Nghề bán báo dạo ngày càng teo tóp

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:23, 21/06/2014

10 năm nay, hàng trăm chị em phụ nữ nghèo của một xã rủ nhau cùng vào thành phố Đà Nẵng để lập nghiệp với nghề bán báo dạo. Đi sớm về muộn là chuyện như cơm bữa của nghề này nhưng thu nhập khá bọt bèo.

Qua thời gian, nghề này dần mai một, phần vì thu nhập, phần vì quá cực nhọc. Nhưng vẫn còn một số người theo nghề.

Khi tiếp xúc với những người bán báo dạo, chúng tôi được biết tất cả họ đều cùng ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Chị Văn Thị Thảo (58 tuổi), cho biết: “Tui cùng với nhiều chị em khác vào đây lập nghiệp bằng nghề bán báo sớm nhất Đà Nẵng. Tính ra tuổi nghề đã tròn 10 năm. 10 năm qua biết bao người vào nghề rồi cũng sớm bỏ, bởi thu nhập ngày càng giảm sút”.

Nhiều người cho biết, từ 1-2 giờ sáng mỗi ngày họ đã dậy để kịp đến nhà in nhận báo về chuẩn bị công việc lồng ghép báo thành những tờ báo hoàn chỉnh. Sau đó  kiểm kê, phân phát đến những sạp báo cố định, còn lại là nhận đi bán dạo. Họ đi bán cả ngày đến tầm 5 giờ chiều, thậm chí 7 giờ tối mới về.
Nghe ban bao dao ngay cang teo top Từ 2 giờ sáng trên các góc phố Đà Nẵng đã có những tốp người lom khom cần mẫn sắp xếp báo

Có dịp theo chân họ một ngày chúng ta mới thấu hiểu hết nỗi khó nhọc trong nghề và hiểu hết lý do vì sao nhiều người phải bỏ nghề. Trung bình mỗi người chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng/ngày.

Để có thêm tiền gửi về quê nuôi con ăn học, các chị, các mẹ phải tranh thủ bán thêm vé số, tối về đi nhặt ve chai, bán bắp dạo….

So với trước, nghề bán báo dạo ngày càng khó khăn. Số lượng người bán vì thế cũng giảm sút đáng kể. Nếu như trước đây, số lượng người bán báo dạo lên đến cả trăm người thì nay chỉ còn còn đếm trên đầu ngon tay.
Nghe ban bao dao ngay cang teo top
 Họ làm việc thầm lặng giữa đêm khuya thanh vắng bên những ánh đèn hiu hắt

Chị Hoàng Thị Hà (32 tuổi) cho biết, xưa đông lắm, cả xã gần 100 người vào bán, nay chỉ còn có tầm 12 người bán mà thôi, nhưng đa số họ làm thêm sau những ngày vụ nông nhàn chứ không phải “chuyên nghiệp” như trước.

Tuy vậy, vẫn có nhiều người quyết bám giữ nghề. “Nghề này từng nuôi các con tôi ăn học, nguồn sống cả nhà, giờ nghỉ cũng được nhưng nghỉ rồi lấy gì mà sống” –một người bán báo dạo Đà Nẵng trên 10 năm chia sẻ như vậy.

Sự thật, nghề này đã từng đem đến cơ hội đổi đời cho nhiều chị em và nuôi các con ăn học trưởng thành. Đơn cử như trường hợp cô Trần Thị Sở (52 tuổi) là tốp người xã Quảng Phú đầu tiền vào đây lập nghiệp bằng nghề bán báo dạo.
Nghề này đã giúp cô nuôi 4 đứa con ăn học, riêng năm nay có đứa đang thi vào đại học với bao kỳ vọng. Còn chồng cô cũng là ngư dân đi biển nhưng do sức khỏe yếu nên không có đi thường xuyên, thành ra mình cô gánh vác gánh nặng cho cả gia đình.
Cùng với cô Sở còn nhiều chị em khác như chị Hà, cô Thảo, chị Thu,… cùng từng chọn cái nghề này làm nguồn sống nuôi cả nhà.
Nghe ban bao dao ngay cang teo top
Trên những chiếc xe đạp cọc cạch, báo đến với mọi người

Quả thật, nếu như không có những người bán báo dạo thức khuya dậy sớm thì những tờ báo khó mà kịp thời đến tay bạn đọc một cách sớm nhất. Họ là những “chiếc cầu” nối báo chí với bạn đọc.

Bài: Dương Văn - Ảnh: Ngao Du

Một Thế Giới