Kỳ cuối- Đại bàng xếp cánh

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:03, 18/04/2015

Ám ảnh và hối tiếc lớn nhất của cuộc đời bà Tám Lũy là không gầy dựng được một gia đình hạnh phúc khi may mắn có được một người chồng hiền lành hết lòng thương yêu vợ con và mong muốn được đổi đời, vươn lên thoát cảnh khó khăn, nghèo đói theo hướng thiện, bằng chính sức lực và ý chí tiến thủ của mình. 
Trong khi đó bà Tám Lũy thì ngược lại, sớm sa chân vào cờ bạc, lún sâu vào nợ nần đến nỗi đã tính quẩn đi trộm cắp vặt rồi trở thành nữ tướng cướp khét tiếng. Chính bà đã gánh lấy trách nhiệm này, hậu quả nhãn tiền theo cách nói của nhà Phật khi tạo ra những đứa con mà không dạy dỗ chúng nên người, đã vậy lại tập tành cho chúng theo bà đi cướp giật, sớm dấn sâu vào tội lỗi.

Những giọt nước mắt muộn màng

Khi nói về những đứa con là tử tội bị người đời nguyển rủa, pháp luật trừng trị bà Tám Lũy đã khóc. Những giọt nước mắt tưởng chừng như khô cạn theo tuổi đời bỗng ứa ra thành dòng lệ nóng chảy xuống gương mắt nhăn nheo, tàn úa. Bà Tám Lũy nhớ lại buổi dự khán phiên tòa lưu động xét xử Nguyễn Văn Hoàng và Nguyễn Văn Thâu cách đây nhiều năm, do suy sụp tinh thần kéo cùng với sức khỏe quá kém, nhưng bà không thể không có mặt nên phải nhờ mấy đứa cháu dìu đỡ, dẫn đi. Khi nghe tòa tuyên án hai đứa con mức án cao nhất: tử hình, bà đã té xỉu vì không chịu đựng được nỗi đau quá lớn này, dù biết rằng nó sẽ xảy ra. Bà muốn cứu hai đứa con thoát khỏi án tử theo tâm lý và lòng thương con của một người mẹ, nhưng biết làm sao được. chính cái chết của chúng cũng có trách nhiệm làm mẹ của bà vì bà đã góp phần đẩy chúng tới vành móng ngựa và lãnh án tử.
Rồi sau đó là khoảng thời gian Hoàng “phổi” và Thâu “ròm” ở trại giam B5, khu tử ngục chờ ngày thi hành án là nỗi ám ảnh kinh khiếp nhất đối với một người mẹ. Bà Tám Lũy biết rằng thời gian được gặp hai đứa con tử tội không còn bao nhiêu nên khi được phép thăm, gặp bà bất kể mưa gió, sức khỏe ra sao cũng tranh thủ vượt khoảng đường xa, mang chút ít quà, tiền đến cho hai đứa con tội lỗi sắp đi khỏi cõi thế gian và vòng tay người mẹ. Mỗi lần gặp Hoàng “phổi” và Thâu “ròm” bà khóc rất nhiều. Bao ăn năn, hối tiếc lại ập đến làm trái tim đau yếu của bà muốn ngừng đập. 
Bà Tám Lũy đã tự hỏi tại sao thằng Hoàng nó đã hoàn lương, ngày ngày lo phụ bà chăn nuôi heo, gà, quyết chí làm ăn để cưới vợ mà sao lại dính vào vụ cướp tiệm vàng Kim Hồng? Phải chi bà cưới vợ cho nó sớm hơn, biết đâu chuyện đau lòng đã không xảy ra? Rồi cả thằng Thâu ốm yếu còm ròm ở tù về cũng lo phụ mẹ chăn nuôi heo, gà, chăm sóc chuồng trại, bỏ hẳn việc quan hệ, la cà với đám chiến hữu giang hồ của nó bỗng dưng lại dính vào vụ cướp để rồi cả hai anh em nó không còn đường thoát?
Người mẹ tội nghiệp

Người mẹ tội nghiệp ấy đã luôn tự đặt ra cho mình những thắc mắc, trăn trở, những câu hỏi không có lời giải ấy suốt trong chuỗi ngày tàn trong khu trang trại vắng lạnh, thiếu tiếng cười nói và bóng dáng của những đứa con mà lẽ ra chúng đã sống ở đây với bà. Chúng tôi hoàn toàn cảm thông, chia sẻ với tâm trạng đau buồn hiện tại của bà Tám Lũy và cũng hiểu tại sao ngoài công việc mỗi ngày ở khu trang trại chăn nuôi heo, gà theo kiểu làm kinh tế gia đình để trang trải cuộc sống khó khăn của một người già neo đơn, cách đây mấy năm khi sức khỏe còn tốt bà Tám Lũy đã tham gia phong trào phòng chống tội phạm ở địa phương và lấy đó làm niềm vui, chút đóng góp cho xã hội.
Bà kể rằng ở địa phương có nhiều đứa nhỏ mới lớn lên, tập tành quậy phá, gây mất an ninh trật tự, lập băng nhóm trộm, cắp chính quyền giáo dục, xử lý rất mệt. Bà Tám Lũy đã gặp chúng thuyết phục bằng cách hỏi tụi nhóc: chúng mày biết tao là nữ tướng cướp Tám Lũy khét tiếng một thời không? Cỡ như tao mà rửa tay gác kiếm làm người lương thiện thì cỡ tụi mày chẳng đi tới đâu, đừng có giở trò? Tất nhiên bọn nhóc đều nghe “giang hồ” đồn về nữ tướng cướp Tám Lũy, nay thấy một bà già tóc bạc, da nhăn nhưng ánh mắt còn sắc lẹm, rất “hình sự” nhìn chúng thì đứa nào cũng ngán. Thế là yên.
Một số tay “giang hồ” manh nha lập băng nhóm, tranh giành lãnh địa, thanh toán nhau, gây ồn ào khu xóm khiến bà Tám Lũy ngứa mắt, bà gặp thẳng những đứa có số mà hỏi: chúng mày võ nghệ tới đâu? Biết tao là nữ tướng cướp Tám Lũy không? Cỡ mấy thằng Tây, mấy thằng lính ỷ động giở trò ức hiếp tao mà còn trúng “liên hoàn cước” vào chỗ hiểm té nằm dài, mắt trợn ngược, miệng ú ớ mà mấy đứa cỡ tụi mày chỉ ngoe ngoe, võ vẽ vài đường như khỉ giỡn ma thì chịu nổi bà già này mấy cước? Đám giang hồ xóm ấp ngán quá hết dám ngo ngoe.
Nhưng bây giờ thì bà Tám Lũy không còn linh hoạt như xưa, bà sinh năm 1936, tới nay đã thành người trên tuổi “thất thập cổ lai hy”, mọi chuyện quá khứ, vui buồn, sôi nổi, ngang dọc một thời đã dần khép lại, lùi vào phía sau cánh cửa thời gian. Bà tâm sự với chúng tôi sống được tới từng tuổi này rồi đã là chuyện may mắn, một người phụ nữ đã từng trải mọi nỗi đau quá khứ như bà mà chịu đựng tới bây giờ, không “đứt phim” giữa chừng cũng đã quá giỏi. Tuổi già ập đến với bao thứ bệnh tật, đồng thời với nỗi ám ảnh về những đứa con, hậu quả tội lỗi để lại và đoạn cuối của một số phận đời người khiến bà Tám Lũy cảm thấy mình gần như không gắng gượng nổi. Phải chi bà có những đứa con sống bên cạnh thì còn được chút an ủi, ấm lòng hơn!
Và khi nói đến những đứa con bà Tám Lũy lại khóc. Những giọt nước mắt được người đời cảm thông, nhưng đã quá muộn màng.

Phan Tường

Một Thế Giới