Mỹ trục xuất 'điệp viên' Trung Quốc lái xe xông vào căn cứ quân sự

Quốc tế - Ngày đăng : 14:33, 16/12/2019

Chính quyền Mỹ đã bí mật trục xuất hai quan chức Sứ quán Trung Quốc hồi mùa thu 2019, sau khi họ cùng vợ lái xe xông thẳng vào một căn cứ quân sự ở bang Virginia, theo báo New York Times ngày 15.12.

Xem ra đây là những nhà ngoại giao Trung Quốc đầu tiên bị Mỹ nghi là điệp viên trong hơn 30 năm qua. Tờ báo Mỹ dẫn 6 nguồn tin giấu tên biết vụ việc, nêu một trong hai quan chức này là sĩ quan tình báo đội lốt nhân viên ngoại giao.

Nhân viên sứ quán mà “lõm bõm” tiếng Anh

Vụ việc xảy ra ở một căn cứ nhạy cảm thuộc thành phố Norfolk. Ở căn cứ này có các đơn vị quân Chiến dịch Đặc biệt như ở các căn cứ khác trong khu vực, gồm một căn cứ có bộ chỉ huy của lực lượng biệt kích SEAL Team 6 của hải quân Mỹ.

Theo các nguồn tin của Times, hai quan chức Trung Quốc cùng vợ của họ lái xe đến trước chốt kiểm soát để vào căn cứ. Một lính gác nhận thấy họ không có giấy phép, đã cho họ lái xe qua cổng để quay đầu xe rời khỏi căn cứ. Đây là một quytrình trong những tình huống như thế này.

Nhưng các quan chức Trung Quốc tiếp tục lái xe xông vào căn cứ. Vụ xâm phạm an ninh chỉ được ngăn chặn, sau cuộc rượt đuổi của binh lính và sau khi các xe cứu hỏa lao tới chặn xe của họ.

Khi họ bị dừng xe, hai quan chức Trung Quốc nêu lý do họ không hiểu hướng dẫn bằng tiếng Anh của lính gác, và đơn giản là họ bị lạc đường. Các quan chức Mỹ nói không tin các kẻ xâm phạm ngây thơ phạm sai lầm, bác bỏ ý chorằng họ không giỏi tiếng Anh để đủ hiểu lệnh phải rời khỏi căn cứ.

Dù không rõ lý do tại sao hai quan chức Trung Quốc lái xe vào căn cứ, Mỹ cho rằng đấy là “chiêu” thăm dò khâu bảo vệ an ninh, theo một nguồn tin của Times. Trên lý thuyết, nếu họ lọt được vào căn cứ mà không bị chặn, thì Sứ quán Trung Quốc có thể cử sĩ quan tình báo cấp cao hơn vào căn cứ.

Người phát ngôn của Cục Điều tra liên bang (FBI) từ chối bình luận. FBI còn có nhiệm vụ theo dõi hoạt động tình báo trên lãnh thổ Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ chưa lập tức hồi âm với đề nghị bình luận về vụ việc. Các quan chức Sứ quán Trung Quốc đã phàn nàn với Bộ Ngoại giao Mỹ về vụ trục xuất, và trong một cuộc gặp, họ hỏi có phải Bộ đang trả đũa một chiến dịch tuyên truyền chính thức của Trung Quốc, nhằm chống lại nhà ngoại giao Mỹ Julie Eadeh ở Hồng Kông, hay không.

Khi đó, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc quychụp bà Eadeh là “bàn tay đen” kích động các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc Trung Quốc. Các thông tin cá nhân của bà cũng bị tung lên mạng.

Cho đến nay, Trung Quốc chưa trả đũa bằng việc trục xuất các nhà ngoại giao hoặc sĩ quan tình báo củaSứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Theo Times, có thể đó là dấu hiệu các quan chức Trung Quốc biết đồng nghiệp của họ đã “làm quá” khi toan xông vào căn cứ quân sự Mỹ. Một nguồn tin biết các phản ứng trong Sứ quán Trung Quốc, kể các nhân viên ở đây, bị bất ngờ việc đồng nghiệp của họ hành động như thế.

Bộ Ngoại giao và Sứ quán Trung Quốc ở Washington không hồi âm đề nghị bình luận của tờ Times.

Đòn trả đũa của Bộ Ngoại giao Mỹ?

Vài tuần sau vụ xâm nhập căn cứ Mỹ, vào ngày 16.10, Bộ Ngoại giao Mỹ ra quyđịnh mới đối với các quan chức ngoại giao Trung Quốc, buộc họ phải báo trước với Bộ trước khi họ tham dự bất kỳ cuộc họp nào với quan chức địa phương hoặc liên bang, hoặc với các tổ chức nghiên cứu, giáo dục. Quyđịnh này này có hiệu lực đối với toàn bộ nhân viên ngoại giao đoàn Trung Quốc tại Mỹ và các lãnh thổ Mỹ.

Lúc đó, Sứ quán Trung Quốc nói quyđịnh mới vi phạm Công ước Vienna. Nhưng một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nói đó là một phản ứng với việc Trung Quốc từ nhiều năm trước đã quyđịnh các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc phải xin phép khi đi khỏi thành phố họ đang tạm trú hoặc đi thăm một số cơ sở nhất định.

Tuần trước, hai quan chức Mỹ nói quyđịnh này đã được xem xét một thời gian, vì đã có những đề nghị chính phủ Mỹ phải trả đũa, nhưng vụ xâm nhập căn cứ đã khiến tăng tốc tung ra quyđịnh.

Theo Times, vài tháng gần đây, các quan chức Trung Quốc mang hộ chiếu ngoại giao ngày càng công khai xuất hiện ở những cơ quan chính quyền hoặc trụ sở nghiên cứu mà không báo trước.Các quan chức Mỹ nói vụ xâm nhập căn cứ quân sự là ví dụ đáng chú ý nhất. Đây là vụ trục xuất đầu tiên sau lần Mỹ trục xuất hai nhân viên ngoại giao thuộc Sứ quán Trung Quốc hồi năm 1987.

Các quan chức nói vụ trục xuất mới nhất này cho thấy Mỹ có đường lối cứng rắn hơn chống lại nguy cơ Trung Quốc hoạt động tình báo, vào lúc hai nền kinh tế lớn nhất-nhì thế giới có cuộc chiến thương mại (vừa giảm nhiệt ngày 13.2 với một thỏa thuận tạm thời) và đối đầu địa- chính trị.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ký phê chuẩn bộ luật cấm chính phủ Mỹ mua thiết bị theo dõi và viễn thông của các công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei, ZTE, với lý do các thiết bị này đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Chính quyền Mỹ cũng áp nhiều mức thuế trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ, và Bộ Tư pháp Mỹ liên tục thực hiện các vụ truy tố những nghi phạm điệp viên Trung Quốc.

“Hở chút là chôm, hở chút là chụp ảnh”

Các quan chức tình báo Mỹ nói Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Vài năm gần đây, Mỹ tăng cường nỗ lực đề phòng nguy cơ Trung Quốc hoạt động tình báo. Các nhà điều tra FBI đã yêu cầu các trường đại học Mỹ giám sát kỹ các du học sinh và giáo sư thỉnh giảng người Trung Quốc.

Năm 2019, một du học sinh Trung Quốc tên Zhao Qianli đã bị Mỹ bị kết án một năm tù, vì đã chụp ảnh một cơ sở tình báo quốc phòng Mỹ ở gần vùng Key West (bang Florida) hồi tháng 9.2018. Khi bị bắt, anh ta cũng nói không thạo tiếng Anh và bị lạc đường, hệt như hai quan chức Sứ quán Trung Quốc đã nói.

Các công dân Trung Quốc cũng bị bắt, không chỉ vì xông vào các cơ quan công quyền Mỹ, mà còn xâm nhập phòng thí nghiệm ở các đại học, thậm chí lẻn vào các nông trại Mỹ để ăn cắp các loại hạt giống đặc chủng. Năm 2016, công dân Trung Quốc Mo Hailong nhận tội ăn cắp giống ngô của các công ty nông sản Mỹ, rồi giao cho một công ty Trung Quốc. Trước đó, Mo đã ăn cắp giống của các công ty Mỹ rồi gửi về Trung Quốc. Mo đã bị kết án 3 năm tù.

Hồi tháng 11, cựu nhân viên CIA Jerry Chung Shing Lee bị Mỹ kết án 19 năm tù. Đây là một trong nhiều cựu nhân viên tình báo Mỹ bị buộc tội do thám cho Bắc Kinh trong năm 2019.

Sự phản bội của Jerry trùng hợp với việc mạng lưới chỉ điểmcủa CIA ở Trung Quốc bị phá vỡ, và đó là một trong những cú đòn phản gián lớn nhất chống lại Mỹ kể từ hàng chục năm qua. Từ năm 2010 đến 2012, tình báo Trung Quốc đã giết hàng chục “chỉ điểm” và bỏ tù nhiều người khác.

Cựu nhân viên CIA Jerry Chun Shing Lee trước khi bị buộc tội làm điệp viên cho Bắc Kinh - Ảnh: Getty Images

Times cũng nhắc lại hồi năm 2016, các quan chức Trung Quốc ở Thành Đô bắt cóc một nhân viên lãnh sự Mỹ, nghi người này là điệp viên Cục tình báo trung ương (CIA). Người này bị thẩm vấn, bị ép cung trước khi được các đồng nghiệp Mỹ giải cứu hôm sau và đưa ông rời khỏi Trung Quốc. Lúc đó, các quan chức Mỹ dọa trục xuất các nghi phạm điệp viên Trung Quốc ở Mỹ, nhưng có vẻ chưa thực hiện lời dọa.

Tờ báo Mỹ cũng nêu Trung Quốc đang giam Michael Kovrig, một nhà ngoại giao Canada đang nghỉ phép, vì nghi ông hoạt động tình báo. Các quan chức Mỹ nói ông bị giữ làm con tin, vì Canada đang giam một nữ quan chức cấp cao của một công ty công nghệ Trung Quốc, theo yêu cầu của Mỹ muốn truy tố bà này về tội trốn thuế.

Từ hàng chục năm qua, các quan chức phản gián đã xác định nhân viên sứ quán-lãnh sự của nước ngoài đều là điệp viên, và cử đặc vụ theo dõi họ. Nay cả Mỹ-Trung đều khẩn trương thực hiện các cuộc theo dõi.

Ông Evans s. Medeiros, một quan chức Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng (thời Tổng thống Barack Obama) nói vào thời Obama, ông không biết có vụ trục xuất nhà ngoại giao hoặc điệp viên đội lốt nhân viên ngoại giao Trung Quốc hay không. Ông nói rất hiếm có chuyện Mỹ trục xuất điệp viên Trung Quốc hoặc nhân viên sứ quán, “có lẽ vì suốt 40 năm đầu, tình báo Trung Quốc không quá hung hăng. Nhưng đã có sự thay đổi từ 10 năm nay. Tình báo Trung Quốc trở nên hiện đại hơn, hung hăng hơn, cả về con người lẫn kỹ thuật điện tử”.

Ví dụ, tình báo Trung Quốc đã sử dụng trang mạng LinkedIn để tuyển các cựu và đương kim nhân viên của chính phủ các nước khác.

Mỹ Trinh (theo New York Times)

Mỹ Trinh