Ký ức người Hà Nội tại Quảng Bình đang tàn lụi
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:13, 07/04/2015
Khu sinh thái Vực Quành (ở xã Nghĩa Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) nằm trên diện tích 10ha, nơi đây như một làng chiến tranh mô phỏng đã từng thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan.
Tuy nhiên, nay trông chẳng khác gì một khu đất bị bỏ quên, hàng loạt hiện vật lịch sử xuống cấp, xập xệ, không khí ảm đảm, vắng vẻ bao trùm.
Ngôi làng được dựng từ ký ức người Hà Nội
Theo ông Đào Văn Toàn, người trông coi bảo tàng này cho biết, người lập nên ngôi làng Vực Quành là ông Nguyễn Xuân Liên, một người sinh ra và lớn lên ở huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Ông Liên đã có 10 năm sống và làm việc tại Quảng Bình. Đó là những năm tháng chiến tranh bị bom đạn tàn phá ác liệt, nó ám ảnh ông trong suốt cuộc đời nên ngay cả sau này sống giữa thủ đô Hà Nội bình yên, ký ức về chiến tranh vẫn luôn hiện về trong ông.
Những tấm bia ghi khắc quyết tâm đánh giặc đã mờ chữ, cây cối mọc che khuất. |
Sau gần 30 năm xa cách, năm 1992, ông Liên quay lại mảnh đất nơi ông từng sống và làm việc. Lúc này, những nhà cửa, hầm hào cùng các công trình mà nhân dân bảo vệ đồng bào, chiến sĩ trong cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại đã không còn dấu tích gì khiến ông vô cùng tiếc nuối.
Từ đó, ông nung nấu lập một “làng chiến tranh mô phỏng” giống như làng trong chiến tranh thời chống Mỹ ác liệt.
Đến năm 2003, khi về hưu, ông Liên quyết định dời bỏ thủ đô, một thân một mình vào Quảng Bình sinh sống, quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình.
Khung cảnh tan hoang tại khu sinh thái lịch sử Vực Quành làm cho nơi này trở nên vắng vẻ đến rùng mình. |
Vì không được vợ đồng ý, ông Liên phải bán một ngôi nhà của mình ở Hà Nội. Số tiền bán nhà, một nửa ông chia cho vợ, một nửa ông mang vào Quảng Bình mua đất, dựng làng chiến tranh.
Những vỏ bom, thùng đạn, phuy xăng, những bao bố, bao tải hai lớp, cối xay, giã gạo, nôi mây, bảng đen... được ông Liên lùng tìm từ các thôn làng xa xôi mang về.
Chỉ vài năm sau, “Làng chiến tranh mô phỏng” của Quảng Bình những năm 60 đã được tái hiện với chằng chịt giao thông hào, hầm chữ A, hầm trú bom, lớp học, trạm y tế dưới lòng đất, ụ súng, đường hành quân của người và xe, cầu phà qua suối.
Dù Làng thu hút rất đông du khách đến, nhưng ông Liên chưa bao giờ thu tiền vé của bất kỳ ai.
“Những năm trước, hàng ngàn du khách đã đến đây tham quan đã không khỏi ngỡ ngàng, sửng sốt. Nhưng bây giờ thì…”, ông Toàn nói ngắt quãng.
“Ở đây có gì nữa đâu mà đến?”
Những tưởng, khi một người có tấm lòng sâu sắc với mảnh đất Quảng Bình như ông Liên bỏ ra số tiền tỷ dựng lên một ngôi làng chiến tranh sẽ được giữ gìn và bảo tồn để làm sống dậy những ký ức trong chiến tranh, là nơi tham quan giáo dục cho học sinh – sinh viên về lịch sử những năm tháng chiến tranh khốc liệt.
Cổng chính bị rào chắn. |
Thế nhưng, niềm vui ấy chẳng tày gang khi giờ đây làng chiến tranh này đang trở thành phế tích.
Khi chúng tôi hỏi đường vào khu Vực Quành, ông Đào Văn Toàn, người trông nom khu này nói rằng, “Ở đây có gì nữa đâu mà đến, nhà cửa, trường học, hiện vật đều hư hỏng hết cả rồi”.
Vào đến nơi, chúng tôi ghi nhận một quang cảnh đìu hiu, vắng lặng đến rùng mình. Lối vào cổng chính đã bị rào chắn bởi những cây tre, nứa, tấm biển ghi tên của khu du lịch sinh thái lịch sử bị cây dại mọc che mất.
Nhà trẻ thời dã chiến. |
Căn nhà đón tiếp khách khóa kín cửa, mối mọt ăn trụi vì đã bị bỏ hoang từ lâu, các hạng mục xuống cấp trầm trọng. Những khu vực trưng bày hiện vật và hệ thống hầm hào, nhà cửa, kho tàng... nay không còn nguyên vẹn.
Bên trong những ngôi nhà trưng bày hiện vật, nhà tranh nửa nổi nửa chìm mô phỏng lớp học, nhà giữ trẻ, nhà cứu thương… đều bị mục nát. Cửa chính, cửa sổ xiêu vẹo, các hiện vật trưng bày bên trong đổ ngổn ngang giữa nhà.
Theo ông Toàn, vì không có kinh phí để tu sửa, khu di tích này ngày càng trở nên hoang tàn, xuống cấp, nhất là sau trận bão 2010, nơi này càng trở nên hoang phế. Từ đó đến nay, không còn người nào đến đây tham quan nữa.
Bảo tàng lịch sử có được cứu?
Năm 2011, vì lý do sức khỏe, hơn nữa cũng không có thêm kinh phí để tu bổ lại ngôi làng lịch sử mô phỏng Vực Quành nên ông Liên quay về Hà Nội sống, bỏ lại khu di tích mà ông đã tốn rất nhiều công sức, tiền bạc để gây dựng trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.
“Hiện tại, ngày nào tôi cũng vẫn đến Vực Quành trông nom giúp ông Liên. Ông ấy có dự định năm 2015 này sẽ vào Quảng Bình để phục dựng lại. Nhưng chỉ là dự định thế thôi còn thực hiện được hay không thì tôi cũng chưa biết thế nào”, ông Toàn cho biết.
Khu vực tái hiện không gian thời chiến, với những công trình dã chiến, hầm hào... đã bị xuống cấp nghiêm trọng, bị cây cối phủ lấp. |
Đã hơn 4 năm qua, ngôi làng lịch sử này trở nên hoang tàn, đìu hiu. Liệu nó có thể được phục dựng lại như trước hay không thì chưa ai có câu trả lời chắc chắn.
Ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Bình cho biết, trước đây Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Bình cũng đã có hướng dẫn ông Liên thành lập bảo tàng tư nhân, nhưng ông Liên không làm nên bây giờ bên Sở khó quản lý.
Hơn nữa, nó còn liên quan đến nhiều thứ, phải giải quyết đồng bộ chứ không thể chỉ riêng một chỗ mà làm được, nên phải lâu dài.
Lý giải về việc khó quản lý khu di tích này, ông Nam cho biết, khu Vực Quành vẫn chưa phải là di tích hay bảo tàng, mà chỉ có thể gọi là điểm trưng bày ngoài trời. Nếu chưa được công nhận là di tích hay bảo tàng thì Nhà nước không thể làm thay, Nhà nước không có ngân sách để chi cho những cái đó.
“Đây là một địa chỉ du lịch và mô hình như vậy cũng rất tốt, giúp cho Quảng Bình có thêm một điểm đến. Nếu chỗ này mà bị mất đi thì cũng rất tiếc, nhưng không được thì mình cũng đành chịu”, ông Nam nói.
Thủy Phan