Tin tặc Trung Quốc bị kết án ở Mỹ đang dạy an ninh mạng ở quê nhà

Quốc tế - Ngày đăng : 13:27, 25/12/2019

Một nhà môi giới phần mềm độc hại Trung Quốc đã bị kết án tại Mỹ trong năm nay vì liên quan đến các vụ hack lớn đã quay trở lại nơi làm việc cũ của anh ta tại Trung Quốc, dạy các khóa học máy tính ở trường trung học, bao gồm một khóa về bảo mật internet.

Yu Pingan, từng ngồi tù 18 tháng trong một nhà tù liên bang ở San Diego, đã nhận tội âm mưu thực hiện hành vi hack máy tính. Người này là một giáo viên trung học, bị bắt tại sân bay quốc tế Los Angeles vào tháng 8.2017 khi đi cùng với một nhóm giáo viên để tham quan một trường đại học tại Mỹ.

Tháng trước, Reuters phát hiện ông Yu, 39 tuổi, đang giảng dạy tại Trường Thương mại Thượng Hải, một trường trung học kỹ thuật dạy nghề của nhà nước. Các quan chức Mỹ nói với Reuters rằngông Yu đã giảng dạy ở đó trước khi bị bắt. Tại đây, Yu đang giảng dạy ít nhất hai khóa học máy tính cơ bản, bao gồm một khóa Tiếng Anh cơ bản cho an ninh Internet.

Yu bị kết án vào bởi một thẩm phán liên bang Mỹ hồi tháng 2, và sau khi thi hành án đã được phép quay trở về Trung Quốc. Theo bản án, các nạn nhân vụ âm mưu hack của Yu bao gồm: nhà cung cấp vi mạch Qualcomm Inc, công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng Pacific Scientific Energetic Materials Co, và công ty Riot Games. Những gì đã bị đánh cắp trong vụ hack này không được tòa án tiết lộ công khai.

Qualcomm từ chối bình luận. Một phát ngôn viên của Riot Games cho biết công ty không mất dữ liệu. Khoa học Pacific Scientific đã không đáp ứng yêu cầu bình luận của Reuters.

Theo hồ sơ tòa án và công tố viên Mỹ, Yu có biệt danh là Gold Goldun và rất giỏi chuyên môn về bảo mật và lập trình mạng máy tính. Phần mềm độc hại mà anh ta cung cấp trong vụ âm mưu hack này có tên Sakula, vốn cho phép tin tặc điều khiển máy tính từ xa. Không rõ ai là tác giả của phần mềm độc hại này hayYu đã lấy nó như thế nào.

Một bản khai từ đặc nhiệm điều tra liên bang Adam James đã cáo buộc rằng Yu cung cấp Sakula và phần mềm độc hại khác được sử dụng trong vụ án. Dẫn ra những trao đổi giữa Yu và hai đồng phạm chưa bị kết án, James cáo buộc rằng Yu đã cài đặt một link trái phép đểthiết lập “cửa hậu” trong mạng máy tính của một công ty để chiếm quyền điều khiển từ xa.

Được biết, Sakula đã có mặt trong một số cuộc tấn công mạng khét tiếng nhất thập kỷ. Ngoài các vụ xâm nhập chi tiết trong vụ kiện chống lại Yu, các vụ còn lại bao gồm: vụ tấn công công ty bảo hiểm y tế Mỹ Anthem Inc, phơi bày hàng triệu hồ sơ bệnh án, vụ hack Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ trong đó thông tin cá nhân của hàng triệu nhân viên chính phủ Mỹ và nhà thầu hiện tại và trước đây bị xâm phạm. Tuy nhiên, Yu không bị cáo buộc liên quan đến hai vụ hack nói trên.

Vụ truy tố Yu nằm trong một loạt các vụ án hình sự Mỹ xét xử chống lại công dân Trung Quốc trong những năm gần đây, để đáp lại những gì người Mỹ nói là một chiến dịch phối hợp của Bộ An ninh và Quốc phòng Trung Quốc, nhằm đánh cắp công nghệ từ các tập đoàn và doanh nghiệp phương Tây.

Trong một vụ việc khác liên quan đến phần mềm độc hại Sakula, năm ngoái, Mỹ đã cáo buộc hai nhân viên tình báo Trung Quốc và một nhóm tin tặc đã được tuyển dụng để liên tục xâm nhập vào các công ty máy tính phương Tây trong hơn 5 năm. Nhưng nhiều người bị cáo buộc trong các vụ hack hàng loạt này đã không bị bắt giữ. Yu là một trong số ít các tin tặc Trung Quốc bị bắt giữ và bị kết án trong cuộc đàn áp của Mỹ.

Ngoài thời gian ngồi tù, Yu được lệnh trả gần 1,1 triệu USD tiền bồi thường cho năm công ty là nạn nhân của vụ hack. Tiền phạt đã được trả theo từng đợt 100 đô la một tháng, không phải trả lãi. Lịch thanh toán sẽ mất hơn... 900 năm để hoàn thành.

Bình luận về vụ việc của Yu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không biết về trường hợp của Yu. “Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ loại tấn công mạng nào, và chúng tôi điều tra và trấn áp bất kỳ cuộc tấn công mạng nào xảy ra bên trong Trung Quốc hoặc sử dụng cơ sở hạ tầng internet của Trung Quốc”, văn phòng phát ngôn viên của Bộ cho biết vàkhẳng định các trường hợp khác cáo buộc Trung Quốc hack các công ty của Mỹ đã thể hiện tâm lý chiến tranh lạnh của Washington trong các vụ truy tố liên quan đến công nghệ.

Hoàng Vũ (theo Reuters)

Hoàng Vũ