Nghĩa trang Bình Hưng Hòa: Người sống buồn thảm, người chết bị... treo

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:00, 15/08/2014

Đã 6 năm từ ngày công bố quy hoạch di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa, nghĩa trang lớn nhất TP.HCM, hàng trăm hộ dân lọt thỏm bên trong hoặc bên rìa nghĩa trang đứng ngồi không yên.
Nghĩa trang trong tương lai sẽ nhường chỗ cho một khu thương mại và dân cư rộng lớn, sầm uất nhưng vẫn chưa biết lúc nào thành hình. Hàng ngàn con người thấp thỏm, ngổn ngang bài toán an cư. 
“Quy hoạch công bố từ lâu. Nhưng chẳng thấy nói gì tới việc tái định cư cho dân. Ai cũng vừa chờ vừa lo sợ”-anh Tuấn, nhà trong nghĩa trang nói. 
Nhà anh Tuấn nằm dọc con đường đất chạy vào nghĩa trang, bốn bề mộ chí bủa vây. Trước mặt là mộ, sau lưng là mộ. Mộ nằm ngay trong khuôn viên sân nhà.

Ngổn ngang trăm mối an cư

Anh Tuấn làm nghề xây mộ nuôi vợ con. Từ ngày nghĩa trang có lệnh cấm chôn cất mới, anh dạt về tận nghĩa trang Đa Phước hành nghề. Vợ anh bị ung thư, bó gối ở nhà. Hai đứa nhỏ tuổi ăn tuổi lớn. Thu nhập từ nghề thợ xây không đủ cho con học hành, thuốc thang cho vợ.
“Nghe nói sau giải tỏa, dân được nhận vào làm trong khu thương mại. Mình lớn tuổi rồi, ai người ta nhận”-anh buồn rầu nói.

Hàng chục hộ dân khác cũng như anh, chưa biết sẽ đi đâu, làm gì sau giải tỏa. Chính quyền đoàn thể thì chẳng thấy hỏi han, thông báo gì. “Sống đây mấy chục năm rồi. Giải tỏa thì đành chịu. Nhưng người ta nói mà không thấy làm. Cứ sống treo như vầy khổ lắm”-anh bức xúc.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lý (71 tuổi) thì có đến 4 thế hệ, hơn 20 người sống trong 4 căn nhà tạm bợ giữa lòng nghĩa trang. Vợ chồng bà về đây từ sau giải phóng. Có một mẫu đất bà bán dần cho những người xây mộ, còn lại bà cất nhà cho con cháu ở. Bà có bốn người con trước đều làm nghề chăm mộ, bán nhang hoặc trùng tu mộ, cuộc sống đầy đủ. 
Từ ngày quy hoạch, chỉ còn lại hai người bám trụ. Một người đi làm mướn, một dắt vợ con bỏ đi nơi khác thuê phòng trọ bán cà phê kiếm sống.
Bà kể, trước đây, đại gia đình bà sống đầy đủ, thậm chí là dư dả nhờ cho thuê chỗ chôn cất và chăm mộ. Bà còn nhớ rõ sau ngày giải phóng, giá thuê đất đặt người nằm xuống, tính luôn cả đào huyệt chôn cất trọn gói khoảng 11 ngàn đồng. Việc cho thuê đất thường do trại hòm đưa mối, chủ đất chẳng còn lại được bao nhiêu.
Nghia trang Binh Hung Hoa: Nguoi song buon tham, nguoi chet bi... treo
Bà Lý bó gối chờ chính quyền thông báo thời điểm giải tỏa 
Sau này, nhu cầu chôn cất tăng cao, người dân tự liên hệ, thỏa thuận giá. Mỗi ngôi mộ phải trả từ vài triệu rồi tăng lên hơn 10 triệu đồng. Chưa kể tiền chăm sóc hàng năm. Nhà bà Lý trông coi hàng trăm ngôi mộ. Sau quy hoạch thì thân nhân ít tìm đến, cuộc sống trở nên khó khăn.
“Mấy năm trước chính quyền họp dân thông báo di dời rồi im hơi lặng tiếng cho đến giờ chẳng thấy ai đoái hoài”-bà kể. Do sống trong vùng quy hoạch nên nhà cửa có hư hỏng cũng không dám sửa, người thì sống tạm không dám nghĩ cái gì lâu dài.
“Mình già rồi, sao cũng được. Chỉ tội sắp nhỏ mai mốt không biết làm ăn, học hành ra sao”-bà Lý ngậm ngùi nói.

 Chôn... lén

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vì tiến độ giải phóng nghĩa trang rất chậm, nên dù đã có lệnh cấm chôn cất nhưng rất nhiều hộ dân bên trong vẫn lét lút cho thuê đất chôn cất người chết. Việc mai táng được tiến hành lặng lẽ. Vì chôn “chui” nên giá thuê đất cũng được thổi lên cao gấp đôi gấp ba bình thường, vào khoảng 30 triệu đồng/mộ. 
Ông B, một người sống bên rìa nghĩa trang Bình Hưng Hòa cho biết việc mai táng lén lút vẫn diễn ra hàng ngày.
Thường là vì chủ đất và người thuê đã có thỏa thuận trước đây. Hầu hết người chôn cất cũng bức bách vì không tìm được nơi an táng. “Họ tự thỏa thuận với nhau thời gian chôn cất khoảng 2-3 năm rồi đến bốc cốt”-ông Đ. cho biết. 
Do chính quyền đã lập hồ sơ hiện trạng, thống kê những ngôi mộ cần di dời nên mộ chôn mới sẽ không được bồi hoàn, hỗ trợ. Tuy nhiên, đó không phải là mục đích chính của người chôn cất mà xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Có nhiều nguyên nhân khiến quy hoạch di dời Bình Hưng Hòa chậm trễ. Quy hoạch “treo” khiến nghĩa trang lớn nhất thành phố mộ chí loang lổ đìu hiu, người sống “mắc kẹt” ngổn ngang thân phận. 
Nói như lời bà Nguyễn Thị Lý, hơn 40 năm từ thuở ông bà đến đây khai hoang làm rẫy, cỏ lau rắn độc đầy rẫy. Rồi đến khi phố xá thành hình, cửa nhà san sát, cuộc sống nghĩa trang chưa bao giờ buồn thảm và day dứt như lúc này.

Kiến Giang

Người chết cũng... treo

Theo UBND Q.Bình Tân (TP.HCM), hiện đang có đến 9.295/16.479 hồ sơ đăng ký bốc mộ và khoảng 2.824 thân nhân tự nguyện bốc mộ ra khỏi nghĩa trang Bình Hưng Hòa nhưng quận chưa thể giải quyết được vì thiếu kinh phí. Quận đã ban hành phương án hỗ trợ, bồi thường, di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa giai đoạn một rộng 12ha. 
Theo đó, mộ xây kiên cố được đền bù 8  triệu đồng/mộ; mộ bán kiên cố 6 triệu đồng/mộ; mộ xây thường 4 triệu đồng/mộ; mộ đất 3 triệu đồng/mộ. UBND TP.HCM cũng quyết định hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/mộ cho thân nhân đến bốc mộ. 
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Mười - Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, để thực hiện giai đoạn một, quận cần ít nhất 784 tỉ đồng nhưng đến nay mới được bố trí 30 tỉ đồng nên ảnh hưởng đến tiến độ.

Một Thế Giới