Bến Tre: Hầm cát ‘khủng’ của Công ty Sông Lam tiếp tục hoạt động trái pháp luật

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:50, 26/11/2019

Được biết đoàn Thanh Tra Chính phủ đang làm việc tại các địa phương thuộc tỉnh Bến Tre, vụ việc lùm xùm của Công ty Sông Lam cũng đã được kiểm tra…

Bài 1: Sông Hàm Luông ‘dậy sóng’, ‘cát tặc’ mặc sức tung hoành và hung hãn

Bài 2: Bắt được ‘cát tặc’ cứ… bơm cát vào hầm của Công ty Sông Lam!

Bài 3: Thế lực nào bảo kê cho ‘cát tặc’ càn quét sông Ba Lai?

Bài cuối: Công an viên đi bắt ‘cát tặc’ phải ‘né’ camera do chính công an lắp đặt!

Ai "phớt lờ” để hầm cát “lậu” tồn tại thách thức dư luận?

Tháng 5.2019, báo điện tử Một Thế Giới đăng loạt phóng sự điều tra về nạn trộm cát trên sông Hàm Luông (tại thủy phận tỉnh Bến Tre). Trong số này, có các bài viết phản ánh về hầm cát “khủng”, hoạt động trái phép cạnh cầu Hàm Luông của chi nhánh Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế đầu tư và xây dựng Sông Lam (gọi tắt là Công ty Sông Lam). Nhiều quan chức lãnh đạo địa phương và người dân bày tỏ quan điểm bức xúc, ủng hộ và đề nghị báo chí phải đeo bám phanh phui đến nơi đến chốn, không buông bỏ…

Hiện nay dù hầm cát của Công ty Sông Lam (ấp Thanh Sơn 4, xã Thanh Tân, H.Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) chưa có đầy đủ thủ tục để hoạt động hợp pháp, song hầm cát này vẫn tập trung lượng tàu bơm hút (sức chứa hàng trăm mét khối/phương tiện) ung dung hoạt động.

Sau báo chí phản ánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, chủ hầm lập tức cho bơm tất số cát bất hợp pháp lên tàu chở đi. Động thái trên nhằm đối phó với đoàn kiểm tra... Hầm cát “khủng” của Công ty Sông Lam từ đầy ắp cát, chỉ trong vài ngày trở thành những ao nước sâu đến tận đáy.

Chỉ trong vòng 10 ngày, kể từ khi UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, chủ hầm cát đã tẩu tán cát để tiện đối phó. Tất cả các hầm chứa cát lập tức trở thành những ao nước sâu - Ảnh: Huy Phương

Giới hành nghề lưới cá (đánh đáy sông) và cư dân khu vực lân cận hầm cát, cho biết chuyện trộm cát vào ban đêm của các tàu mang biển số SL… vẫn còn nhưng không rầmrộ như trước. Thi thoảng họ vẫn lén lút hút cát trái phép vào lúc rạng sáng. Có hôm cả 3 tàu SL… đậu cặp kè nhau, chiếc tàu sắt phía ngoài cùng thả vòi xuống hút cạnh bờ sông (trước mặt hầm).

Các tàu này thường đi ngược về phía thượng nguồn sông Hàm Luông (cách hầm cát chừng vài cây số) để hút. Trên tuyến sông Hàm Luông tàu sắt SL… của Công ty Sông Lam chưa từng bị bắt xử phạt lần nào. Thậm chí những tàu sắt sức chứa “khủng” SL (BTr - 7021), từng bị người dân H.Giồng Trôm (Bến Tre) vây bắt vì nghi ăn cắp cát, vẫn được “giải cứu”.

Cuối tháng 4.2019, chiếc tàu sắt trên bị Công an H.Bình Đại (Bến Tre) bắt quả tang khi đang ăn cắp hàng trăm mét khối cát trên sông Cửa Đại. Ông chủ tàu sắt này liền trưng ra hợp đồng cho thuê tàu, để được cơ quan chức năng của tỉnh tham mưu xử phạt hành chính và thả ra rất nhanh. Trong khi tất các phương tiện khai thác cát trái phép của người dân thì bị neo giữ, làm khó suốt nhiều tháng liền không xử phạt dứt điểm.

Riêng hầm cát trái phép của Công ty Sông Lam, sau khi báo điện tử Một Thế Giới thông tin, công ty này đã bị UBND tỉnh phạt gần 100 triệu đồng và đề nghị chủ hầm phải hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường trong vòng 45 ngày. Mới đây ông Lê Cảnh Thắng người đại diện pháp luật của Công ty Sông Lam, đã gửi đơn đề nghị H.Mỏ Cày Bắc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu vực tự ý mở hầm cát.

Ông Nguyễn Văn Bàn, Chủ tịch UBND H.Mỏ Cày Bắc, khẳng định với PV: “UBND huyện không đồng ý cho chủ hầm cát được chuyển đổi mục đích sử dụng đất (diện tích 9.131,4 m2), từ đất trồng cây lâu năm sang đất sản xuất phi nông nghiệp”.

Cụ thể Trưởng phòng TN&MT H.Mỏ Cày Bắc có thông báo số 1276/TB-PTNMT (ngày 14.10.2019), trả lời ông Thắng: “Đối chiếu với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của H.Mỏ Cày Bắc đến năm 2020, đã được UBND tỉnh phê duyệt, phần đất đang mở hầm cát mà ông Thắng xin chuyển đổi mục đích sử dụng, không được quy hoạch đất sản xuất phi nông nghiệp, nên không thể chuyển đổi…”.

Hình ảnh (cắt từ clip) công an buộc các tàu trộm cát, bơm số cát bị bắt lên hầm của Công ty Sông Lam, theo sự chỉ đạo của thượng tá Lê Văn Minh - Ảnh: Huy Phương

Như vậy liệu ông chủ hầm cát trên có nghĩ ra được chiêu khác, hay thế lực nào sẽ giang tay ra giúp ông chủ Công ty Sông Lam tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ với các văn bản pháp lý hợp pháp, để hầm cát tiếp tục tồn tại? Hiện hầm cát này vẫn đang hoạt động ngoài vòng pháp luật, trước sự ngó lơ của các cơ quan chức năng tỉnh và địa phương.

Cần làm rõ mối quan hệ giữa ông Trưởng phòng CSMT với Công ty Sông Lam…

Chính giới trộm cát bức xúc phản ánh, thượng tá Lê Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (CSMT), chỉ đạo điều phương tiện bị bắt giữ từ các nơi (kể cả trên sông Tiền) về bơm lên hầm của công ty Sông Lam. Thậm chí có phương tiện trộm cát bị bắt phải bơm cát trực tiếp lên tàu SL… (không bơm lên hầm), liền sau đó chở đi đâu không rõ.

Chủ trương của ông Trưởng phòng, cố ý làm trái với chỉ đạo của Trung ương (tất cả số cát bị bắt quả tang phải bơm trả lại lòng sông - PV). Nhiều huyện của tỉnh Bến Tre tuân thủ theo quy định này, nhưng phía ông Minh thì không. Người dân đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa ông Minh với Công ty Sông Lam rất cần phải được làm rõ...

Tàu sắt biển hiệu SL… luôn thường trực tại hầm cát trái phép (có cả ghe canh đường neo bên cạnh), chờ đêm khuya để ăn cắp cát cạnh cầu Hàm Luông - Ảnh: Huy Phương

Theo báo cáo giải trình gửi UBND tỉnh do ông Minh bút ký, ông giải thích: bơm cát lên hầm Công ty Sông Lam “gửi”, để làm cơ sở xử lý hình sự và có ký hợp đồng hẳn hoi. Thế nhưng trong báo cáo có 5 trường hợp thuộc khung xử lý hành chính, cũng bị buộc phải bơm cát gửi tại đây, vì sao? Vào thời điểm Công ty Sông Lam bơm cát tẩu tán (sau khi bị báo đăng - PV), số cát công an “gửi” trong hầm cũng bị công ty này bơm lên tàu chuyển đi luôn.

“Nếu là tang vật, thì phải giữ đúng mẫu vật chứng, chứ không thể tráo đổi hoặc thay thế, bằng cách mót vét dưới đáy hầm cho đủ 250 m3 số cát công an đã gửi” - 1 luật sư tại tỉnh Bến Tre phân tích. Trước đó thẩm phán Bùi Quang Sơn, Phó chánh án TAND tỉnh Bến Tre, khẳng định với PV không cần giữ tất cả số cát tang vật (cát sông) để làm cơ sở xử lý hình sự. Chỉ cần giữ 5-10 kg, nhưng phải đúng với mẫu cát tang vật bị bắt giữ và phải đem đi kiểm nghiệm trước khi đưa vụ án ra xét xử...

Hầm cát trái phép của Công ty Sông Lam vẫn tiếp tục tồn tại trái pháp luật khiến dư luận bức xúc - Ảnh: Huy Phương

Ông Minh cho rằng báo chí nêu chưa đúng, ông không có gì sai. Ông Minh còn đề nghị tỉnh cho chủ trương nạo vét 3.000.000 m2 đất công (con số khủng này ghi rõ trong văn bản do ông Minh bút ký - PV), tại xã Mỹ Thạnh An để tiếp tục chứa cát tang vật. Chủ trương vừa nêu trái với quy định và lãng phí sử dụng đất công một cách rất phi lý.

Tại tỉnh Bến Tre, giới phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và môi trường không ai không biết rõ mối quan hệ thân cận giữa ông thượng tá Minh với chủ Công ty Sông Lam, không chỉ thông qua việc gửi cát lên hầm... Dù biết rõ hầm cát hình thành trái pháp luật, tàu sắt SL… ăn cắp cát liên tục bị người dân gọi điện báo tin, nhưng phòng CSMT đều làm lơ để cho các phương tiện vô tư tung hoành trên sông.

Cán bộ công chức và người dân bức xúc đặt vấn đề: “Dấu hiệu sai phạm của ông Minh là có, Công an tỉnh Bến Tre phớt lờ, từ thời lãnh đạo của Giám đốc tiền nhiệm (thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng - người vừa nghỉ hưu).

Thanh tra Bộ Công an cần vào cuộc, thẩm tra xác minh đối với những cán bộ công an trong lĩnh vực chống tội phạm về tài nguyên và môi trường vừa nêu. Vị trí lãnh đạo của ông Minh kèm theo những thông tin không hay, cũng cần được xem xét hoán chuyển thay đổi người điều hành, để công tác phòng chống tội phạm trộm cát được đi vào nề nếp”.

Văn bản của phòng TN&MT H.Mỏ Cày Bắc, không đồng ý cho Công ty Sông Lam chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (hầm cát) - Ảnh: Huy Phương

Theo ghi nhận của PV, thực trạng khai thác cát trái phép tại Bến Tre tạm thời lắng xuống, nhờ UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp tỉnh, huyện tập trung xử lý quyết liệt. Nhưng vấn nạn trộm cát vẫn chưa dừng lại… Đứng trên cầu Bến Tre 1 suốt gần 1 giờ đồng hồ vào buổi sáng, PV ghi nhận số tàu sắt sức chứa từ 100 - 200 m3 trở lên, vẫn ra vào đầy mặt sông. Các thiết bị bơm hút cát được trang bị rất quy mô.

Dò hỏi 1 thanh niên làm công trên tàu sắt neo đậu cạnh bờ sông Bến Tre (tuyến đường nối thông từ sông Hàm Luông ra sông Tiền, thông qua kinh Chẹt Sậy), anh này cười nhẹ và nói: “Chỉ cần canh me hút trộm được cát vào lúc 2 - 3 giờ sáng, có thể neo tàu nghỉ ngơi chút, chờ con nước sáng chở đi bán. Ban ngày mà chở đầy cát, tàu khẳm lé đé đi trên sông cũng không bị ai bắt”.

Tâm Phúc- Huy Phương

Cùng chủ đề

Bài 1: Vàm Thom, bến đò Nhuận Phú Tân dày đặc ‘cát tặc’ trong đêm…

Bài 2: Dân lo lắng khi cát tặc thay nhau rút ruột các cồn bãi giữa sông Hàm Luông…

Thanh Huy