Những lần kêu oan của Hồ Duy Hải tại tòa phúc thẩm
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:16, 16/12/2019
Những lời khai và trích phần xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm của Hồ Duy Hải
Theo quy định, biên bản phiên tòa là văn bản tố tụng do chính thư ký của tòa ghi lại. Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) được tiếp cận văn bản quan trọng này và từng công bố trên blog Bình luận án, với quan điểm như sau:
“Xét rằng, vụ án xét xử công khai, các chứng cứ, lời bào chữa và nội dung hỏi - đáp tại phiên tòa công khai, không có gì là bí mật hay bị ngăn cấm, nên chúng tôi quyết định công khai phần xét hỏi như dưới đây - để mọi người có cái nhìn rõ hơn về việc xét xử và những tình tiết có liên quan trong vụ án. Qua đó tự đánh giá liệu có thể có dấu hiệu nào đó cho thấy Hồ Duy Hải có thể đã bị kết tội oan hay không?”.
Vì sao án phúc thẩm không ghi nội dung kháng cáo kêu oan?
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về tố tụng, xin được nói thêm, theo luật, phiên tòa phúc thẩm là nhằm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Trong vụ án này, sau phiên tòa sơ thẩm, tòa án đã không gởi bản án sơ thẩm cho luật sư Nguyễn Văn Đạt - người được gia đình nhờ bào chữa cho Hải, nên luật sư Đạt không thể hỗ trợ gia đình làm đơn kháng cáo.
Tại tòa, Hải đã kêu oan nhưng không được tòa chấp nhận, gia đình yêu cầu luật sư chỉ định Võ Thành Quyết làm đơn kháng cáo kêu oan, luật sư Quyết không đồng ý, chỉ chấp nhận kháng cáo xin giảm tội! Gia đình đến trại giam xin gặp Hải để ký đơn kháng cáo kêu oan, cán bộ cũng không cho gặp và khẳng định ban giám thị trại giam sẽ cho Hải viết đơn rồi gởi đến tòa.
Cầu thang Bưu cục Cầu Voi, nơi xảy ra vụ án- Ảnh: Anh Vũ
Cuối cùng chính nhờ biên bản phiên tòa phúc thẩm, mới biết,hóa ra đơn kháng cáo của Hải mà ban giám thị gởi đến tòa là đơn xin giảm án, chứ không phải kêu oan! Rõ ràng là từ cơ quan điều tra, xét xử đến cơ quan giam giữ đã bằng nhiều cách, trong đó có cả cách sai pháp luật là thông qua luật sư chỉ định Võ Thành Quyết (từng công tác tại Công an tỉnh Long An - PV) bóp nghẹt tiếng kêu oan của Hải thành lời xin nhận tội và giảm nhẹ hình phạt.
Thực tế tại phiên tòa phúc thẩm, Hải đã công khai 6 lần kêu oan! Nhưng chủ tọa phiên tòa đều bác bỏ không xem xét và chỉúp chụp buộc tội Hải bằng chính lời khai của Hải ở cơ quan điều tra, và bằng những suy đoán hết sức mơ hồ, gián tiếp…
Sự áp đặt này cũng thể hiện trong thành phần triệu tập tham dự phiên tòa. Trong khi bài bào chữa của luật sư Đạt (gởi trước) có nêu nhiều nghi vấn liên quan đến vật chứng, việc sửa lời khai nhân chứng, việc mâu thuẫn về tang vật vụ án số tiền được thu giữ, số nữ trang bị chiếm đoạt… Muốn làm rõ những điều này, phải triệu tập các nhân chứng, gia đình người bị hại, đại diện nguyên đơn dân sự. Nhưng tòa chỉ triệu tập bị cáo và luật sư bào chữa.
Những điểm thiếukhách quan của vụ án
Luật sư Nguyễn Văn Đạt bào chữa cho Hải đã gởi trước cho hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm, nêu 43 điểm bất hợp lý, mâu thuẫn và những vi phạm tố tụng trong hồ sơ vụ án. Gần đến ngày xét xử, luật sư Đạt còn gởi cho chủ tọa phiên tòa 1 bản tóm tắt nêu lên 9 điểm mâu thuẫn và vi phạm nghiêm trọng trong hồ sơ vụ án…
Thế nhưng trong phần xét hỏi trước phiên tòa, chủ tọa đã không hề xem xét đến các điểm này mà truy vấn về những chuyện hết sức vu vơ theo hướngbuộc tộiHải từ những suy luận chủ quan hết sức vô lý. Trong 60 câu hỏi của tòa ở phần xét hỏi đều chỉ truy vấn về những lời khai của Hải mà không làm rõ các tình tiết khác.
Kết luận dấu vân tay thu tại hiện trường không phải của Hải- Ảnh: Anh Vũ
Nghiêm trọng hơn là những câu hỏi của tòa lại mang tính trấn áp. Trong khi pháp luật cho phép bị cáo có quyền thay đổi lời khai, yêu cầu kháng cáo, thì tại phiên tòa này, lời khai, yêu cầu kháng cáo của Hải lại bị xem là “chối tội”. Theo biên bản, có đến 2 lần tòa truy vấn Hải là ai xúi Hải chối tội? “Tại sao ở cấp tòa sơ thẩm, bị cáo khai nhận sự việc giống như những tình tiết mà cơ quan điều tra đã thu thập được, nhưng hôm nay bị cáo lại chối? Ai chỉ bị cáo chối tội?”.
Có dấu hiệu lọt người, lọt tội
Đặc biệt đáng lưu ý là trong phần tranh luận, quan điểm của đại diện viện kiểm sát cũng đi ngược tinh thần suy đoán vô tội. Với bằng chứng ngoại phạm rất quan trọng là dấu vân tay thu giữ được tại hiện trường không phải là của Hải lẽ ra phải ghi nhận, xem xét yếu tố vô tội của Hải, và phải xem xét vết vân tay ấy là của ai mà cơ quan điều tra đã bỏ lọt, thì đại diện Viện KSND lại cho rằng: “Về dấu vân tay: Chúng tôi không chỉ dùng dấu vân tay là cơ sở duy nhất để buộc tội bị cáo mà căn cứ vào nhiều chứng cứ khác nữa!”…
Đánh giá tổng quát về giá trị pháp lý của biên bản phiên tòa này, luật sư Trần Hồng Phong đã viết: “Một lần nữa tôi muốn nói lại là tôi chỉ mới có trong tay biên bản phiên tòa phúc thẩm trong thời gian rất gần đây. Nếu có được văn bản quan trọng này từ trước, chúng tôi sẽ có cơ sở vững mạnh hơn và càng tự tin hơn nữa trong việc đề nghị giám đốc thẩm, kêu oan cho Hồ Duy Hải. Tuy nhiên qua biên bản phúc thẩm này, tôi càng thấy rằng việc chúng tôi (các luật sư) đề nghị giám đốc thẩm (để điều tra, xét xử lại) là điều thực sự cần thiết.
Anh Vũ