Vụ rơi trực thăng Mi171 ở Hòa Lạc: Trung úy đặc công đã nói được sau 105 ngày hôn mê
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:30, 11/11/2014
Cuộc chiến với bệnh tật không ngừng nghỉ
Vụ rơi trực thăng Mi171 khiến đội bay 21 thành viên, giờ chỉ còn trung úy Dương |
Nhưng cuối cùng, điều kỳ diệu đã đến, anh thoát khỏi cánh cửa tử thần một cách kỳ diệu. Trải qua 17 lần ghép da, mỗi lần ghép sau, tổn thương da lại được thu nhỏ dần. Hiện tại, anh Dương vẫn đang được nằm trong phòng cách ly đặc biệt tại khu vực cấp cứu, đảm bảo vô trùng, đồng thời tiếp tục điều trị, bồi dưỡng. Sau này khi sức khỏe tiến triển khá hơn, sẽ phải tập luyện phục hồi chức năng.
Sau những chuyển biến tích cực, các bác sĩ bệnh viện quyết định cho anh Dương ngừng thở máy. Giây phút chiến sĩ đặc công tỉnh lại sau hơn 3 tháng hôn mê khiến người thân anh Dương và y bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Xúc động hơn nữa khi anh Dương vẫn gọi tên người vợ mình, chị Nguyễn Thị Hải.
Chị Hải nhớ như in ngày 1/11 là ngày vui mừng nhất của các thầy thuốc và gia đình chiến sĩ Dương. Sau bao ngày hôn mê, nuôi qua xông, 2 lần tim ngừng đập, bệnh nhân đã tập ăn được một chút cháo. Không chỉ bình phục về thể trạng mà trí nhớ chiến sĩ Dương cũng hồi phục tốt, sau khi tập nói, tập uống, tập ăn, anh nhớ được số điện thoại của vợ, nhớ vợ con, họ hàng, anh em đồng đội. Anh nhớ được thời điểm máy bay gặp nạn, đến thời điểm anh vào viện.
Sức mạnh của sợi dây tình cảm gia đình
Bác sĩ Lê Quang Thảo (Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia), người trực tiếp tham gia điều trị cho anh Đinh Văn Dương chia sẻ: “Việc anh Dương tỉnh táo trở lại, ăn uống và nói chuyện là một kỳ tích, bởi đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một nạn nhân bị bỏng nặng, bỏng sâu, suy đa tạng được chữa trị hồi phục”.
Cùng với quá trình điều trị tích cực hơn 100 ngày, với những thuốc thang, máy móc hiện đại nhất có thể, cũng là từng ấy ngày các bác sĩ đã nỗ lực không ngừng nghỉ, động viên, “trò chuyện” với người bệnh ngay cả lúc bệnh nhân hôn mê.
Mọi người trong bệnh viện vẫn trêu bác sĩ Thảo gắn liền với bệnh nhân Dương. Có những lúc, bác sĩ Thảo còn gọi nhầm tên đồng nghiệp của mình là anh Dương. Hàng ngày, bác sĩ Thảo cùng các y sĩ vẫn thường xuyên đến chăm sóc, ân cần quan tâm anh, khi thì trêu đùa để anh Dương có thêm niềm lạc quan chiến đấu với bệnh tật.
2 con đáng yêu của vợ chồng anh Dương. Bé Hải Anh (bên trái) sinh ra chỉ 2 ngày sau khi bố gặp nạn. |
Khi đứa con trai mới sinh của vợ chồng anh mới vài tháng tuổi, các y bác sĩ quyết định cho cháu vào thăm. Dù anh chưa tỉnh nhưng mọi người muốn anh linh cảm được đứa con của mình. Đứa con trai gần bốn tháng tuổi, máu mủ ruột thịt và sợi dây tình cảm phụ tử đã giúp người cha có thêm niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.
Chị Hải cũng luôn túc trực bên chồng, cố gắng khơi gợi lại kỉ niệm của hai vợ chồng, con nhỏ với người thân trước giường bệnh của anh. Đặc biết lúc nghe người vợ kể chuyện về cậu con trai nghịch ngợm, hay ăn thì anh Dương có biểu hiện cố gắng cử động. Chị Hải xúc động kể lại: “Tôi vẫn nhớ khi rút ống thở, câu đầu tiên anh nói sau hơn 3 tháng hôn mê là gọi: Vợ ơi. Lúc ấy cả hai vợ chồng hạnh phúc, chỉ biết nhìn nhau khóc”.
Thượng úy Ngô Văn Hiển (chính trị viên phó, đại đội đặc công 18, Bộ Tư lệnh thủ đô), người đồng chí túc trực bên người đồng đội của mình suốt 4 tháng qua. Chứng kiến sự hồi sinh kỳ diệu của đồng đội, anh Hiểu không giấu được sự xúc động: “Chúng tôi thực sự đau xót khi thấy người anh em của mình nằm trên giường bệnh, nhưng vẫn không nguôi hy vọng anh bình phục trở lại. Hiện tại, sức khỏe anh đã hồi phục, anh ý thức được và trò chuyện cùng mọi người.”.
“Chứng kiến tình cảm gia đình, vợ chồng, mẹ con của người đồng đội, tôi thực sự rất cảm động. Và cả ở anh nữa, tôi biết anh đã đấu tranh với nỗi đau thể xác, tinh thần khủng khiếp để được sống, trở về bên người thân và anh em đồng chí”, anh Hiểu cho biết thêm.
Người mẹ của anh Dương, bác Trịnh Thị Đông không cầm được nước mắt: “Những ngày đầu con tỉnh, 2 mẹ con cả đêm không sao ngủ được. Nó cứ cố cử động để như nói với tôi là con bị cụt chân, tay. Nó bảo thương mẹ, thương vợ, thương con và dù có ngồi trên xe lăn cũng mong thấy con được vui chơi”.
Ngày nào bác cũng đến phòng thăm con vài lần, thời gian đầu chỉ được nhìn con qua ô cửa kính, nhưng bác Đông vẫn không nguôi gọi tên con và khích lệ con cố gắng. Bác tin rằng sợi dây tình cảm gia đình sẽ là liều thuốc tinh thần hữu hiện nhất giúp con trai mình mau bình phục.
Linh Nga/Đang yêu