Khởi nghiệp sáng tạo địa phương: Đặt yếu tố ‘kết nối’ lên hàng đầu

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:07, 22/12/2019

Dù là tận dụng nguồn nội lực hay ngoại lực thì yếu tố “kết nối” cần được đặt lên hàng đầu.

Cần cốvấn phù hợp

Hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương thường chọn xu hướng startup trong lĩnh vực như nông nghiệp, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm văn hóa truyền thống… tận dụng nguồn sản phẩm sẵn có của địa phương.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định hơn 90% trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương vận hành theo mô hình kinh doanh truyền thống, chưa có yếu tố đổi mới sáng tạo trong sản phẩm và ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong khâu sản xuất. Nguyên nhân là do thiếu sự tham gia và hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia trong ngành cũng như các chương trình hỗ trợ, định hướng ngay từ giai đoạn đầu.

Để nhận được giúp đỡ từ các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, chuyên nghiệp trong hệ sinh thái,theo ông Phạm Ngọc Huy (GĐ chương trình thúc đẩy kinh doanh của Vietnam Silicon Valley - VSV), startup địa phương cần tìm đến những chuyên gia cố vấn phù hợp với lĩnh vực mà doanh nghiệp khởi nghiệp của mình đang hoạt động. Ông Huy cũng cho biết: “Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ có 2% số lượng startup là startup thật sự, còn lại vẫn là các mô hình kinh doanh truyền thống và có vận dụng một chút yếu tố đổi mới sáng tạo”.

Do đó, việc VSV hay những tổ chức như Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator), Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) đang nỗ lực thực hiện đều hướng đến mục tiêu có thể ươm tạo đội ngũ các “fouNder” (nhà sáng lập) với tư duy khởi nghiệp sáng tạo và tiến tới chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phát triển đột phá hơn.

Các chuyên gia về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương - Ảnh: BTC

Liên kết, tận dụng nguồn lực

Từ kinh nghiệm tư vấn cho hầu hết các tỉnh thành trên 3 miền đất nước, ông Lý Đình Quân (GĐ Songhan Incubator) cho biết mỗi địa phương có những đặc thù và lợi thế riêng, do đó con đường để phát triển khởi nghiệp sáng tạo cũng cần được nghiên cứu và điều chỉnh phù hợp chứ không thể sao chép lẫn nhau.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Đức Nam Trung (Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng - DNES) cũng khẳng định các tổ chức hỗ trợ từ trung ương tới địa phương nếu đi một mình thì sẽ không thể thực hiện hiệu quả, mà cần thiết phải có sự liên kết và tận dụng nguồn lực của nhau. Dù là tận dụng nguồn nội lực hay ngoại lực thì yếu tố “kết nối” cần được đặt lên hàng đầu.

Về phía các địa phương tham dự, theo bà Trần Bích Hạnh (đại diện Sở KH-CN Phú Thọ), tại mỗi địa phương, để khởi nghiệp sáng tạo thực sự có kết quả rất cần sự ủng hộ của lãnh đạo cũng như sự vào cuộc của truyền thông địa phương để nâng cao nhận thức.

Với sự ra đời của thông tư 45/2019/TT-BTC về quản lý tài chính thực hiện Đề án 844, nhiều địa phương đã có căn cứ để triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đi vào thực chất. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Đề án cũng đã giới thiệu tới các cán bộ về phương pháp đánh giá thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp cấp cơ sở từ Startup Genome (cơ quan cung cấp các báo cáo về hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu) và mô hình SCMM (startup community maturity measurement) do Techstars thiết kế, góp phần hình thành các chiến lược và giải khoa học để xây dựng hệ sinh thái phù hợp với từng giai đoạn phát triển riêng của mỗi khu vực.

Thu Anh

Thu Anh