Kỳ 1: Điểm mặt những băng lừa đảo, móc túi ở bến xe
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:37, 16/04/2015
Thành phố Hồ Chí Minh có 2 bến xe lớn nằm ở 2 đầu cửa ngõ vào, ra hướng miền Tây và miền Đông. Bến xe miền Tây (BXMT)nằm ở cửa ngõ Phú Lâm thuộc địa bàn Q6, còn Bến xe miền Đông (BXMĐ) nằm ở của ngõ Bình Triệu thuộc địa bàn Q.Bình Thạnh.
Hai bến xe khách “huyết mạch”này mỗi ngày có số lượng xe ra, vào bến không dưới 2.000 chuyến và số lượng khách đi, đến từ hai hướng cũng rất lớn. Những năm vừa qua, vấn đề an ninh trật tự (ANTT) ở 2 bến xe khách này luôn được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của Ban Giám đốc, Đội bảo vệ bến xe mà còn có cả Chính quyền và Công an địa phương. Nhưng có một thời 2 bến xe lớn này đã trở thành lãnh địa của dân giang hồ xã hội đen khiến dư luận rất bức xúc.
Bến xe miền Đông vẫn không yên tĩnh
Với diện tích trên 60.000m2, BXMĐ chiếm một vị trí quan trọng, án ngữ cửa ngõ ra vào hướng Đông thành phố. Mỗi ngày hơn 2.000 chuyến xe khách đi và đến không chỉ từ TP.Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc mà ngược lại. Trước đây khi bến xe chưa quy hoạch, xây rào chắn thành khu vực biệt lập như bây giờ thì tình hình ANTT rất phức tạp không chỉ trong phạm vi bến xe mà cả ngoài khu vực bến xe. Hiện nay, cảnh bát nháo tranh tài, tranh chuyến, tranh mua, tranh bán, chèo kéo khách không còn nữa bởi vấn đề này đã được bến xe giải quyết triệt để. Hành khách vào bến xe mua vé dễ dàng, việc xếp tài, xếp chuyến đi vào nề nếp, xe xuất bến vào bến bảo đảm trật tự.
Tuy nhiên vấn nạn bọn xấu ăn theo bến xe thì vẫn còn, nổi cộm lên vẫn là nạn trộm cắp, móc túi hành khách, gạ gẫm mua bán hàng dởm, lừa đảo…Vấn nạn này thường ngày vẫn diễn ra, vào dịp cuối năm, lễ, Tết thường tăng vọt. Người có trách nhiệm ở Đội bảo vệ bến xe đã xác nhận một thực trạng: Bọn móc túi thường lợi dụng những hôm khách đông, vào những ngày cuối tuần, số lượng khách ra vào tấp nập đã trà trộn vào để hoạt động.
Thủ đoạn của bọn chúng là lân la tới những hàng ghế khách ngồi chờ để thừa cơ hội móc túi, hoặc lẩn lộn ở các cửa bán vé nguỵ tạo cảnh chen lấn để ra tay. Nếu thấy khách là phụ nữ, người lớn tuổi thì lân la tìm cách làm quen, lợi dụng khi khách sơ hở thì đánh cắp tài sản, thứ khách dễ dàng bị mất nhất là điện thoại di động.
Băng lừa đảo, trấn lột tiền khách ở bến xe miền Đông
Có hai hình thức hoạt động của bọn móc túi, trộm cắp. Một là, chúng đi lẻ từng tên, kè theo khách tìm cách hỏi chuyện để đánh lạc hướng, khi có cơ hội thì ra tay móc túi, hoặc lấy cắp ĐTDĐ rồi biến nhanh. Hai là, chúng đi thành nhóm nhỏ từ 2-3 tên hỗ trợ cho nhau, khi tên này lấy cắp được tài sản của khách liền “bắn” ngay cho tên đi kèm tẩu tán, hoặc khi gặp sự cố như bị khách phát hiện thì tên thực hiện hành vi cứ lo tẩu thoát, chuyện còn lại có tên “cản địa” lo như đánh lạc hướng người truy đuổi hoặc làm chậm chân nạn nhân cho đồng bọn có thời gian tẩu thoát an toàn.
Nhưng đáng lo ngại nhất là chúng đi thành từng băng, ăn mặc sang trọng để nguỵ tạo thân phận và cũng để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo, trộm cắp đồng thời cũng làm “con mồi” mất cảnh giác. Bọn này thường đi…ô tô giả làm người sang trọng, hoạt động có kịch bản, có phân công “vai diễn”, theo thông tin chúng tôi nắm được đây là băng lừa đảo, móc túi chuyên nghiệp từ tỉnh Bình Dương tới, chúng có khoảng 5-7 tên đi 2 xe, khi tới khu vực bến xe chúng dừng xe bên ngoài, “đổ quân” xuống rồi chia tản ra các hướng trong những vai trò khác nhau.
Trộm siêu hạng
Do có cái mả bề ngoài sang trọng, lịch lãm, lại hoạt động rất chuyên nghiệp nên chúng thường thành công. Hoạt động của bọn “trộm siêu hạng” này chỉ diễn ra trong vòng 30 phút, hoặc 1 giờ là xong. Chúng “thu hoạch” thành quả và ra hiệu cho nhau nhanh chóng rút khỏi địa bàn để không bị phát hiện và lại đưa “gánh hát” đi “diễn” ở địa bàn khác. Nhiều hành khách đã phải khóc dở, mếu dở vì trò lừa đảo tinh vi của băng trộm cắp “hiện đại” này, và những ngày cuối năm, dịp lễ tết là thời điểm thuận lợi để chúng bung ra hoạt động. Do đó chúng tôi đề nghị bà con tới bến xe hãy cảnh giác, tỉnh táo, để tránh sa vào bẫy của bọn trộm cắp, móc túi, lừa đảo chuyên nghiệp này.
“ Ăn theo bến xe” không chỉ có những đối tượng trộm cắp, móc túi đánh quả lẻ hoặc những băng nhóm chuyên nghiệp ngự ô tô mà tình hình còn phức tạp hơn bởi lực lượng lừa đảo tinh vi, những đối tượng này còn khá trẻ, chúng nhập rất nhiều vai diễn, kịch bản và lời thọai thuộc nằm lòng, rất dẻo miệng, ăn nói trơn tru như cháo chảy. Chính vì thế nên khách ra vào các bến xe nhẹ dạ, cả tin thường vướng bẫy.
Khi thấy tôi vừa bước xuống xe buýt định vào bến xe miền Đông, lập tức có một anh chàng dong dỏng cao, áo sơ mi sọc xanh điệu đàng bỏ ngoài, đầu nón kết, chân móc trên đôi dép lê thời trang quai sọc trắng đen của Trung Quốc bán đầy vỉa hè giá 35.000 đồng… hai đôi xáp tới xởi lởi:
- Sư phụ chơi cặp kính xịn hiệu Rayban này đi, đeo cho nó sáng gương mặt. Mặt có sáng thì làm ăn mới phát tài.
Vừa nói gã vừa biểu diễn cặp kính xịn gọng nhựa màu đen bằng cách bẻ gập nó lại. Phải công nhận kính dởm mà dân… Hồng Kông bên hông Chợ Lớn làm cũng “bá cháy”.
Gã dẻo miệng vẫn lia chia mời gọi:
- Sư phụ thấy rồi đấy, hàng hiệu Rayban chính cống “thuốc ho bà lang Trọc”. Em để giá "nhỉn" cho bác mua nhé: 200.000 đồng Việt Nam thôi. Thứ này mà vào tiệm cũng bị chặt tiền triệu.
Chờ mua vé trong dịp lễ tết là cơ hội cho kẻ gian gài bẫy
Thấy tôi không ý kiến gì, gã bán kính dởm liền giở thủ đoạn ép người bằng cách nhét cái kính vào túi quần khổ chủ. Đến nước này thì cần phải dứt khoát, không thể dây dưa với gã chai lỳ vì không khéo sẽ chuốc họa. Tôi nghiêm giọng quát:
- Này, lấy ngay cái kính dởm ra, thứ này bán ở Chợ Lớn cả rổ giá 25.000 đ/cái, cả tao mà mày cũng định “gài hàng” à?
Biết tôi không phải là dạng vừa hoặc “Hai lúa” ở quê lần đầu lên thành phố nên gã bán kính “thẩu” ngay cặp kính rồi chuồn vào đám đông.
( còn tiếp )
Hồ An