Nước mắt xóm thúng bơi
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:02, 03/10/2014
Vợ nhìn chồng chết
Chuyến đánh cá vào chiều ngày 26.9.2014, là định mệnh chia cắt vợ chồng chị Nguyễn Thị Hảo và anh Huỳnh Tấn Thảo (42 tuổi, trú thôn Sơn Trà) mãi mãi.
Em Huỳnh Tuấn Quang giờ phải vừa chăm sóc mẹ vừa lo cho các em. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Trong căn nhà chật chội chen chúc ở cạnh cửa biển Sa Cần, chị Hảo đang nằm điều trị vết thương sâu. Ngoài ban thờ, người mẹ già thơ thẩn nhìn di ảnh đứa con trai. Đàn con bơ vơ mất ba ngơ ngác.
Nước mắt lưng tròng, chị Hảo thều thào kể lại: “Hôm đó tôi với ảnh ra biển đánh bắt cá như mọi khi. Nhà nghèo nên chúng tôi chỉ đủ tiền mua thúng máy làm kế sinh nhai. Thúng ra được chừng 2 hải lý thì bất ngờ ga máy phát nổ, ảnh ngồi cạnh máy nên bị trúng mà chết. Tui bị nổ hất xuống nước, may có mấy người trên bờ thấy vậy bơi ra cứu rồi đưa đi cấp cứu”.
Sơn Trà là thôn có nhiều người dân làm nghề đánh bắt hải sản nhất trong xã Bình Đông. Trong đó, phần lớn người dân có hoàn cảnh khó khăn nên phương tiện duy nhất mà họ sắm sửa được là thuyền thúng.
Thuyền thúng là cách mưu sinh cuối cùng của các cặp vợ chồng nghèo ở Sơn Trà. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Để cải tiến sức bơi thay cho tay chèo, người ta chế ra cánh quạt và máy nổ cỡ nhỏ gắn vào thuyền thúng để bơi ra xa bờ hơn, khác với thuyền thúng bình thường chỉ bơi bằng mái chèo.
Với gia đình chị Hảo, đóng được chiếc thúng máy là cả gia sản để mưu sinh. Tai nạn xảy ra khi chiếc máy phát nổ, cướp đi sinh mạng người chồng, bản thân chị Hảo cũng bị thương nặng, chiếc thúng máy bị tan tành và chìm xuống biển.
“Nhìn ảnh chết trước mắt mình mà tui đau đớn quá chú ơi! Sao không cho tui chết đi cho rồi, chồng ơi!”, người đàn bà tội nghiệp quặn thắt lòng khi nghĩ về cái chết tức tưởi của chồng.
Xóm thúng chài mang nhiều nỗi đau. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Giờ đây, chị Hảo đang phải chữa trị với thương tật không biết lúc nào qua khỏi. Vết thương lòng thì đã mãi khoét sâu. Ba đứa con chị, nay đã mồ côi cha.
Em Huỳnh Tuấn Quang, con trai đầu chị Hảo buồn kể: “Em nghỉ học từ lâu đi bạn thuyền ngoài Đà Nẵng kiếm ăn. Hai em vẫn đang đi học. Trước nay ba má kiếm tiền trang trải cho hai đứa đến trường, nay chắc không làm đủ nữa, chắc chúng phải nghỉ học thôi”.
Khắp bãi cạn, cửa sông, chợ hàng… ai cũng thương cảm khi nghe tin vụ tai nạn và gia cảnh chị Hảo. “Tụi tui phải làm cái nghề này mà kiếm ăn nên không biết nay mai nguy hiểm nó đến lúc mô cả. Số phận nó bắt nghèo và bắt phải chịu. Nhà bà Hảo cũng vậy, tội nghiệp lắm!”, bà Năm, một bạn chài buồn kể.
Những kiếp nghèo trên biển Sa Cần
Biển Sa Cần nghèo, ngư dân ở đây cũng nghèo rớt như con sóng bạc. Cả một vùng cửa biển bạt ngàn thuyền thúng.
Ông Phạm Tấn Lập, Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết: “Toàn xã hơn 10 ngàn hộ dân thì 2/3 làm nghề đi biển, phần lớn tập trung ở thôn Sơn Trà. Ở đây, ngoài đóng tàu thuyền thì nhiều người đánh bắt gần bờ bằng thuyền thúng. Tuy nhiên, sau khi có các nhà máy hoạt động trong khu kinh tế Dung Quất, nước biển ven bờ bị ô nhiễm nên hải sản cũng hết đi. Người dân phải chế, mua thúng gắn máy để ra khơi xa hơn, có khi đi tới gần đảo Lý Sơn để đánh bắt”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết, tai nạn vẫn hay xảy ra với những người đi thúng đánh bắt ở đây. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Lượm được ít cá sau chuyến ra khơi từ sáng sớm, ông Nguyễn Thanh Hùng (53 tuổi) kể: “Làm nghề này ăn nhất là mùa biển động, có cái mà bắt. Nhưng rồi cá dần bơi ra xa nên mình cũng phải liều ra theo bắt nó. Ngày có ngày không, tính ra mỗi lần đi biển cũng chỉ được hơn trăm ngàn”.
Thông thường, thuyền thúng chỉ phục vụ bắt cá vài cây số gần bờ, nhưng vì mưu sinh, nay người ta lao ra cả hàng chục cây số ngoài biển. Chiếc thúng như mảnh giấy mong manh trên biển cả bao la.
Nghịch lý mùa biển động mới có cá khiến người dân ở đây đánh cược hẳn tính mạng của mình cho thiên nhiên. Ông Hùng bảo: “Không ra thì không có ăn, mà ra thì thuyền bị lật úp lúc nào không hay. Làng này có nhiều người bị tai nạn lắm. Tui cũng vài lần bị rồi. May mình biết bơi, những lúc thúng bị úp đành lao xuống biển nhờ bạn chài cứu giúp, tài sản đành ngặm đắng nhìn nó lặn sâu mất dần”.
Mưu sinh trên cửa biển Sa Cần. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Hiện, giá của một chiếc thúng máy khoảng 15 triệu đồng, cộng với ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt là khoảng hơn 20 triệu. Trời yên biển lặng thì không sao, chẳng may bị tai nạn, coi như ngư dân lại phải chạy vạy vay mượn mua thúng mới mưu sinh.
Cạnh đó, ông Nguyễn Duy Thanh (47 tuổi) cùng vợ đang hì hục kéo chiếc thúng úp vào bờ sau một đêm ra lộng vất vả. Vợ chồng ông Thanh có 5 người con thì chỉ có 2 đứa được cho đi học. Người dân ở đây, vẫn tâm lý xưa cũ, cho rằng con cái chỉ nên một hai đứa đi học, còn lại ở nhà phụ giúp cha mẹ ra biển.
Kiếp thúng chài cứ thế lận từ đời cha sang đời con chưa bao giờ dứt.
Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Ông Phạm Tấn Lập cho biết thêm: “Để hỗ trợ ngư dân, địa phương đã cho thành lập ban vận động vì người nghèo nhằm hỗ trợ những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn mua ngư lưới cụ, thúng, con giống nuôi trồng. Mới đây, chúng tôi đã hỗ trợ được 45 triệu đồng cho ngư dân khó khăn 3 thôn của xã mua ngư lưới cụ. Địa phương cũng đã phối hợp với phòng NN và PTNT huyện tập huấn nhiều lớp chuyên môn như lớp nông-ngư nuôi trồng hải sản, trang bị phương tiện, lớp cứu sinh trên biển...”.
Hằng đêm, những chiếc thúng chòng chành lại ra khơi. Những cặp vợ chồng trên đó với ước mong nhỏ nhoi là kiếm được mớ tôm, con cá về nuôi sống gia đình. Nhưng rồi, bao hiểm nguy luôn rình rập. Những giọt nước mắt vẫn chưa khô trên biển Sa Cần…
Lê Đình Dũng