành khách dự báo, bảo đảm thời gian giãn cách, vận chuyển hành khách tiện lợi.

Thời gian qua, TP Hà Nội cũng điều chỉnh một số thông số kỹ thuật dự án so với thiết kế ban đầu được duyệt vào năm 2008 để bảo đảm an toàn chạy tàu. Do dự án phải thực hiện một loạt điều chỉnh, nên tiến độ hoàn thành được đề xuất lùi đến năm 2027.

UBND TP Hà Nội cho biết, tính đến nay dự án đã kéo dài 11 năm, chủ yếu do các vướng mắc liên quan đến quy hoạch của ga ngầm C9. Sự chậm trễ này đang có tác động tiêu cực, khiến dự án kéo dài, dẫn tới đội vốn do các yếu tố trượt giá, tăng chi phí nhân công, vật tư, máy móc, tăng lãi vay, làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến hiệp định vay ODA và các cam kết vốn của nhà tài trợ.

Đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là một phần của tuyến đường sắt số 2 của TP Hà Nội, có vai trò kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm TP, dài khoảng 11,5km, với 2,6km đi trên cao và 8,9km đi ngầm dưới lòng đất.

Tuyến đường sắt đô thị này có 10 ga, trong đó ga C9 được TP Hà Nội đề xuất xây dựng ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vườn hoa cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm, vị trí xây dựng phía trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội.

Để đảm bảo sự hài hòa về không gian kiến trúc, bảo tồn di tích quốc gia hồ Hoàn Kiếm, tháng 3.2018 Ban quản lý dự án đường sắt Hà Nội đã tổ chức trưng bày, lấy ý kiến rộng rãi người dân trong khu vực. Kết quả lấy ý kiến cũng ghi nhận 90,3% người dân ủng hộ việc xây dựng ga ngầm C9 cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm, 7,2% người dân phản đối và khoảng 2,5% người dân không có ý kiến.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt vào tháng 11.2008. Tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5 km, trong đó 8,5 km đường đi ngầm và 3 km đi trên cao, khổ đường sắt đôi 1.435 mm.

Dự án có tổng mức đầu tư 19.555 tỉ đồng, sử dụng là ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 - 2015, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa thể khởi động.

Tuyết Nhung

tuyetnhung