Tâm sự đắng chát khi đánh cược tính mạng với hà bá
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:42, 13/08/2015
Người lái đò… muốn thất nghiệp
Xã Đức Liên (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) có tất cả 6 xóm thì có 2 xóm Liên Châu và Liên Hòa với khoảng 260 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu bị con sông Ngàn Sâu chia cắt.
Đã hàng chục năm trôi qua, nếu muốn giao lưu với bên ngoài, người dân chỉ còn cách "đánh cược" tính mạng trên những chuyến đò.
260 hộ dân ở 2 xóm Liên Hòa và Liên Châu của xã Đức Liên bị con sông Ngàn Sâu chia cắt. |
12 giờ trưa, trời nắng như đổ lửa, không gian tĩnh lặng bị phá tan bởi tiếng í ới gọi đò của người dân. Lúc này, bên kia sông, người đàn ông mới chèo con khá cũ nát vượt dòng nước chảy xiết đón khách.
Người dân muốn giao lưu bên ngoài thì phải liều mình trên những chuyến đò cũ nát. |
"Tôi thương người dân nơi đây một thì lại thương các cháu học sinh mười. Để theo đuổi con chữ, hằng ngày hơn 150 học sinh (từ mầm non tới THPT) phải liều mình đi đò qua sông", ông Ý chia sẻ.
Theo ông Ý, để kịp giờ tới trường, khi mọi người đang ngon giấc thì các cháu phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để qua đò. Khoảng cách hai bờ sông chỉ hơn 200m nhưng có hôm gió to, đò lắc lư, mất hơn 30 phút mới sang tới nơi.
“Chỉ mong có cây cầu cho dân qua lại. Khi ấy mình sẽ...thất nghiệp nhưng vẫn vui, bởi đời con cháu không phải khổ như cha mẹ nó. Cũng từng có nhiều đoàn về tìm hiểu, đo đạc bảo xây cầu nhưng rồi cũng "bặt vô âm tín”, ông Ý buồn bã.
Ông Nguyễn Văn Ý người chèo đò 50 năm muốn mình bị thất nghiệp |
Cầm hộp sữa trên tay nhưng khuôn mặt của em Võ Bá Quốc Đạt (lớp 6) khá lo lắng. Bắt chuyện, Đạt mới lí nhí "em sợ bị muộn học ạ".
Khoảng cách từ nhà Đạt (thôn Liên Hòa) nơi học chỉ hơn một cây số, 14 giờ vào học mà 12 giờ em đã xuống đò.
“Mấy lần trước qua đò, em không may bị ngã xuống sông. May có các bạn cứu giúp nhưng sách vở, quần áo ướt sũng, xe đạp bị trôi”, Đạt kể.
Bà Phạm Thị Liên đùa rằng chắc phải có thêm người chết, mới được xây dựng cầu qua sông Ngàn Sâu. |
Trên cùng chuyến đò, bà Phạm Thị Liên (Hưng Nguyên, Nghệ An) - người đã 26 năm nay vượt sông Ngàn Sâu đưa thực phẩm vào bán cho người dân Liên Hòa, Liên Châu tâm sự đắng lòng: Những nơi khác, có người chết đuối mới xây được cầu. Ở đây cũng nhiều người chết đuối mà chẳng thấy có cầu...
Đang học, xin về sớm để... kịp chuyến đò
Ông Lê Quốc Châu, giáo viên trường THPT Cù Huy Cận (huyện Vũ Quang) cho biết, về mùa mưa lũ, học sinh đang học trên lớp phải xin về sớm để kịp đò, chứ nước sông dâng cao, không về được.
"Có lúc hơn nửa lớp xin về, giáo viên phải đồng ý, chứ lỡ có chuyện gì, lại tội các em. Cũng vì mưa lũ, học sinh phải nghỉ học cả tuần, thầy cô phải bố trí dạy thêm", ông Châu nói.
Võ Bá Quốc Đạt (lớp 6) đã nhiều lần bị rơi xuống sông lúc đi đò để tới tới trường. |
Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đức Liên cho hay vào mùa mưa lũ, chính quyền phải cấm đò hoạt động, cũng vì thế, 260 hộ dân cùng các em học sinh bị cô lập, mọi hoạt động ngưng trệ nên cuộc sống gặp vô vàn khó khăn.
Không những vậy, phần lớn đất canh tác của người dân các xóm khác cũng nằm bên kia sông Ngàn Sâu (180 ha lúa, 80 ha hoa màu và 900 ha đất lâm nghiệp), khi thu hoạch, người dân phải chuẩn bị xe cho trâu kéo rồi chất nông sản lên băng qua sông, rất nguy hiểm.
“Cách đây mấy chục năm tại bến đò này xảy ra một vụ lật đò chết 40 người. Năm 2011, ba cán bộ công an cũng chết đuối tại đây”, ông Hùng chia sẻ.
“Đợt trước, có đoàn về khảo sát để làm cầu treo theo đề án của Bộ GTVT nhưng xã Đức Liên không đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do khoảng cách hai bên là 219m, trong khi cầu treo dân sinh chỉ 200m trở xuống”, ông Hùng thông tin thêm.
Nói về việc xây dựng cầu trong Đề án 186 cầu treo dân sinh của Bộ GTVT, một lãnh đạo của huyện miền núi Hà Tĩnh chia sẻ, không lẽ cứ phải là cầu treo, trong khi địa hình bằng phẳng chỉ cần làm chiếc cầu bê tông hoặc đập tràn là người dân an toàn đi qua.