Nhật Bản có thể không xem xét ký RCEP nếu Ấn Độ không tham gia
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:56, 02/12/2019
Trao đổi với Bloomberg hôm 28.11, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản -Hideki Makihara tỏ ý rằng Nhật Bản sẽ không ký RCEP nếu vắng mặt Ấn Độ. “Chúng tôi vẫn chưa suy nghĩ gì đến việc ký kết. Tất cả những gì chúng tôi đang nghĩ đến là đàm phán ký kết RCEP phải bao gồm cả Ấn Độ”,ông nói.
Thứ trưởngMakihara cho rằng sự có mặt của Ấn Độ trong RCEP mang ý nghĩa lớn về cả khía cạnh kinh tế, chính trị và an ninh quốc gia đối với Nhật Bản. “Nhật Bản sẽ tiếp tục cố gắng thuyết phục Ấn Độ tham gia RCEP”, ông nói thêm.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang tăng cường củng cố các mối quan hệ hợp tác với Ấn Độ ở hàng loạt lĩnh vực để cân bằng tầm ảnh hưởng, chi phối của Trung Quốc trong khu vực.
Vào tháng sau, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Hiroshi Kajiyama sẽ tháp tùng Thủ tướng Shinzo trong chuyến thăm Ấn Độ.
Tokyo rất sốt sắng trong việc thuyết phục Ấn Độ gia nhập RCEP vì lo ngại Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng lớn của mình để vận động các nước khác đồng ý các điều khoản do chính Trung Quốc đề xuất.
Một quan chức chính phủ Ấn Độ cho Bloomberg biết, Nhật Bản đã hỏiliệu họ có thể giúp giải quyết các khúc mắcđể Ấn Độcó thể tái tham gia RCEP hay không.
Nhật Bản muốn Ấn Độ tham gia RCEP một phầncũnglà vì muốn được hưởng lợi ở mức tối đa từ sự hội nhập kinh tế của khu vực, vì nước này có thể xuất khẩu hàng hóa nhiều hơn.
Một chuyên gia thương mại Ấn Độ nhận định: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ là những nước được hưởng lợi lớn nhất nhờ hội nhập kinh tế khu vực. Ấn Độ sẽ không chống đỡ được sự hội nhập này bằng các hàng rào phi thuế quan vìđang sử dụng các biện pháp này ít hơn so với các nước khác.
Một chuyên gia thương mại Ấn Độ khác thì nói: Trong quá trình đàm phán RCEP, Nhật Bản nhiều lần không những không ủng hộ Ấn Độ mà còn gia tăng các yêu cầu riêng. Nhưng giờ đâythật ngạc nhiên khi Nhật Bản cố gắng thuyết phục Ấn Độ quay trở lại RCEP.
Phát biểu trước Thượng viện ngày 27.11, Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar cho rằng nếu các mối lo ngại của Ấn Độ được các thành viên RCEP giải quyết thìmớicó thể tham gia đàm phán tiếp, nếu không họ vẫn giữ lập trường hiện tại. Ông cho biết dù đàm phán RCEP đã kéo dài nhiều năm nhưng các mối lo ngại và quan tâm của Ấn Độ vẫn chưa được giải quyết đầy đủ.
Theo ôngJaishankar,Thượng viện Ấn Độ nên hoan nghênh quyết định của Thủ tướng Narendra Modi khi rút khỏi Ấn Độ khỏi RCEP. Bởi vì khi làm như vậy, ông Modi đang bảo vệ lợi ích đất nước, sẵn sàng đưa ra các quyết định cứng rắn, không để sức ép của ngoại giao quốc tế thúc bách đưa ra hành động vội vã, không có lợi cho đất nước.
Theo Foreign Policy, động tháicủa Ấn Độkhông có gì là khó hiểu. Thứ nhất, Ấn Độ đang bị thâm hụt thương mại với 11/15 thành viên khác của RCEP, mức thâm hụt đối với một số nước là khá lớn. Do đó, ngay từ khi khởi động các cuộc đàm phán, Ấn Độ đã yêu cầu xây dựng cấu trúc 3 tầng về việc xóa bỏ thuế quan cho các nhóm quốc gia khác nhau.
Thứ đến là khả năng mở cửa thị trường đối với Trung Quốc có thể sẽ dẫn tới cơn càn quét hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đối với các mặt hàng của Ấn Độ. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ đối với Trung Quốc hiện chiếm khoảng 50% tổng thâm hụt thương mại của nước này và khoảng cách này ngày càng lớn kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.
Tại Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ 3 ở Bangkok (Thái Lan) đầu tháng 11, khi ông Modituyên bố rút Ấn Độ khỏi hiệp định này cũng với lý do longại các điều khoản bãi bỏ thuế quan sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Ấn Độ, đe dọa ngành sản xuất trong nước và cuộc sống của những tầng lớp dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là nông dân.
Ấn Độ cũng cho rằng Trung Quốc không đáp ứng các đòi hỏi quan trọng của mìnhvề tiếp cận thị trường dịch vụ của Trung Quốc, cũng như không hài lòng với các đề xuất giảm bớt mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.
Và như thế, rõ ràng là Ấn Độ có lý do chính đáng để quan ngại về một làn sóng mở cửa thứ hai sẽ khiến tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng trầm trọng hơn.
RCEP được dự báo sẽ thúc đẩy các nền kinh tế châu Á hội nhập hơn nữa với nền kinh tế Trung Quốc.HiệnTrung Quốc rất muốn nhanh chóng ký kết RCEP do nước này đối mặt với đà tăng trưởng suy giảm và đang đối đầu dai dẳng với Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại.
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo RCEP lưu ý rằng các nước tham gia sẽ làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề của Ấn Độ,đồng thờisẵn sàng đón nhận Ấn Độ gia nhậptrong tương lai.
Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu từ tháng 11.2012 với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và New Zealand.
Theo The Business Times, ngày 4.11 tại Bangkok (Thái Lan), các nhà lãnh đạo đã tuyên bố rằng 15/16 nước tham gia đàm phán về RCEP đã hoàn tất “các cuộc đàm phán dựa trên văn bản cho một RCEP hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và đôi bên cùng có lợi”. Theo đó, các nhà làm luật tiếp tục làm việc để tiến tới một lễ ký chính thức, có khả năng diễn ra vào tháng 2.2020.
Nếu được ký kết, RCEP sẽ bao gồm 16 quốc gia trong một khối thương mại chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu và là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các nước tham gia RCEP có tổng dân số 3,56 tỉ người và giá trị thương mại hơn 1.030 tỉ USD (tương đương 29% giá trị thương mại toàn cầu).