Bài cuối: Có 1 nghi phạm khác - không phải là Hồ Duy Hải!
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:29, 10/12/2019
Bị chết ngạt trước khi bị cắt cổ?
Theo điều tra riêng của chúng tôi, nguyên Xã đội trưởng xã Nhị Thành, người nhận nhiệm vụ bảo vệ hiện trường, cho biết, sáng sớm hôm ấy khi hé cửa nhìn vào hiện trường ông có cảm giác ở đây đã có sự quần nhau dữ dội giữa nạn nhân và hung thủ. Trên sàn nhà có máu và cơm văng tung tóe, cái bếp dầu bị ngã đổ và có 3 mùi đặc trưng khó chịu là mùi máu, mùi dầu hôi và mùi nước tiểu. Cái chết do cắt cổ không thể phát sinh tình trạng thoát nước tiểu!
1 bác sĩ cho rằng 1 trong những dấu hiệu đặc trưng của chết ngạt là các cơ trơn trong cơ thể bị giãn do thiếu oxy nên nạn nhân bị thoát nước tiểu, phân. Để xác định rõ hơn cần mổ phổi lấy mẫu để làm xét nghiệm. Phải chăng 1 trong 2 nạn nhân đã chết ngạt trước khi bị cắt cổ?
Theo báo Thanh Niên phát hành ngày 17.1.2008: “Ngay trong chiều 14.1.2008, các trinh sát hình sự Công an tỉnh Long An đã triệu tập khẩn cấp Nguyễn Văn Nghị (28 tuổi, cư trú H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) tới CQĐT để làm rõ mối quan hệ với nạn nhân Ánh Hồng, đặc biệt là những dấu hiệu bất thường trong đêm xảy ra án mạng. Theo các trinh sát thì nghi vấn lớn nhất là sau khi xuất hiện tại Bưu điện Cầu Voi vào đêm 13.1, Nghị đã đi đâu không rõ rồi đến chiều hôm sau mới trở về nhà”.
Thi thể Hồng bị cuốn áo lên quá ngực - Ảnh: Anh Vũ
Theo lời khai ban đầu của Nghị, thì vào khoảng hơn 20 giờ đêm 13.1, anh ta: “Nhìn thấy 1 thanh niên khác ghé vào Bưu điện Cầu Voi và người này cũng chính là bạn trai của Hồng (?)”. Nghị nói: “Chỉ nghe nói người thanh niên kia tên Trung, là kỹ sư đang làm việc cho 1 công trình đi ngang qua địa bàn tỉnh Long An. Còn quê quán, địa chỉ cụ thể thì không nắm được”.
Thông tin này cũng được 1 nhân chứng cung cấp tại cơ quan điều tra. Theo nhân chứng này, người kỹ sư tên Trung cũng quen với nạn nhân Ánh Hồng, ngoài ra, còn có 1 tài xế của cơ quan cấp tỉnh thỉnh thoảng cũng hay ghé ăn cơm trưa tại bưu cục.
Báo Người Lao Động ngày 17.1.2008, đăng: “Theo lời khai ban đầu của 4 nghi can, trong đêm xảy ra vụ án còn có 1 nghi can thứ 5, cao to, có nước da sáng, tóc xoăn, mặc quần jeans và áo khoác rộng”.
Người này cũng là bạn trai của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng. Nghi can Nguyễn Văn Nghị khai khi vào bưu điện đã thấy “tình địch” (biết mặt nhưng không rõ tên) ngồi bên Hồng từ lâu.
Nghị còn khai sau khi chạm trán “tình địch”, anh ta bỏ ra ngoài và không quay trở lại Bưu điện Cầu Voi cho đến sáng hôm sau”. Với những đặc điểm mà Nghị đã miêu tả, nghi can Nguyễn Văn Sol khai đó là Trung, 1 kỹ sư xây dựng, quê ở tỉnh Bình Dương, đang thi công 1 công trình ở tỉnh Long An. Sol cũng đã nhiều lần gặp người này và được Hồng giới thiệu là bạn mới… Trung có liên can không?
Nhiều chi tiết chưa làm rõ
Còn nghi can Sol? Quan hệ tình cảm giữa Hồng - Sol là sâu đậm. Hồng đeo trên tay nhẫn cưới do Sol tặng, 2 người đang sống “như vợ chồng”. Tại Biên bản ghi lời khai ngày 21.6.2008, Sol khai: “Sau khi lên TP.HCM thì tôi cũng thường xuyên về bưu điện sống chung như vợ chồng với Hồng. Trung bình cứ 1 tuần lễ thì về 1 ngày. Thời gian gần nhất trước khi Hồng, Vân bị giết, về bưu điện vào ngày thứ tư 9.1 đến sáng thứ năm 10.1 tôi mới đi TP.HCM làm tiếp”.
Vì sao gia đình Hải kêu oan?- Ảnh: H.D.
Luật sư Hồng Phong đã trực tiếp gặp chị Hiếu. Chị Hiếu khẳng định trước giờ chưa bao giờ nghe Hồng, Vân nhắc đến Hải, và cũng chưa bao giờ gặp Hải tại bưu cục Cầu Voi. Nhưng Hiếu nhiều lần gặp Sol, Nghị. Trong buổi chiều 13.1.2008, chính chị có thấy Hồng nói chuyện điện thoại di động với Sol 2 lần và khẳng định chắc chắn tối hôm đó Sol sẽ về Cầu Voi. Vì tới lúc 17 giờ chiều, không hề nghe nói Sol không về.
Báo Pháp Luật Việt Nam cũng cho biết: “Bằng biện pháp kiểm tra đăng ký tạm trú, tạm vắng tại địa phương, 3 thanh niên quê Vĩnh Long được xác định tên là Nguyễn Văn Sơn (SN 1980); Nguyễn Tuấn Anh (SN 1981); Trần Văn Chiến (SN 1980) cùng là thợ bạc đến tạm trú và làm thuê cho 1 tiệm vàng tại địa phương. Được triệu tập đến cơ quan điều tra làm việc, cả 3 thanh niên đều cho biết có mối quan hệ quen biết với cả 2 nạn nhân, đều đang theo đuổi thiếu nữ Hồng nhưng chưa ai được cô gái chấp nhận. Đêm xảy ra vụ án, cả 3 đều đến chơi và trò chuyện với Hồng, rồi cùng đi về vào lúc hơn 19 giờ”.
3 thanh niên này cũng là bạn của Nghị. Và Nghị khai nhận, đêm đó có đến gặp Hồng nhưng do gặp nhóm thợ bạc - bạn cũ, nên khi những thanh niên kia ra về thì mình cũng về theo. Theo thanh niên này, giữa anh và nạn nhân đang quen nhau nên không có lý do gì gây án.
Chứng minh mình vô can, Nghị đưa ra nhân chứng xác định vào thời gian từ 20 giờ 10 tối 13.1, Nghị đã cùng bạn uống nước tại 1 quán cà phê tại thị tứ Cầu Voi. Chủ quán cà phê cũng xác nhận điều này vì tối đó có 1 sự việc rất đặc biệt, lúc uống cà phê thì giữa Nghị và 1 thanh niên khác đã xảy ra tranh cãi về việc “nhìn đểu" khiến chủ quán phải đến can ngăn.
Các nghi can này ngoại phạm, nếu vụ án xảy ra vào khoảng 20 giờ 30 đến 21 giờ như cáo trạng. Nhưng nếu vụ án xảy ra sau 22 giờ như nghi vấn, thì Nghị, nhóm thợ bạc, Sol, Trung có ngoại phạm không, khi dễ dẫn đến ghen tuông? Rất tiếc là tất cả những tài liệu, lời khai của các nghi can này trước ngày Hải bị bắt đã bị loại bỏ ra khỏi hồ sơ vụ án. Đây là hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng!
Các vấn đề chưa được làm rõ trong vụ án Hồ Duy Hải- Ảnh: H.D.
Trong quá trình khiếu nại, kêu oan cho Hồ Duy Hải, luật sư Trần Hồng Phong và gia đình Hải đã có đơn gửi các cơ quan chức năng, chính thức tố cáo Nguyễn Văn Nghị là hung thủ vụ án!
Theo Biên bản giám định pháp y (BL 60 và 61) và Công văn số 37/GT.PY.08 (BL 63) trả lời giải trình dấu vết trên cơ thể nạn nhân thì: “Vùng đầu, mặt có nhiều vết bầm tụ máu diện rộng, đồng thời có những vết rách da bờ mép sắc gọn. Điều đó chứng tỏ: vùng đầu, mặt của nạn nhân đã bị va đập vào vật vừa có bờ mép hình thù cứng, trơn nhẵn, đồng thời ở đó có các vật cứng sắc gọn và bị va đập nhiều lần”.
Giải trình này của Phòng giám định pháp y không phù hợp với kết luận điều tra và của Cáo trạng về hành vi Hải đã dùng tấm thớt gỗ để gây án.Vì tấm thớt gỗ tròn không thể “có các vậtcứng sắc gọn”, và Hải chỉ đánh Hồng có 2 lần.
Ngoài ra cũng theo Biên bản khám nghiệm tử thi (BL 56) và Bản giám định pháp y (BL 60) thì nạn nhân Hồng còn bị nhiều thương tích khác: “Mặt có vết rách da sắc gọn… mí mắt trên cạnh khóe mắt ngoài mắt trái có vết rách da. Cạnh đầu lông mày trái có vết rách da sắc gọn… rách da vùng lông mày phải… Mắt trái sưng nề thâm quầng. Dập môi trên, vùng cằm bên trái có vết rách da, bờ mép sắc gọn… xung quanh vết thương có nhiều vết trầy sướt da không rõ hình”.
Hải chỉ đập 2 cái thì dù có bằng mặt thớt hay phần sống thớt trong khi nạn nhân nằm cũng không thể gây ra các dấu vết vừa dập da đầu vùng đỉnh, lại tụ máu cơ thái dương trái, gây ra các vết rách da sắc gọn ở mắt, ở đầu lông mày, ở cằm được!
Ngoài ra, Biên bản khám nghiệm tử thi và Biên bản giám định pháp y đều ghi nhận trên cơ thể nạn nhân Hồng: “Có một số vết bầm máu làm da sậm màu ở mặt trước đùi chân phải, mặt trước cẳng chân trái”. Các vết bầm này là do tác động của ngoại lực chứ không thể tự nhiên mà có! Vậy ai đã gây ra những dấu vết này? bằng vật dụng gì? Trong khi Hải không hề có bất kỳ lời khai nào đã đánh hay tác động vào phần chân của nạn nhân Hồng.
Anh Vũ