Chạy gió mà hốt... cá và ngọn hải đăng cổ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:52, 23/02/2015
Bây giờ thì đường sá đi lại thuận tiện hơn, người làng Sơn Hải đến ở lại bãi Tràng đánh bắt nhiều, đời sống đỡ quạnh quẽ. Vợ chồng ông Vằm xây được căn nhà nhỏ hướng mặt ra biển, để tủ bán đồ tạp hóa, cà phê, nhu yếu phẩm cho người đi biển, rồi nuôi được một chuồng 70 con bò và 50 con dê. Lũ bò, dê thì cứ thả lên đồi tự kiếm cỏ, lá ăn, chiều no kềnh thì trở về nhà uống nước rồi ra bãi cát mà nằm ngủ, không cần phải chăn.
Lang thang dưới làng chài, tôi gặp hai ngư dân đang gỡ lưới cá sau chuyến đi thúng từ rạng sáng, vừa gỡ lưới, anh Giáp, 41 tuổi, vừa nói vui: “Chạy theo gió thì cũng cực, chìm lên ngụp xuống. Nhưng cái đời mình thì gắn với nghề này rồi, cứ phải chao đảo trên đầu ngọn sóng, khổ thì có khổ nhưng cũng đủ nuôi con cái ăn học. Có điều tụi nó thấy cái nghề của cha mẹ khổ quá, không dám nối gót. Lớn lên đứa nào cũng ra phố kiếm việc mần thuê kiếm sống chứ chẳng chịu đi biển”. Nơi đây, chắc nhiều ngư dân nghèo gắn với bãi Tràng cũng có chung tâm sự như anh Giáp.
Chuyện trên hải đăng cổ
Điệp trùng những đồi đá dựng, bạt ngàn dãi cát mịn trắng phau trải dài qua những rẻo đồi rồi xuôi về biển xanh, cảnh sắc đẹp như mộng đó đã khiến dân phượt đồn đãi nhau rằng, nếu chưa đến bãi Tràng Mũi Dinh thì chưa biết gì về phượt biển là vậy. Nhưng đến bãi Tràng rồi thì phải khám phá hải đăng cổ mới là trọn vẹn hứng thú.
Tôi gặp Tuấn Anh và Xuân Hương, hai bạn trẻ trong hội phượt (phuot.vn) đang loay hoay dọn đồ khô ra dùng bữa dưới ngọn hải đăng, bèn đến bắt chuyện làm quen và được mời dùng bữa chung. Tuấn Anh say sưa kể về những góc ảnh đẹp mà anh vừa săn được trên đường, rồi đây sẽ chia sẻ với nhiều người với sự hứng thú mỹ mãn.
Anh Phạm Văn Cơ, sinh năm 1968, là trạm trưởng hải đăng, tiếp khách xa dưới chân tháp đèn có tuổi đời hơn một thế kỷ - theo tài liệu thì ngọn hải đăng được đưa vào sử dụng vào năm 1904, năm xây có thể là 1890. Anh Cơ kể, thời kỳ đầu, bóng đèn được thắp sáng bằng dầu đặt trên thủy ngân, có quả tạ xoay, nhưng hiện nay tất cả đã chuyển sang điện lưới và điện năng lượng mặt trời do trạm tự sản xuất. Bóng đèn trên ngọn tháp có độ phủ 26 hải lý giúp tàu bè định hướng hải trình. Ngọn đèn ở Mũi Dinh có đặc tính chớp là 2 + 1 chu kỳ 20 giây. Tháp đèn xây bằng đá granit cao 186 m so với mặt nước biển.
Cái nghề làm nhân viên trạm hải đăng thì cũng rày đây mai đó theo điều chuyển của tổ chức (Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Miền Nam) nhưng thấy anh em gắn bó với trạm đèn Mũi Dinh thì có vài người lấy vợ địa phương, sống đoàn kết với nhau nên lãnh đạo cho giữ lại làm khá bền vững. “Những ngày gió lớn, bước ra trời là lạnh buốt đầu nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo cho đèn hoạt động tốt, cứ 5 giờ chiều mở đèn, đến trời sáng thì đèn tự tắt, chúng tôi cử người trực lên lau chùi và thả màn. Công việc thì đơn giản, trước thì khổ vì xa nhà, xa vợ con nhưng giờ có điện thoại, có điều kiện đi lại nên cũng đỡ, lương lá đủ sống”, anh Cơ nói.
Niềm vui của anh em trạm hải đăng Mũi Dinh là lâu lâu có khách xa đến tham quan, thăm hỏi chuyện trò. Hiếu khách, vui vẻ nhưng vì chưa có cơ chế phát triển du lịch, cho nên anh không thể đón khách ở lại trạm đèn qua đêm vì sợ rủi ro.
Ai đó nói rằng rồi đây Mũi Dinh sẽ phát triển theo hướng dịch vụ du lịch xanh, nghe ra hoàn toàn hợp lý với một tỉnh du lịch còn chưa tương xứng với tiềm năng tài nguyên. Nhưng cũng nghe phong thanh rằng, vì nằm quá gần khu dự án điện hạt nhân nên ước mơ cất cánh du lịch biển cho Mũi Dinh có thể sẽ trở nên viển vông.
Chiều xuống. Từ trạm đèn nhìn về làng chài Bãi Tràng, mấy liếp nhà lên đèn thiu thắt. Gió thổi lồng lộng theo bước chân người lữ khách rời ngọn đồi và đi về phía cồn cát đang biến hình trước những cơn gió táp. Có tiếng bò, dê gọi bầy ậm ừ buồn bã phía chân đồi. Có giọng hò ai đó cất lên trên âm hưởng của sóng:
Hò ơ... Mủi Nậy bảy bị còn ba Mũi Dinh chín bị không tha bị nà...
Địa danh Mũi Dinh hơi khó giải, bởi trong sách Đại Nam nhất thống chí xưa ghi là Diên/Diên Chủy. “Núi Mũi Diên: Diên Chủy [nay là núi Mũi Dinh trong phần đất thuộc Ninh Thuận], ở phía Đông Nam huyện Tuy Phong [lúc này phần đất Nam sông Ma Bố trở vào sông Duồng tên huyện là Tuy Phong thuộc phủ Ninh Thuận].
Chân núi có chín khúc hình như các ngón tay, nằm ngang trên bãi biển, chỗ ấy nước biển chia đường, một đường chảy về Bắc, một đường chảy về Nam, chảy rất xiết, thuyền ghe qua đấy phải cẩn thận. Phía Nam có đầm Vũng Diên [vịnh bãi Cà Ná], gặp gió nam thì thuyền có thể đỗ yên được”.
(Theo Ninh Thuận Tourist)