Hai người đàn ông không điên và hàng trăm mảnh đời bất hạnh

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:52, 16/03/2015

Hai con người, hai hoàn cảnh khác nhau nhưng lại có chung cùng một chí hướng là đem đến tình yêu và niềm tin vào cuộc sống cho những mảnh đời kém may mắn trong xã hội.

Bỏ tiền tỉ nuôi người điên

Bình thường, người ta sẽ cố gắng tránh né đối với những bệnh nhân tâm thần, thậm chí là ngay cả người thân của họ. Thế nhưng anh Hoàng Văn Thịnh (44 tuổi) đã bỏ ra hơn 10 tỉ đồng để xây dựng mái ấm Thiện Tâm Faustina ở xóm Vếch Bắc (xã Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An) nuôi gần 100 bệnh nhân tâm thần, và những em nhỏ bị bỏ rơi.

Như một thói quen khó bỏ, dù công việc làm ăn có bận rộn tới đâu thì cứ chiều chiều là anh Thịnh lại trở về “ngôi nhà thứ hai” của mình để chăm sóc cho những em nhỏ tật nguyền. “Cuộc sống bên ngoài ồn ào và có quá nhiều thứ để bon chen lắm lúc làm cho chúng ta trở nên ích kỷ đi. Đối với tôi thì chỉ khi trở về với các em nhỏ, được chăm sóc cho những tâm hồn rất hồn nhiên nhưng đầy bất hạnh này tôi mới cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc”, vội vàng đi kiểm tra bữa tối cho các em đã chuẩn bị tới đâu anh vừa tâm sự.

Đứng nhìn mái ấm mới hoàn thành hơn hai năm nay, anh Thịnh hài lòng với công sức mà mình bỏ ra trong thời gian qua. Anh cho biết, bắt đầu nhận người bị tâm thần và những trẻ em tật nguyền bị bỏ rơi về nuôi từ hơn ba năm trước. Hễ có người nào bị tâm thần, lang thang ngoài đường là anh đưa về. Hình ảnh anh Thịnh không còn xa lạ với người dân khi họ thấy anh chở vài “nhân vật lạ” trên xe về nhà.

manh doi
 Công việc chăm sóc các trẻ nhỏ được các sơ hỗ trợ.

Chỉ cần nghe nói ở đâu có người bị bỏ rơi, hay có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ là anh lại bỏ hết công việc đến tận nơi đón họ về trung tâm. “Mình gặp nhiều may mắn hơn nhiều người trong cuộc sống. Nên nếu giúp được nhiều người kém may mắn này cũng coi như là cái phúc của mình”, anh Thịnh nói.

Em Phương Thảo, vừa mới chào đời cách đây không lâu chính là kết quả bất hạnh của một người điên ở Thanh Hóa. Anh Thịnh cho biết, trong một lần ra Hà Nội công tác, anh gặp bà Nguyễn Thị Bích (51 tuổi) đang lang thang ngoài đường. Nhặt được thứ gì là bà cho vào miệng nhai một cách rất ngon lành. Thấy vậy nên anh đưa về nuôi. Thời điểm này bà Bích đã mang thai được 5 tháng. Người dân ở đây cho biết, bố bà này bị bệnh cùi được đưa vào một trại phong ở Nghệ An. Bản thân bà ở một mình rồi bị người ta làm cho có thai khiến bà trở nên trầm cảm rồi hóa điên đi lang thang.

Một hoàn cảnh khác mà chúng tôi được nghe đó là trường hợp của em Huệ. Là anh cả của một gia đình có 3 anh em ở Nghệ An. Đã 11 tuổi nhưng em không biết gì ngoài việc chạy vòng vòng quanh nhà. Sinh ra với một thân hình kỳ dị, khác người nên em bị gia đình vứt ngoài đường may mắn được anh nhặt về nuôi.

Người em thứ hai của Huệ cũng tương tự như thế nhưng thật không may khi em bị chết ở ngoài ruộng vì bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà. Tới khi mang bầu người con thứ 3, vì không thể chịu nổi sức ép của người ngoài nên mẹ em đã đi phá thai khi thai nhi vừa được 4 tháng tuổi. “Khi biết tin mẹ em mang bầu và có ý định phá thai, tôi và một sơ hiện đang chăm sóc cho em tại mái ấm đã tới gặp riêng và hứa sẽ nuôi giúp họ nhưng họ không đồng ý”, anh Thịnh nhớ lại.

Hiện tại, mái ấm Thiện Tâm Faustina đang nuôi dưỡng gần 80 người với nhiều số phận khác nhau. Người bị điên, bại liệt, các trẻ em bị chất độc da cam/dioxin và nhiều em tật nguyền bị bỏ rơi khi mới sinh do các xơ ở đây nhận về nuôi.

Thế chấp nhà nuôi người dưng

Rời mái ấm Thiện Tâm, chúng tôi men theo đường mòn bên sông để tìm về mái ấm Hiền Lương (xóm 7, xã Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An). Trải qua những tháng ngày lang thang, đi làm đủ nghề để mưu sinh nhưng chẳng được, anh Tạ Duy Sáu (36 tuổi) lại lặng lẽ trở về quê nhà thành lập một Trung tâm bảo trợ xã hội để giúp đỡ cho những trẻ em bất hạnh.

manh doi

Là một người từng trải, anh Sáu hiểu hơn ai hết những mất mát và bất hạnh mà những đứa trẻ này phải chịu đựng nên anh càng yêu thương các em hơn.

Trái ngược hẳn với hoàn cảnh của anh Thịnh, gia đình anh Sáu có hoàn cảnh rất khó khăn. Lên 10 tuổi Sáu đã phải “ở đợ” kiếm tiền khi bố không may bị bệnh nặng. Tai họa lại đến khi người anh của Sáu đột ngột qua đời, người chị kế bị bệnh nặng. Lúc này, kinh tế gia đình kiệt quệ, cha mẹ già yếu, Sáu buộc phải nghỉ học đi vào TP.HCM làm thuê kiếm tiền.

“Không chịu nổi sức ép của công việc nên tôi từng phải bỏ đi bụi, bán báo, bán vé số, từng bị đánh đập dã man, trải gặp nhiều bất hạnh nên tôi rất cảm thông với những hoàn cảnh bất hạnh mà chính mình đã từng trải qua. Tôi luôn ao ước mình sẽ làm một điều gì đó có ích cho những số phận bất hạnh, cho đến khi gặp vợ mình thì chúng tôi quyết định sẽ cùng thực hiện ước mơ này bằng mọi giá”, anh Sáu chia sẻ.

Sau khi gặp chị Lê Thị Lương cũng là vợ anh sau này, chị cũng là một mảnh đời bất hạnh phiêu dạt, kiếm sống bằng nghề bán báo dạo, vì thế mà chị hiểu và thông cảm tận cùng với anh. Anh đem ước mơ xây dựng một trung tâm từ thiện giúp đỡ những số phận đặc biệt cho chị nghe rồi được chị ủng hộ anh hết lòng.

Năm 2001, hai người về quê gom tất cả số tiền tích góp sau mấy năm lăn lộn ở Sài Gòn, rồi vay mượn thêm anh em, bạn bè nhưng cũng chẳng được là bao nhiêu, anh đành thế chấp luôn ngôi nhà của mình lấy 500 triệu đồng để xây dựng một cơ sở chăm sóc cho những trẻ em khuyết tật.

manh doi
 Người khuyết tật và cả người địa phương đang được anh Sáu tạo việc làm có thu nhập.

Theo anh Sáu thì quan điểm của họ là các em dù tật nguyền, nhưng chưa hẳn đã mất hoàn toàn sức lao động. Nên ngoài việc chăm sóc cho các em thì anh muốn dạy nghề cho các em, vừa tạo ra được thu nhập, lại khiến cho các em cảm nhận được sự hữu ích của mình trong cuộc đời.

Nghĩ là làm, năm 2008 khi được UBND huyên Yên Thành quyết định cho thành lập cơ sở bảo trợ xã hội Hiền Lương anh lại khăn gói tìm đến các Trung tâm xã hội khác tìm hiểu, học nghề rồi về mua sắm các nguyên vật liệu về dạy cho các em. Để tạo thêm động lực cho các em làm việc, mỗi tháng anh còn trả cho mỗi em từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng để phụ cho gia đình các em.

Hàng làm ra anh lại phải đến các trường học để bán hàng, nhiều chuyến hàng sáng chở đi, chiều trở về còn nguyên. Nhưng anh không nản mà ân cần chỉ cho các em làm lại từng sản phẩm rồi lại đưa đến từng nơi vận động các cơ sở mua. Hiện các em đã làm được các sản phẩm như tăm tre, chổi đót… nhưng hễ có thời gian là anh lại tìm đến các cơ sở khác để tìm hiểu và học thêm các nghề mới về dạy lại cho các em.

Khi đã ổn định an cư, vấn đề tài chính để nuôi dưỡng hơn 50 trẻ và 6 người phục vụ lại khiến nhiều đêm anh phải trằn trọc thức trắng. Anh đã đi gõ cửa từng nhà, gặp các nhà hảo tâm, tổ chức để xin được giúp đỡ nhưng cũng không thấm vào đâu. Tiền lãi từ làm các sản phẩm không nhiều, nhiều tháng thâm hụt không còn tiền mua gạo cho các em là anh lại phải chạy cuống lên đi vay mượn hết chỗ này sang chỗ khác chứ nhất quyết không để các em phải nhịn đói một bữa nào.

Niềm Phạm

Một Thế Giới