'Giáo dục không la mắng' mang lại nhiều lợi ích cho con trẻ

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:14, 31/12/2019

“Giáo dục không la mắng” là cẩm nang cần thiết dành cho phụ huynh muốn dạy con trong độ tuổi 0-4 tuổi. Tác giả Nobuyoshi Hirai khẳng định phương pháp này sẽ giúp cho trẻ hình thành sự tích cực, chủ động.

Dạy trẻ không đòn roi đã được nhiều cha mẹ tại Việt Nam áp dụng hơn chục năm qua. Thế nhưng, dù cái roi được vứt đi, không ít cha mẹ vẫn gián tiếp đánh vào tâm hồn trẻ thơ bằng những lời nói sát thương không kém.

Trong cuốn sách “Giáo dục không la mắng”, tiến sĩ y khoa, hội trưởng Hội nghiên cứu Nhi đồng học - Nobuyoshi Hirai nhận định: Khi bị la mắng, trẻ sẽ dần trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, không phá phách, tuy vậy tính hiếu kỳ sẽ bị kìm hãm. Khi bị ngăn cản trò này thì trẻ lại bày ra trò khác để nghịch ngợm.

TS. Nobuyoshi Hirai phân tích: Nếu cứ để cho trẻ thỏa sức nghịch, thì một trò nghịch kéo dài chỉ 1-2 tháng. Ngay khi trẻ hiểu rõ về đồ vật đó, trẻ sẽ không làm như vậy nữa. “Tôi gọi đó là tốt nghiệp. Cho nên chúng ta nuôi dạy chúng với tâm thế chờ đợi đến khi chúng tốt nghiệp là được. Chẳng cần thiết phải la mắng quát tháo, ngăn cản làm gì”, tác giả chia sẻ trong cuốn sách “Giáo dục không la mắng”.

Muốn dạy trẻ, cần hiểu trẻ. Cuốn sách “Giáo dục không la mắng” cung cấp thông tin về cảm xúc và thói quen sinh hoạt, các trò chơi yêu thích của trẻ trong độ 2 - 3,5 tuổi.

Quan điểm của “Giáo dục không la mắng” là khuyến khích cho trẻ được tự do - tự do nghĩ ra đồ chơi, cách chơi, rủ bạn cùng chơi… Khi được chủ động thì trẻ dần hình thành tính cách tích cực hành động. TS. Nobuyoshi Hirai khẳng định: sau 3 tuổi, trẻ sẽ hăng hái triển khai các hoạt động mà mình mong muốn.

Tuy vậy, TS.Nobuyoshi Hirai cũng khẳng định các bậc phụ huynh nên trao tự do nhưng tuyệt đối không được bỏ mặc. Nếu bị bỏ mặc, trẻ có thể trở thành một đứa trẻ không biết phân biệt đúng sai. Khi bỏ mặc trẻ, trẻ sẽ tự hiểu đúng sai theo ý mình. Dần dà, trẻ sẽ hình thành những thói quen xấu khó bỏ và nhân cách xấu cũng định hình.

Khi trao tự do, cha mẹ không nên can thiệp, làm giúp cho con. Tác giả Giáo dục không la mắng chia sẻ phương pháp “im lặng”. Theo đó, cha mẹ không ra lệnh trong mọi việc, không góp ý, không nhúng tay làm gì giúp trẻ.

Nghe đơn giản nhưng đây là việc rất khó đối với người làm mẹ. Một người mẹ hẳn vẫn luôn muốn đưa tay ra giúp đỡ, muốn lên tiếng hỗ trợ cho con. Thế nhưng, kiên trì áp dụng phương pháp im lặng có thể giúp trẻ hiệu quả hơn rất nhiều.

Nobuyoshi Hirai không chỉ khuyến nghị sự tự do, tác giả còn đánh giá rất cao sự hài hước. “Một môi trường cởi mở, vui vẻ sẽ tạo cho trẻ cảm giác ấm áp và thoải mái. Trẻ sẽ cảm thấy muốn nói, muốn làm gì cũng được. Trẻ cảm thấy an toàn, sẽ không ai la mắng mình. Khi đó, tinh thần tích cực hành động và óc sáng tạo sẽ được phát triển một cách tốt nhất”.

Ở góc độ nhà trường, TS. Nobuyoshi Hirai cộng sự từng làm một nghiên cứu về sự hài hước. Kết quả cho thấy những đứa trẻ thường đùa cợt luôn đầy ắp tinh thần tích cực hành động. Vì vậy, ông cho rằng thầy cô cũng không nên cố tạo ra sự “đạo mạo” nặng nề khiến trẻ sợ hãi.

Nuôi dạy trẻ là một quá trình dài hơi, tốn sức, tốn thời gian và đầy “cân não” đối với các ông bố, bà mẹ. “Giáo dục không la mắng” không chỉ đưa ra những nhận định sâu sắc mà còn tập hợp những phương pháp thiết thực để các bậc phụ huynh có thể phát huy hết tiềm năng con trẻ.

Nobuyoshi Hirai (1919-2006) tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Tokyo và khoa Y - Đại học Tohoku. Ông là giáo sư danh dự trường Đại học nữ Otsuma, là tiến sĩ y khoa, hội trưởng Hội nghiên cứu Nhi đồng học tại Nhật Bản. Các cuốn sách nổi tiếng của ông bao gồm Kỷ luật trong Nụ cười, Khơi nguồn tiềm năng con trẻ…

Trí Việt

FN