Kỳ 2: Chuyến này bò non quá, bơm vô “banh” hết...
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:01, 25/11/2014
Theo chân các chuyến xe tải chở bò, phóng viên tiếp tục thâm nhập một lò mổ "bẩn" nơi hàng ngày xuất ra thị trường hàng tấn thịt bò bơm nước
Gần 23g, khi tôi quay vào phòng tiếp khách thì khu giết mổ đã đông nghẹt người. Có gần 60 người của lò mổ đeo tất dài, chân đi ủng, mặc áo thun màu xanh đọt chuối luôn tay chọc tách, lọc thịt. Phía trước sân, 14 xe tải đang xếp hàng đợi “ra bò”.
Từ cuối khu giết mổ, bò đã lột da được đẩy theo dây chuyền bánh lăn về phía trước. Ở bàn điều hành, nữ chủ lò tên Ngọc mặc áo đỏ ngồi ghi chép khi nhân viên cân thịt. Thỉnh thoảng, Phú chạy vào nói nhỏ vài câu rồi quay ra.
Qua 23g, vài lái bò chỉ tay về dãy móc thịt xì xào: “Chuyến này “non bò” quá, bơm vô banh hết trơn rồi”. Theo lời N., thường thì sau khi bơm nước, mỗi con bò tăng trọng từ 5-10kg. Tuy nhiên, muốn bơm “ngon lành” thì phải bơm nhiều cữ. Nếu bơm gấp quá, thịt bò bị trắng, rỉ nước nhiều, thớ thịt sẽ rời rạc, sẽ bị lò trừ tiền sau khi cân.
Hai thanh niên đi cùng Út, một người tên Quang, một người tên Thám, thỉnh thoảng lại chạy ra chỉ trỏ về phía móc thịt sau khi xả thành dây nhưng thịt bị “trắng”, phải đợi quạt cho bớt nước rỉ mới được thanh toán tiền. Khi đồng hồ chỉ qua ngày mới, có thêm bốn xe lạnh chở thịt bò đi vào “xếp tài”, nâng tổng số xe đợi hàng tại lò Vũ Ngọc lên 18 xe. Tất cả các xe đều mang biển kiểm soát của TP.HCM.
Bơm 3 cữ một ngày mới chuẩn!
H., một lái bò cho biết, dạo này ít lời hơn trước đây do chỉ bơm được hai cữ. Trước đây lái bò bơm khoảng 3 cữ rồi mới cho bò ra mổ. Theo lời H., bơm từ trưa đến khoảng 15g thì cho bò nghỉ, khoảng 19g bơm cữ thứ hai, khoảng 21g bơm cữ thứ ba. Bây giờ các lò mổ “ngắt” lại chỉ cho bơm 1 cữ trước khi mổ khoảng 1 giờ nên lái bò phải tranh thủ bơm dọc đường. “Bơm dọc đường cũng không thấm được mấy tại đi đường xóc ổ gà, nước ra hết. Chưa kể bò bị té lúc căng nước dễ chết lắm”, H. “phân tích”.
Để tránh “sự cố” này, các lái bò đợi gần đến lò mới dừng lại bơm nước. Địa điểm tập kết thường là các bãi rửa xe hoặc nhà dân có chuồng bò khuất so với đường, H. bơm nước cho bò từ khoảng 17g đến 18g rồi chở vào lò mổ. Mỗi lần “đi bò”, H. cho chủ quán 100.000-200.000 đồng gọi là “tiền nước”, tùy số lượng bò nhiều hay ít.
Hai giờ sáng, trong phòng tiếp khách của lò Vũ Ngọc, các lái bò sau khi thanh toán tiền tập trung lại ngồi đếm. Từng cọc tiền 500.000 đồng được tháo ra đưa vào máy đếm tiền. N. cho biết, chuyến này lời được 5 triệu đồng. Nhóm của Út lời được 4 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng bơm nước vào bò trước khi giết mộ hiện nay khiến giá thịt bò đầu mối tại một số địa phương, đặc biệt là TP.HCM nhảy múa loạn xạ. Với lò giết mổ nào tranh thủ bơm nước được, giá thịt bò bỏ mối sẽ rẻ hơn các lò khác từ 3.000-5.000 đồng/kg, kéo theo giá bò tại sạp giảm.
Hiện tượng này đánh trúng vào tâm lý tiêu dùng thích giá rẻ của đại đa số người dân. Tuy nhiên, phải thật kinh nghiệm mới phân biệt được bò bơm nước hay không nên gần như rủi ro về chất lượng sẽ bị các lò mổ “bẩn” và lái buôn đẩy về phía người tiêu dùng.
Theo Vinh Quốc
(Phụ nữ)
Để nhận biết thịt bò (và tương tự là thịt lợn) có bơm nước hay không, người tiêu dùng có thể nhận biết tương đối bằng thị giác và xúc giác.
Chủ một quầy thịt bò cho biết, thịt bò không bị bơm nước có màu đỏ đặc trưng, khác với thịt bò rởm có màu tái nhạt.
Ông Trần Tới, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Đà cho biết, thịt bò không bị bơm nước thì ngoài màu đỏ tươi, khi dùng tay nhấn vào miếng thịt sẽ có sự đàn hồi, khác hoàn toàn với thịt bị bơm nước. Tuy nhiên, cách nhận biết này chỉ mang tính tương đối, vì các chủ lò có thể bơm nước trước khi giết mổ từ 6 đến 8 tiếng, hay giết thịt ngay sau khi bơm nước.
Thịt bò không bị bơm nước tăng trọng có mầu đỏ đặc trưng, khô ráo. Ảnh: Nguyễn Đông.
“Thịt bò bị giết ngay sau khi bơm nước tăng trọng sẽ dễ nhận biết hơn, còn những thịt bơm nước lâu thì dùng tay nhấn sẽ ra nước ít. Và nếu người mua không tinh mắt thì vẫn bị lừa. Cách tốt nhất là nên chọn mua thịt bò tươi, khô, màu sắc tự nhiên. Và cũng không nên tham rẻ khi lựa chọn loại thực phẩm này”, ông Tới nói thêm.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc gia cầm cũng nhấn mạnh, rất khó để phân biệt thịt lợn, trâu, bò bị bơm nước bằng mắt thường. Bản thân trong thịt cũng chứa một tỷ lệ nước nhất định, việc bơm nước vào chỉ làm gia tăng lượng nước, không nhận thấy rõ sự biến chuyển trong miếng thịt, cũng giống như việc chúng ta tiêm nước cất vào các cơ. Nếu không bắt quả tang thì chỉ còn cách mang miếng thịt đi xét nghiệm mới kết luận được, có bị bơm nước hay không.
Bạch Dương (mecon.vn)
Một Thế Giới