An Giang: Hàng loạt bò nuôi chết đột ngột vì bệnh lạ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:39, 28/11/2019
Vừa dừng xe lại để quan sát chuồng bò đang gặm cỏ ven con lộ nông thôn tại ấp An Hồng, xã An Thạnh Trung, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, đã nghe ông Phạm Văn Cọp (SN 1967, ngụ tổ 6, ấp An Hồng)than thở. Số lànhà ông 3 con bò vừa bị bệnh, sắp chết, gia đình đang tìm cách chữa trị nhưng thấy không hiệu quả.
Bệnh lạ xuất hiện có triệu chứng bò bỏ ăn, lở miệng, tróc móng, tróc da, sau đó lăn ra chết đột ngột - Ảnh: Tô Văn
Ông Cọp cho biết, giữa năm 2019, gia đình gom tiền dành dụm mua 3 con bò thịt hơn 1 năm tuổi với giá 36 triệu đồng. Bò của ông nuôi đến thời điểm hiện tại được gần 6 tháng. Và cách đây không lâu, thương lái đến gạ mua mấy con lai Xiêm giá gần 20 triệu đồng/con, lãi ngay 8 triệu đồng/con. Nhưng gia đình ông cương quyết không bán mà để lại nuôi và mở rộng đàn.
“Nhưng đến ngày 23.11, đàn bò của gia đình tự nhiên buồn rồi bỏ ăn, chảy nước dãi, đến ngày thứ 3 thì lở miệng. Sau đó, tới chân bắt đầu long móng, tróc da. Thời gian trổ bệnh khoảng 7 ngày. Thấy vậy tôi liền kêu nhân viên thú y ngụ ở ấp, đến chích thuốc và sát trùng chuồng trại nhưng không hết bệnh. Biết bò của mình chắc không cứu nổi nên tôi mới kêu thương lái lại bán. Nhưng khi xem bò thì họ ra giá từ 1-2 triệu/con. Buộc lòng tôi phải bán hết, dù biết rằng với số tiền này không đủ trả nợ”, ông Cọp buồn rầu chia sẻ.
Không riêng gia đình ông Cọp mà rất nhiều hộ khác trong ấp nuôi bò cũng dính bệnh lạ. Ông Phạm Văn Tấn (SN 1970, ngụ cùng địa phương với ông Cọp), chia sẻ: “Mấy năm trước giá bò lên phấn khởi nên bà con ấp An Hồng nuôi bò dữ lắm. Hiện tại tôi nhẩm tính, số bò trong cái xã này hơn 1.000 con.
Đàn bò Pháp của anh Tân (ngụ ấp An Phú, xã An Thạnh Trung) cũng dính bệnh lạ, hiện đang lở miệng - Ảnh: Tô Văn
Hơn nửa năm nay, dịch tả heo châu Phi bùng phát, bà con chúng tôi nuôi bò mừng lắm vì giá bò gần Tết Canh Tý sẽ cao ngất thì chúng tôi sẽ lãi nhiều. Mà chú biết không, giá trị 1 con bò gấp mấy lần con heo nên cái xã này, dân nuôi nhiều lắm. Nhưng quái lạ trong tháng 11 này tự nhiên bò của chúng tôi ngã bệnh lở mồm, tróc móng, không hiểu có phải bị thời tiết không? Bệnh gì mà lạ thế! Mấy xã lân cận họ bị còn hơn chúng tôi nữa”.
Trường hợp anh Lê Văn Tạo (ngụ tổ 6, ấp An Hồng, xã An Thạnh Trung) cũng khá bi kịch khi cả đàn bò 3 con bị bệnh chết nay chỉ bán được 3 triệu đồng. Hơn 1 năm trước, gia đình anh Tạo vay mượn của họ hàng để “rước” về 3 con bò thịt với số tiền gần 40 triệu đồng. Đàn bò chưa nằm ấm chỗ thì bệnh lạ xuất hiện, đồng vốn lấy trị bệnh cho bò nên cứ thế teo tóp dần. Đến lúc đàn bò chết hết anh phải bán để lấy tiền đóng lãi. “Bây giờ chuồng trống, nợ nần chồng chất, tôi không biết làm gì. Cuộc sống trông vào 3 con bò nay mất hết biết sống sao đây”, anh Tạo than thở.
Anh Tạo chia sẻ với anh Lực về căn bệnh lạ. Bò của anh Lực đã chết 2 con trong số tổng đàn 4 con - Ảnh: Tô Văn
Nhiều hộ cho biết đang lo sốt vó vì chẳng biết kiếm đâu ra tiền để trang trải cuộc sống và trả nợ khi bò bị dịch bệnh. Khắp các vùng nuôi bò, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe người chăn nuôi thở ngắn than dài về chuyện trắng tay vì bò bệnh. Không ít hộ đang tính chuyện bán nhà chuyển vào rẫy sinh sống để lấy tiền trả nợ.
Ông Huỳnh Ngọc Cường - Phó chủ tịch xã An Thạnh Trung, cho biết, hiện tại xã có 1.365 con bò của 543 hộ nuôi. Về tình hình dịch bệnh, địa phương đã nắm. Trong khoảng tháng nay, UBND xã có chỉ đạo cán bộ thú y tổ chức tiêm ngừa bệnh lở mồm long móng cho bò. Và ông Cường khẳng định, bò chết ở ấp An Hồng, An Phú (xã An Thạnh Trung) không phải chết do bệnh lở mồm long móng, mà bò chết do sốt cấp tính, bị chướng hơi rồi chết.
Đoàn của Chi cục Thú y tỉnh An Giang khảo sát vùng dịch bệnh để có biện pháp phòng ngừa - Ảnh: Tô Văn
Ông Trần Tiến Hiệp - Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh An Giang cho biết: “Chúng tôi đã nắm được tình hình sự việc bò bệnh. Sáng 26.11, chúng tôi đã đến nơi phát hiện bệnh dịch. Tôi đã khảo sát, chỉ đạo làm xét nghiệm lấy mẫu huyết thanh, tăng cường vệ sinh khử độc rà soát lại hết tổng đàn của xã, xem đây là bệnh lý gì?
Từ đó, chúng tôi sẽ tăng cường bảo vệ bằng cách vệ sinh khử độc, giảm thấp nhất thiệt hại. Bên cạnh đó, tôi chỉ đạo cho trạm trưởng và nhân viên thú y các xã túc trực 24/24 để phòng ngừa xử lý nhanh, tránh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát”, ông Hiệp thông tin.
Tô Văn