Kỳ cuối: Cái kết 'ấm lòng chiến sĩ'
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:59, 25/11/2019
Kỳ 1: Tưởng bị bắt cóc đi gặp Năm Cam nhưng đối diện A Lý
Kỳ 2: Cay đắng với vụ bắn người ở Vũ trường Métropolis năm 2001
Kỳ 3: Đối đầu với Năm Cam chỉ có thể là A Lý
Kỳ 4: Tái ngộ A Lý trong cảnh 'một mình giữa bầy sói'
Kỳ 5: Tôi khuyên đường chủ bang Trúc Liên ra đầu thú
Kỳ 6: Tôi và A Lý tung mồi nhử nhau trong cuộc đối đầu cân não
Kỳ 7: Vét quỹ đen, xin tiền vợ đấu A Lý
Kỳ 8: Tôi từ chối cọc tiền của A Lý
Kỳ 9: Áp lực nghẹt thở sau lần gặp A Lý
Kỳ 10: Tôi bị nhắm khởi tố sau khi gặp A Lý
Kỳ 11: Đơn độc và không đơn độc
Kỳ 12: Chạy đua với thời gian khi vụ án Năm Cam đang hồi cao trào
Đầu tiên, một số tờ báo tìm đến phỏng vấn Viện Kiểm sát, để tìm hiểu tính pháp lý của vụ việc, có tờ còn tìm phỏng vấn luôn ông Trương Hòa Bình -Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao lúc bấy giờ. Những tờ báo khác, phỏng vấn lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo TP.HCM (hội nghề nghiệp), có tờ thì phân tích vụ việc kỹ lưỡng, soi chiếu cặn kẽ đưới nhiều góc độ khác nhau… Thông tin về vụ khởi tố cứ nháo nhào cả lên, mỗi tờ báo một kiểu, nhưng tựu trung là bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên, tức là bảo vệ tôi.
Tôi, nhân vật chính của vụ khởi tố hy hữu này, tất nhiên là không thể nằm ngoài “cuộc chiến” đang bắt đầu lan rộng giữa các tòa soạn báo và một số người khi ấy trongCơ quan Điều tra…
Một buổi sáng, khi tôi đang ngồi uống cà phê trên vỉa hè trước cửa tòa soạn báo Thanh Niên thì nhận được cuộc gọi từ số máy bàn: “A lô, anh Hữu Phú hả? Em Đức Hiển báo Pháp Luật TP.HCM đây. Em muốn gặp anh, phỏng vấn anh xung quanh vụ A Lý…”. Phóng viên phỏng vấn phóng viên? Đúng là chuyện “xưa nay hiếm”, lần đầu tiên tôi mới gặp phải trong quá trình làm báo của mình.
Tôi không ngu gì từ chối cơ hội được “mở miệng” trên các phương tiện truyền thông đại chúng, qua đó, minh bạch, công khai tất cả các tình tiết của vụ việc, nêu quan điểm, lớn tiếng đòi hỏi sự công bằng cho mình… Cuộc phỏng vấn lập tức được thiết lập, ngay tại quán cà phê vỉa hè trước toàn soạn báo Thanh Niên. Nghe tên Đức Hiển, em trai Nguyễn Hồng Lam -báo An Ninh Thế giới đã lâu (tôi chơi khá thân với Nguyễn Hồng Lam), đến hôm đó tôi mới được gặp mặt.
Hiển là một phóng viên trẻ, dáng gầy, có gương mặt rất nhanh nhẹn. Đi với một người nữa, vừa gặp tôi là Hiển kéo ghế ngồi xuống vỉa hè, vào đề ngay. Chúng tôi trao đổi sôi nổi, phân tích cặn kẽ vụ việc ngay tại chỗ. Xong, Hiển đưa lại cho tôi xem kỹ bản thảo chép tay, đề nghị tôi có thêm thắt ý kiến hay gạch bỏ điều gì thì làm luôn, ký tên chịu trách nhiệm… Cuộc phỏng vấn kết thúc nhanh chóng như nó bắt đầu. Tôi yên tâm hơn, vì đã có những đồng nghiệp đồng hành trên chặng đường đang còn dài phía trước.
Báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài phỏng vấn tôi, Đức Hiển có gởi ngay cho tôi 1 tờ để làm kỳ niệm,kèm theo câu hỏi: “Anh thấy em viết được không?”. Được, rất được nữa là khác, đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ những đồng nghiệp của mình đang gặp khó khăn trong công tác là một nghĩa cử nên làm, phát huy… Tại sao không?
Sau Báo Pháp luật TP.HCM, tôi lại được anh Hữu Nguyên -sếp cũ, trưởng ban Kinh tế - Chính trị - Xã hội Báo Thanh Niên gọi điện, kêu sang khu Sở thú (Thảo Cầm Viên) Sài Gòn trao đổi công việc, phỏng vấn, cũng xung quanh vụ A Lý (lúc đó anh Hữu Nguyên là trưởng đại diện của báo Đại Đoàn Kết tại TP.HCM).
Thật là “ấm lòng chiến sĩ”, cứ tưởng rằng mình sẽ đơn độc đối phó với mọi thứ… Nào ngờ, khi biết mình gặp sự cố trong tác nghiệp, biết bao nhiêu anh em đồng nghiệp đã đến bên cạnh mình, trong đó có những người tôi chưa hề quen biết, gặp mặt, chỉ nghe tên nhau, biết tên nhau qua mặt báo.
Những cuộc điện thoại gọi trực tiếp đến tôi để động viên, hứa sẽ sát cánh với tôi trên đường “chiến đấu”; những tờ báo, bài báo gởi đến toàn soạn trong phong bì mang tên tôi, kèm theo số điện thoại của người viết bài, và những bức thư đậm đà tình anh em… Có những tờ báo ở xa títnơi tận cùng của tổ quốc.
Cứ thế, tôi trở thành “người hùng bất đắc dĩ” tự lúc nào cũng không hay biết.
Chưa kịp hoàn tất thủ tục khởi tố tôi, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung đã bị Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, Trưởng Ban chuyên án vụ án Năm Cambắt giữ vì có liên quan đến băng nhóm Năm Cam.
Lên thay thế Nguyễn Mạnh Trung tại phòng Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM là trung tá Nguyễn Việt Dũng, nguyên đội trưởng đội Tham mưu Tổng hợp của cơ quan này. Anh Nguyễn Việt Dũng chưa hề có thù oán cá nhân nào đối với riêng tôi, và cũng chẳng hề có động cơ nào khác khi tiếp nhận vụ việc để lại sau khi Nguyễn Mạnh Trung bị bắt.
Và như thế, tôi đã đến cơ quan cảnh sát điều tra để cung cấp lời khai, chứng cứ với một tâm thái khác, tin tưởng rằng sự thật khách quan sẽ được bảo vệ.
Kết quả vụ việc: Tôi không bị khởi tố, tiếp tục được hành nghề phóng viên điều tra, tiếp tục lăn xả vào vụ án Năm Cam đang hồi gay cấn nhất.
Tôi viết loạt bài này không nhằm đả kích cá nhân ai, chỉ tường thuật lại chi tiết những tình huống có thể xảy ra khi phóng viên đi tác nghiệp, kinh nghiệm xử lý vấn đề… Đồng thời, cũng muốn nêu ra một phần sự thật vẫn diễn ra dù vô tình hay cố ý trong mối quan hệ giữa tòa soạn với phóng viên, mà vì nhiều lý do, các phóng viên không thể, và cũng không dám nói ra.
Phóng viên là linh hồn của tờ báo, là những người trực tiếp chịu đựng sự khổ sở, gian truân nhất để đưa những thông tin đúng và hay nhất đến với bạn đọc. Không có những phóng viên giỏi, hết lòng tận tụy phục vụ đêm ngày, tờ báo có tồn tại trong lòng bạn đọc được không?
Hữu Phú