‘Thông tin ngoài hành lang có vẻ tốt hơn trong phòng họp’
Sự kiện - Ngày đăng : 17:53, 10/12/2019
Sáng 10.12, CLB Pháp chế doanh nghiệp tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp với nội dung: CLB pháp chế doanh nghiệp là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp cho hay, các hoạt động của CLB tổ chức cho doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho doanh nghiệp. Việc này góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động.
Cũng theo ông Lãm, thông qua các hoạt động này, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước được cải thiện đáng kể.
Ông Đinh Việt Thanh, bộ phận pháp chế Tổng công ty may 10 cho rằng hoạt động pháp chế luôn song hành với hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời buổi hội nhập sâu, rộng và phải thích nghi với những thay đổi của hoạt động pháp lý hiện nay.
Ông Thanh cho biết, tham gia CLB còn là một kênh để doanh nghiệp vận động chính sách (lobby). Theo đó, CLB như là một cầu nối, một kênh thông tin kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
“Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi thì thông tin bên ngoài hành lang có vẻ tốt hơn bên trong phòng họp”, ông Thanh ví von và mong muốn có một điều luật liên quan đến lobby.
Theo TS Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Hiệp hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm hơn 97% trong tổng số doanh nghiệp, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Nhiều chuyên gia ví dụ nhóm này là “thanh giảm xóc” cho nền kinh tế, đóng góp hơn 40% GDP.
Do đó, ông Lượng cho rằng cần tạo điều kiện hỗ trợ pháp lý cho các DNNVV, tạo điều kiện để DNNVV tham gia góp ý xây dựng chính sách liên quan
Theo tham luận của Sở Tư pháp Nam Định gửi tới hội nghị, công tác pháp chế và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được quy định khá đầy đủ trong hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, tổ chức pháp chế sở, ngành chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, do đó chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay chưa cao, chưa đồng đều.
“Năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ pháp chế sở, ngành còn hạn chế, chưa được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức cũng như nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý”, Sở này nhận định.
Cùng với đó, sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ pháp lý chưa đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả. Đa số mới thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi, chức năng của mình.
Ngoài ra, một số cơ quan quản lý nhà nước chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở việc lồng ghép vào hoạt động nghiệp vụ của cơ quan chứ chưa hình thành một cách rõ nét thành một kênh riêng cho doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Duy Lãm đềnghị Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo văn bản pháp luật quan tâm, tạo điều kiện để CLB và các doanh nghiệp được tham gia góp ý vào các dự thảo, bảo đảm có tiếng nói của doanh nghiệp về chính sách pháp luật liên quan.
Đồng thời, tổ chức pháp chế ở các Bộ, ngành phối hợp cùng CLB tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cử chuyên gia giới thiệu chính sách pháp luật về lĩnh vực phụ trách cho doanh nghiệp khi CLB mời…
Lam Thanh