"Xã không ép tiểu thương để lấy cho được danh nông thôn mới…"
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:03, 04/02/2015
Phá chợ cũ làm phố thương mại
Ông Đông nói, đây là công trình trọng điểm của địa phương, địa phương trăn trở lắm.
Chợ Đại Hiệp (cũ) có từ thời sau giải phóng, nằm bên đường tỉnh 609B. Tháng 1.2013, HĐND xã Đại Hiệp ra nghị quyết thống nhất thông qua quy hoạch tổng thể mặt bằng đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ Đại Hiệp.
Phối cảnh mặt bằng tổng thể khu thương mại dịch vụ chợ Đại Hiệp- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
Tháng 7.2013, sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam trình công văn lên tỉnh nói rằng ‘dự án đầu tư nâng cấp chợ Đại Hiệp thành khu thương mại dịch vụ chợ Đại Hiệp nhằm góp phần đạt tiêu chí về chợ nông thôn mới…’.
Tháng 12.2013, tỉnh Quảng Nam cho chủ trương thu hồi đất.
Khu thương mại dịch vụ chợ Đại Hiệp do công ty TNHH Đại Phúc Gia (trụ sở ở TP.HCM) đầu tư với tổng mức khoảng 50 tỉ đồng có quy mô quy hoạch hơn 6.600 m2.
Ông Nguyễn Văn Đông, phó chủ tịch UBND xã Đại Hiệp- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
Chợ mới Đại Hiệp được chính quyền quy hoạch vào sâu bên trong khu dân cư do tư nhân xây. Chợ cũ đang được đập phá cũng để cho công ty Đại Phúc Gia làm phố thương mại.
Chợ mới được xây dựng đến nay chỉ mới hoàn thành cơ bản nhưng cách gì đó các tiểu thương đã vào đây buôn bán. Ông Đông nói tiểu thương chợ cũ đã vào 100%.
Chợ mới chỉ mới cơ bản hoàn thành, còn nhiều hạng mục đang dở dang. Nhiều ngày, ông Đông có mặt tại đây chỉ đạo công việc- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
Hiện tại, chợ cũ đã bị đập phá. Dự án rục rịch từ năm 2013 nhưng chỉ mới sang tháng 1.2015, đoàn liên ngành của huyện Đại Lộc mới được thành lập để kiểm tra tình trạng chợ cũ và có báo cáo ngay rằng chất lượng công trình không đảm bảo cần phải đình chỉ hoạt động và chuyển tiểu thương đi nơi khác.
Trong lúc đó, nhiều tháng nay, tiểu thương chợ Đại Hiệp mà đại diện là bà Nguyễn Minh Tân đã có đơn khiếu nại lên các cấp từ địa phương đến trung ương xung quanh vấn đề chợ Đại Hiệp.
Trụ sở tiếp công dân của trung ương đảng và nhà nước, ban tiếp công dân trung ương của thanh tra chính phủ đã nhiều lần tiếp nhận đơn của tiểu thương chợ Đại Hiệp với nội dung đề nghị chính quyền địa phương quan tâm xem xét, giải quyết cho các hộ tiểu thương được tiếp tục kinh doanh buôn bán và có phương án phù hợp để nâng cấp, cải tạo chợ Đại Hiệp cũ, đồng thời đề nghị dừng việc di dời chợ Đại Hiệp cũ tạo điều kiện cho các hộ tiểu thương được kinh doanh buôn bán trong thời gian chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2015 để đảm bảo đời sống kinh tế ổn định cho các hộ gia đình.
Những cơ quan này đã nhiều lần có công văn gửi về các đơn vị, ngành liên quan ở Quảng Nam giải quyết.
Đến sáng 31.1 mới đây, bà Nguyễn Minh Tân đã tự thiêu tại khu vực chợ cũ Đại Hiệp. Bà Tân sau đó được đưa vào bệnh viện quân y C17 ở Đà Nẵng. Hiện công an đang điều tra nguyên do.
Không vì chạy theo nông thôn mới?
Tại vị trí chợ Đại Hiệp mới, những người dân sống lâu năm than phiền, chợ chỉ mới đưa vào 2 ngày mà ô nhiễm, hôi tanh mùi cá.
Chợ mới được xây sát rạt nhà dân, chỉ mới vào hoạt động nhưng người dân đã phản ánh là rất hôi thối- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
Bà Lê Thị Năm, một người dân ở phía sau chợ mới cho biết: “Với ý kiến người dân thì tôi không đồng ý việc xây chợ này. Tôi có ý kiến từ đầu rằng họ xây cái nhà vệ sinh chợ nằm cách giếng nước của tôi 6m, tôi lên tỉnh theo tiểu thương kiến nghị nhưng đến nay vẫn như vậy. Mà cái chợ xây dựng ở đây thì coi như cả đời”.
Theo quan sát của chúng tôi, chợ mới vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hôm chúng tôi xuống thì chợ mới đưa vào hoạt động 2 ngày, phía chủ đầu tư đang cho đào hố dựng đèn chiếu sáng, nhà vệ sinh không mở. Cả chợ bốc lên mùi hôi tanh cá.
Người dân phải che hố xả nước ở dưới nền chợ- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
Ông Nguyễn Văn Đông cho biết: “Việc ô nhiễm hay không đã có quyết định đánh giá tác động môi trường. Chúng tôi sẽ từng bước khắc phục hệ thống cống rãnh, cho thu gom rác thải. Hiện, chỉ có bể xử lý ở trong sân chợ. Về nhà vệ sinh, quy hoạch làm 6 xí nhưng giờ chỉ có 2 xí để dùng tạm thời, chúng tôi sẽ xử lý thêm sau”.
Ở mặt tiền đường, phía trước chợ cũ, có khoảng 8 ki ốt của người dân thuê lâu nay, dù còn vài năm nữa mới hết hợp đồng nhưng đang phải lựa chọn phương án đi hay ở.
Ông Nguyễn Văn Vinh, một tiểu thương có ki-ot trước chợ Đại Hiệp cho hay: “Tôi còn hợp đồng 4 năm nữa, còn mẹ già đau một chỗ, đây là chỗ chúng tôi buôn bán xưa nay, giờ bảo chúng tôi đi thì biết đi đâu, trong lúc hợp đồng thuê ki-ot với xã còn hiệu lực, đã thuê cách đây 20 năm rồi”.
Một trong những hợp đồng thuê ki-ot còn hiệu lực vài năm nữa- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
“Chuyện gì cũng phải thỏa đáng. Chủ trương nhà nước thì chúng tôi không phản đối, nhưng cái gì cũng phải thông báo sớm cho chúng tôi. Không phải cái gì cũng đùng đùng làm. Không phải muốn làm nông thôn mới thì đập cái chợ rồi xách cái siêu thị bỏ đó là xong được”, ông Vinh, nói.
Trao đổi với chúng tôi, phó chủ tịch xã Đại Hiệp phân trần, không có chuyện vì muốn đạt thành tích nông thôn mới mà xã nôn nóng đập bỏ chợ, ép tiểu thương. Xã thông báo đưa tiểu thương vào chợ mới từ tháng 8.2014, nếu có phản đối thì cũng chỉ là một bộ phận tiểu thương thôi.
Chợ cũ gần đường bị đập phá, chợ mới được quy hoạch xây lọt thỏm sâu vào trong khu dân cư để nhường cho dự án- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
“Tương lai Đại Hiệp sẽ thành thị tứ, sẽ có khu công nghiệp, nên làm trung tâm thương mại sẽ đáp ứng nhu cầu rất cao”, ông Đông kể.