Lay lắt những phận đời trong nghĩa trang lớn nhất thành phố
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:00, 13/08/2014
Bình Hưng Hòa là nghĩa trang lớn nhất TP.HCM, nằm trải dài trên địa bàn hai phường thuộc quận Bình Tân và Tân Phú. Hàng ngàn ngôi mộ chi chít, xen kẽ với hàng trăm hộ dân sống bên trong. Chủ trương di dời toàn bộ nghĩa trang có từ năm 2008 và dự tính dứt điểm vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn im lìm nguyên trạng. Ở nơi người sống bủa vây người chết, hàng trăm hộ gia đình lay lắt trong cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Bình Hưng Hòa trước đây là một vùng hoang vu ngập lau sậy. Quá trình đô thị hóa chóng mặt khiến nghĩa trang hoang vu ngày trước giờ đây nằm lọt thỏm giữa những khu dân cư đông đúc. Có thể nói, đó là cái nghĩa trang “nhộn nhịp” hiếm có. Người vào kẻ ra tấp nập, ăn ở sinh hoạt, vui chơi giải trí ngay cạnh mồ mả.
“Hết sống nhờ mộ nổi rồi”
Trưa Sài Gòn đổ lửa, ông Nguyễn Văn Bạch, 81 tuổi, lụi cụi bên những ngôi mộ ố màu. Bàn tay gân guốc thoăn thoắt trị cỏ, cạo rêu bám trên những tấm bia lâu ngày. Ông Bạch gầy gò khẳng khiu, gương mặt khắc khổ, hàm răng rụng gần hết chỉ còn mấy chiếc móm mém.
Ông cho biết đã hơn 60 năm sống bằng nghề chăm mộ ở nghĩa trang. Vợ ông, kém hơn ông 2 tuổi, cũng chừng ấy năm chung nghề.
Ông Bạch kể: Vợ chồng ông quê ở Ba Tri (Bến Tre) lên nghĩa trang Bình Hưng Hòa sau ngày giải phóng làm nghề chăm mộ cho đến nay. Từ lúc sơ khởi, đã có hàng chục người làm nghề này, sau tăng lên thành hàng trăm người. Chăm mộ có hai dạng, một là chủ đất cho gia đình người mất thuê đất chôn cất. Ngoài khoản tiền trả cho phần đất đặt mộ, còn phải trả tiền chăm mộ hàng tháng, mỗi ngôi mộ từ 100 ngàn đồng trở lên, tùy gia cảnh của người nằm xuống.
Ông Bạch và vợ thuộc diện “vãng lai”, tức là chăm những ngôi mộ bên ngoài các khu đất có chủ. Mỗi ngôi mộ chăm sóc, ông được trả 30 ngàn đồng/tháng. Trước đây, ông Bạch được nhờ cậy chăm sóc gần 100 ngôi mộ. Thu nhập khá ổn, cộng với tiền “lại quả” mỗi dịp lễ tết, ông bà xoay xở cũng đủ sống.
“Mấy chục năm chăm mộ. Chưa bao giờ thấy bạc bẽo như lúc này”- ông Bạch ngao ngán kể: Từ lúc có quy hoạch di dời nghĩa trang. Số mộ ông được nhờ trông coi giảm đi quá nửa. Thu nhập trở nên còm cõi, cuộc sống lay lắt hơn. Ông bà thuê phòng trọ cạnh nghĩa trang, mỗi tháng mất 300 ngàn đồng. Tiền chăm mộ chẳng được bao nhiêu, ăn uống tằn tiện cũng không đủ.
“May nhờ bà con thương tình cho ký gạo mớ rau sống qua ngày. Không chẳng biết làm cách nào nữa”-ông ngậm ngùi.
Người chăm mộ bó gối vì mất nghề mưu sinh
Lay lắt mưu sinh
Dẫn tôi đi dọc từng ngôi mộ, ông Bạch nhớ rõ tên từng người nằm xuống. Ông kể: Từ khi có quy hoạch, thân nhân các ngôi mộ ít lên thăm viếng. Có người mấy năm không thấy nhang khói gì. Dù không được trả tiền nhưng ông bà vẫn thay nhau tỉa cỏ, vệ sinh đầy đủ. “Nghĩa tử là nghĩa tận. Mình không làm, để họ hoang lạnh đìu hiu tội lắm”-ông nói.
“Công việc” chăm mộ cũng là niềm vui của ông bà. Hai người coi người nằm xuống như những người bạn. Tuổi gần đất xa trời. Ông bà cũng chưa biết sẽ sống thế nào khi nghĩa trang giải tỏa. “Già rồi. Không biết đi đâu nữa. Sống đây mấy chục năm quen rồi. Khi nào giải tỏa rồi mới tính. Lúc đó biết mình còn sống hay không mà buồn”-ông nói rồi cười hiu hắt.
Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thu, một người chăm mộ khác thẫn thờ dưới gốc cây bồ đề bên trong nghĩa trang. Chị Thu “hành nghề” cũng đã hơn chục năm nay. Cả nhà chị 4 miệng ăn, hai đứa con đi học trông nhờ cả vào nghề chăm mộ của hai vợ chồng. Từ ngày đóng cửa nghĩa trang, người ta không còn để ý chăm bẵm nhiều đến các mộ phần nên những người làm nghề như gia đình chị bị giảm bớt công việc, thu nhập bị ảnh hưởng trầm trọng.
“Mấy chục năm ở đây quen nghề rồi. Không biết nhà chị mai mốt sống thế nào nữa. Chỉ tội mấy đứa nhỏ ăn học dở dang”-chị nói.
Chị cho biết thêm, đội quân chăm mộ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa, lúc thịnh hành, có hơn 100 người làm không hết việc. Chăm mộ là một nghề tử tế, vì thân nhân người nằm xuống ở xa không có điều kiện trông nom nên mới nhờ cậy. Đến nay, người hành nghề chăm mộ giảm đi quá nửa. Người mạnh khỏe đã bỏ nghề tứ tán làm thuê kiếm sống. Chỉ còn lại người già, phụ nữ ốm yếu bám trụ nghĩa trang kiếm miếng ăn qua ngày.
Kiến Giang
Một Thế Giới