Tổng cục Hải quan: Hụt thu thuế 13.000 tỉ đồng do tác động từ cam kết FTA

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:37, 13/12/2019

Tổng cục Hải quan cho biết trong 11 tháng vừa qua, số thu thuế giảm 13.000 tỉ đồng. Đây là số thu giảm do cắt giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng.

Thông tin trên được lãnh đạo Tổng cục Hải quan đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề về “Cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định Thương mại tự do” chiều 12.12. Trả lời báo chí câu hỏi từ khi tham gia các FTA, số thu thuế nhập khẩu của Việt Nam giảm mạnh, Nhà nước sẽ bù đắp sự sụt giảm này bằng nguồn thu nào? Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan Hải quan không chỉ thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mà còn thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường và một số thuế nhập khẩu bổ sung, thuế chống bán phá giá…

Khi cắt giảm thuế xuất theo các FTA thì chỉ cắt giảm thuế nhập khẩu còn các sắc thuế khác vẫn thực hiện theo quyết định hiện hành. Có những mặt hàng chỉ có 1 sắc thuế, khi thuế nhập khẩu bằng 0 thì vẫn còn thuế VAT; có mặt hàng vừa có thuế nhập khẩu vừa có thuế VAT; có mặt hàng có cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT như mặt hàng máy lạnh.Xăng dầu có tới 4 sắc thuế, đó là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế bảo vệ môi trường.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2018, khi tham gia các FTA, thuế nhập khẩu của cả nước đã giảm 29.000 tỉ đồng, trong 11 tháng năm 2019, thuế nhập khẩu giảm 13.000 tỉ đồng.Theo Bộ Tài chính, nếu Quốc hội Việt Nam và Nghị viện EU phê chuẩn Hiệp định EVFTA vào nửa đầu năm 2020, sẽ có hàng loạt mặt hàng từ EU vào Việt Nam giảm, bỏ thuế theo lộ trình.

Cụ thể, đối với Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU) được ký chính thức tháng 6.2019, Bộ Tài chính khẳng định, nếu Quốc hội Việt Nam và Nghị viện EU tiến hành các thủ tục phê chuẩn vào năm tới (dự kiến nửa đầu năm 2020) sẽ có hàng loạt mặt hàng được bỏ thuế.

Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU, và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU.

Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).

Các mặt hàng chính là ô tô (xe dung tích xylanh có động cơ xăng cao trên 3.0L và diesel 2.5L sẽ được bỏ thuế theo lộ trình trong thời hạn 9 năm; đối với xe dung tích xylanh dưới 2.0L sẽ được bỏ thuế nhập theo lộ trình 10 năm). Các loại linh kiện ô tô nhập từ châu Âu có lộ trình giảm trong thời hạn 7 năm, các sản phẩm hoá chất là tối đa 7 năm, đồ uống có cồn là 10 năm, thuốc lá, xì gà là 15 năm, máy móc thiết bị tối đa 7 năm.

Đáng lưu ý, một số sản phẩm thực phẩm tươi sống của EU như thịt bò có lộ trình bỏ thuế nhanh nhất 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, cá các loại là 3 đến 7 năm, thịt lợn đông lạnh là 7 năm và thịt gà là 10 năm, sữa là 3 đến 5 năm.

Hiện thuế nhập xe hơi nguyên chiếc từ EU vào Việt Nam là 70% đối với các dòng xe dung tích xylanh trên 3.0L và 75% đối với các dòng xe có dung tích xylanh thấp dưới 2.5L. Với thuế suất thuế nhập khẩu cao, các dòng xe EU vào Việt Nam có giá sau thuế gấp từ 2 đến 3 lần so với giá thị trường nước xuất khẩu hoặc nước tham chiếu không áp dụng thuế nhập khẩu.

Hiện, Việt Nam đã áp dụng bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô từ các nước ASEAN theo cam kết của Cộng đồng ASEAN và Thoả thuận thương mại nội khối ATIGA. Năm 2017, Việt Nam giảm thuế nhập xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN từ 45% xuống còn 30%, năm 2018 xoá bỏ thuế nhập khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ ASEAN vào Việt Nam là 0% (các dòng xe bắt buộc phải có tỷ lệ nội địa hoá trên 40%).

Tuyết Nhung

tuyetnhung