Cụ bà 60 năm cưu mang mèo, chó bị bỏ rơi
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:30, 05/06/2014
Gần 80 tuổi, cụ bà Lê Thị Quý sống neo đơn trong căn nhà xập xệ trên đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cả đời nhặt nhạnh những chú chó mèo mồ côi, bệnh tật bị bỏ rơi mang về nuôi nấng.
Cuộc sống riêng rất cơ cực nhưng chưa bao giờ bà để “những đứa con” của mình đói ăn hoặc thiếu bàn tay chăm sóc.
Bà Quý bán tạp hóa ở chợ Đa Kao. Tiếng là “sạp” nhưng vỏn vẹn vài chai nước mắm, vài hũ chao lâu ngày chưa bán được. “Ngày nào may mắn thì được vài chục ngàn. Bữa nào xui thì ít hơn. Được bao nhiêu thì dì mừng bấy nhiêu”-bà nói.
Người mẹ cô đơn sống với "đàn con" chó mèo hoang
Giữa trưa, bà lụi cụi đẩy xe từ chợ về nhà cách đó hơn cây số. Dọc đường, bà buông chiếc xe, ngồi xuống vỉa hè nghỉ mệt. Mỗi lần lên xuống dốc, hơi thở bà gần như đứt quãng. Bệnh tim kinh niên khiến bà đi lại rất khó khăn. Ngoài việc đi chợ mỗi ngày, hàng tháng bà còn phải đẩy xe qua chợ Bà Chiểu để lấy hàng.
Dẫn chúng tôi đến một căn nhà nhỏ xập xệ sâu hút bên trong con hẻm trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1. Sau cánh cổng hoen rỉ, một đàn chó mèo lúc nhúc chạy ra quấn lấy chân bà.
“Tội nghiệp mấy đứa nhỏ. Chắc chúng đói lắm rồi”- bà Quý vừa nói vừa lấy tứng bịch cơm, đầu tôm và thức ăn dàn đều từ ngoài vào trong. Bà vuốt ve từng con vật nhỏ bé rồi cười hiền.
Hàng ngày, bà cụ 80 tuổi phải đi bộ vài cây số từ chợ đến nhà
Từ trên gác đến tầng trệt, bầy mèo hơn 50 con nhảy nhót, kêu reo réo. Căn nhà ẩm thấp sực nức mùi ngổn ngang chai lọ giấy báo. Vật quý nhất chỉ có cây quạt điện lâu ngày ố bẩn, khọt khẹt và một chiếc ghế bố bà Quý dùng để ngủ.
Bà Quý cho biết: Hàng ngày bà phải thức dậy từ 5 giờ sáng để dọn dẹp và cho chó mèo ăn rồi đi chợ. Đến giữa trưa bà lại về nhà, lại dọn dẹp cho đến tối. Công việc với “đàn con” bận bịu tới mức phải đến giữa đêm mới được ngủ.
“Bữa nào có đứa bệnh là phải thức cả đêm. Nhà tràn ngập mèo chó nên chỉ kê cái ghế bố làm chỗ đặt lưng. Mỗi lần nằm xuống, “lũ con” lại líu nhíu bên cạnh. Mấy chục năm rồi thấy quen”- bà kể.
Bà Quý quê gốc Hà Nội, năm 17 tuổi bà theo chồng vào TP.HCM sinh sống. Đến năm 18 tuổi thì hạ sinh một người con gái. Nhưng hạnh phúc không được bao lâu, vợ chồng bà ly hôn. Bà phải ở nhờ nhà ông cậu, đi buôn rau, rồi buôn nước mắm. Người con gái theo chồng định cư ở Mỹ ít khi về. Bà con thân thích ở xa, mấy chục năm bà lủi một mình.
Cả đời vì chó mèo
Bà nói lần đầu tiên cứu giúp một con mèo hoang cũng cách đây đã tròm trèm sáu chục năm trời. Từ đó đến nay, hàng trăm chó mèo bị bỏ rơi đã được bà cưu mang.
Có lần bà đi ngang dòng kênh Thị Nghè thấy hai thằng bé vứt một bọc ni lông bên trong có 4 con mèo lỏe nghỏe. Những đứa trẻ khác chụp lấy một con vứt ra đường cho xe cán. Một con khác bị chúng vứt xuống dòng kênh không thể bơi được nên chìm nghỉm. Bà cố hết sức lao vào đám trẻ, vừa khóc vừa la hét, giành giật dữ lắm mới cứu được hai con còn lại mang về nuôi nấng.
Từ đó, hễ cứ mỗi lần nghe tiếng chó mèo hoang lạc kêu lên, bà không cầm lòng được. “Chó mèo cũng như con người. Không có nơi để về, chúng kêu khóc tội lắm”-bà ngậm ngùi.
Người ta lúc nuôi chó mèo thì vui vẻ tình cảm nhưng đến lúc chúng già đi hoặc nổi ghẻ họ lập tức vứt bỏ. Bà không từ chối bất kỳ con nào. Con nào bệnh tật một tay bà cứu chữa. Con nào ghẻ lở, bà mua thuốc về bôi lên hàng ngày. Nhẫn nại và yêu thương, “lũ con” của bà nhờ thế khỏe mạnh, vui vầy bên bà.
Mỗi con vật đều được bà đặt cho một tên riêng. Bà chẳng quên tên “đứa” nào. Kể cả hoàn cảnh của chúng. Chỉ vào chú chó đen đang sủa inh ỏi, bà bảo: “Nó là con Bi. Hồi về với dì nó nhỏ bằng nắm tay. Người ta vứt bên vệ đường. Dì thấy không cầm lòng đem về chăm sóc. Nghĩ nó không qua khỏi ai dè nó lớn đến ngần này”.
Rồi bà lần lượt vuốt từng con mèo lớn nhỏ, kể vanh vách hoàn cảnh của từng con, đằng này là cu Bin, đằng kia là Mi đen, Mi trắng, Mimi... Con mèo lớn tuổi nhất gắn bó với bà cũng đã gần hai chục năm trời nom vẫn rất mạnh khỏe, uyển chuyển và dẻo dai.
Bà kể tiếp: Hầu hết mèo bà mang về đều chưa mở mắt. Nhiều con không ăn uống gì được, bà phải mua núm vú, pha sữa cho từng đứa. Có lúc, bà phải hướng dẫn chúng bú nhờ con mèo lớn trong đàn đang mang thai. Lúc đầu, mèo mẹ không chịu cho con lạ bú. Nhưng bà kiên nhẫn dỗ dành chỉ bảo và nhờ ơn trời, chúng ghép lại thành những cặp mẹ con thật sự. Mèo con lớn lên khỏe mạnh khôi ngô.
Không nhiều người hiểu vì sao bà Quý lại yêu thương chó mèo đến vậy. Thậm chí nhiều người còn cho rằng bà “dở hơi”, rỗi việc. Bà bỏ ngoài tai tất cả. Bà kể, hồi trước bà nuôi chó nhiều hơn mèo. Mỗi lần đàn chó sủa, hàng xóm khó chịu có người chửi thẳng. Bây giờ, thỉnh thoảng lũ mèo chạy nhảy lung tung, cũng không ít người mắng vốn. Bà im lặng, cam chịu, không bao giờ cãi với ai một tiếng nào.
Thậm chí, nhân viên thu tiền rác than phiền nhà bà nhiều rác bẩn nên thu thêm tiền, bà cũng nhẹ nhàng chấp nhận.
Tình thương của bà Quý dành cho những con vật bất hạnh khiến bà trở nên “nổi tiếng” nơi khu phố bà ở. Dần dà, hễ ai nhặt được chó mèo bị bỏ rơi đều mang đến nhờ bà nuôi dưỡng. Cả những con xấu số bị vứt lại ở các nhà chùa, cũng được đưa đến bà.
Người dân trong khu phố mỗi ngày đều dành cơm dư để bà cho chó mèo ăn. Có cả một nhà hàng ngày nào cũng dành đầu tôm, cá thịt thừa chờ bà đến lấy.
Mỗi lần nhận thức ăn về, bà đều hâm nấu cẩn thận trước khi phân phát khẩu phần đều nhau cho “lũ con” của mình. Hàng ngày, bà đều thay giấy báo lót ổ cho mèo, dùng nước tẩy chùi nhà nhiều lần. “Mình già rồi sao cũng được. Bọn trẻ thì phải sạch sẽ tươm tất mới được”-bà lắng giọng.
Bà yêu thương, chăm sóc những chú mèo hoang như những đứa con tinh thần Nhờ sự giúp đỡ của những người chung quanh, khẩu phần ăn của bầy chó mèo mới đảm bảo. Bà liệt kê cho chúng tôi đủ thứ từ thức ăn đóng gói, cá tươi, gạo... cũng mất tròm trèm gần 100 ngàn đồng/ngày. Thu nhập còm cõi của bà từ việc buôn bán đổ dồn vào việc mua thức ăn, thuốc thang nhưng cũng không đủ.
Bạn đọc quan tâm giúp đỡ nhân vật trong bài có thể trực tiếp tìm đến hẻm 91 đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TP.HCM (hỏi nhà bà Quý) hoặc liên lạc với tác giả bài viết: 0974. 873.926
Việc nuôi nấng lũ chó mèo cực khổ vậy nhưng bà không bao giờ từ bỏ. Càng vất vả bao nhiêu, bà lại càng yêu chúng bấy nhiêu. Có người khuyên bà bán hoặc cho thuê căn nhà này lấy tiền an hưởng tuổi già nhưng bà không chịu.
“Dì tính rồi, chẳng còn sống được bao lâu nữa. Có chết dì cũng nằm đây, giữa chúng nó”-bà nói nhẹ tênh. Bà còn nở nụ cười mãn nguyện kể với chúng tôi rằng, bà đã tìm được người “kế nghiệp” rất xứng đáng. Người mà bà sẽ truyền lại sạp kinh doanh ở chợ và gửi gắm "bầy con" sau khi mình về bên kia thế giới.
>> Ông già 74 tuổi và “Nhật ký chết chóc” ở cầu Cần Thơ
>> Câu được thủy quái giống rồng dài 4,2 mét
>> Tuyên án 4 đối tượng lợi dụng tuần hành phản đối TQ để gây rối, trộm cắp
Trường Tiến
Một Thế Giới