Hoài thương vó ngựa

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:30, 29/01/2014

Huệ Trinh - Thanh Huyền Ngựa là loài vật gắn bó với con người từ quá khứ đến hiện tại. Nhân năm Giáp Ngọ, về thủ phủ nuôi ngựa ở Đức Hòa, Long An, chúng tôi được nghe vô vàn những câu chuyện lý thú về nghề nuôi ngựa đua và những tuấn mã từng tung vó thần kỳ tại trường đua Phú Thọ năm nào, cùng khát vọng hồi sinh một làng nghề đã có thời cực thịnh…   

Ký ức ngọt ngào

Nhắc đến nghề truyền thống, gương mặt ông Nhan Văn Trâm (ngụ ấp Bình Thủy, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, Long An) bừng sáng với bao hồi ức đẹp “Nhà tôi có ba đời nuôi ngựa đua, đến đời tôi có tới sáu anh em đều đam mê nghề này. Con tuấn mã đã mang đến cho chúng tôi nhiều vinh quang về cả tinh thần lẫn vật chất”.

Theo ông, nghề nuôi ngựa đua rất công phu, trước tiên muốn có ngựa chiến thì giống phải chuẩn. Huyện Đức Hòa nổi tiếng với nhiều ngựa hay là do chúng tôi nhập khẩu giống ngựa quý từ Ả Rập về. Giống ngựa này rất thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Ngựa sinh ra phải đến bác sĩ làm khai sinh hẳn hoi. Cái giấy khám sức khỏe và khai sinh y hệt như của người, có tên cha, tên mẹ, chiều cao, cân nặng, dòng giống. Nhiều khi chủ ngựa đi lấy giống nơi khác cũng phải nhớ tên để ghi vào gia phả, không khác gì cuộc sống của con người có họ hàng, dâu rể.

Mỗi chú tuấn mã đều được một “cận vệ” chăm sóc riêng, cứ 5 giờ sáng là dẫn ngựa đi “dợt sương”, buổi chiều thì đi “dợt nắng” khoảng ba đến bốn tiếng đồng hồ. Đến gần ngày đua thì đem ngựa ra dợt lại cho chạy nhảy. Ngoài ra, việc chăn nuôi, ăn uống của ngựa cũng phải sạch sẽ, người dẫn ngựa phải massage lông ngựa cả tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nuôi ngựa chiến cũng rất tốn kém, mỗi con ăn hết khoảng hơn 10 lít thóc/ngày, ngoài ra còn bồi dưỡng thêm thuốc bổ, hột gà, đậu xanh, ngũ cốc...

Ông Nhan Văn Út nhấn mạnh: “Nuôi ngựa đua giống như nuôi vận động viên, phải quần thường xuyên ngựa mới có sức khỏe, mới sung và bền sức. Ngoài ra để tuấn mã có bộ vó khoẻ và vững chắc thì phải cho chúng dợt nước hàng ngày mới mong thắng giải”.

Tóc đã bạc, nước da nhăn nheo, bước đi chậm chạp nhưng khi nói về ngựa đua, ông Út vui hẳn lên, chỉ tay về phía khuôn viên xung quanh nhà, hồi tưởng: “Trước kia mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật vào giờ này thì nơi đây náo nhiệt vô cùng. Ngựa tập trung ở đây rất nhiều, hý vang cả một vùng, chủ ngựa, nài ngựa chuyện trò rổn rảng. Ngựa đi ô tô, người đi xe máy, chuẩn bị thẳng tiến về trường đua Phú Thọ đông, vui như đi trẩy hội. Làng ngựa lúc ấy quanh năm tưng bừng tiếng ngựa hí, tiếng vó khua, vậy mà từ ngày trường đua Phú Thọ đóng cửa nơi đây im lìm lắm. Giờ đây nhiều lúc ghiền quá chúng tôi chỉ còn biết mở tivi xem đua ngựa ở những quốc gia khác”.

Đua ngựa không chỉ là niềm đam mê mà còn gắn với cuộc sống của người dân ở Đức Hoà, có đến hơn 80% người dân nơi đây sống nhờ vào nghề đua ngựa. Từ thời Pháp đến giờ huyện Đức Hòa là vùng nuôi ngựa đua lớn nhất, nơi đây còn được mệnh danh là “lò đào tạo” nài ngựa và kỵ mã. Số ngựa ở vùng này chiếm 2/3 ngựa thi đấu ở trường đua Phú Thọ. Sau giải phóng, trường đua Phú Thọ đóng cửa, người dân Đức Hòa ghiền đua ngựa quá nên đã tìm những khoảng đất trống để đua dã chiến. Năm 1989, trường đua Phú Thọ mở cửa trở lại, người dân lại náo nức gây giống và nuôi ngựa đua. Ông Trâm được bầu làm hội trưởng hội đua ngựa và đảm nhiệm cương vị đó đến khi trường đua đóng cửa vào năm 2011.

Được thừa hưởng gien từ ông nội nên ông Trâm rất “mát tay” trong việc nuôi ngựa chiến. Ông ví von: “Ngựa đua như một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, còn mình là huấn luyện viên. Mỗi ngày đều phải dợt ngựa, gần gũi và vuốt ve, tâm tình  như những người bạn thế nên dù gặp phải ngựa chứng cỡ nào tôi cũng thuần được”. Chia sẻ về kinh nghiệm chọn kỵ mã, ông Trâm hồ hởi: “Muốn biết ngựa giỏi hay không chỉ cần nhìn vào khoang, khoáy nó là biết. Ngựa đua giỏi thì xương mặt phải dài, hai lỗ tai đứng, mũi to, cổ nhỏ tròn, ức ngực to, bốn chân gân guốc, mông bự, bụng suôn tròn…”. Với uy tín và thâm niên lâu năm trong nghề, ông Trâm được nhiều chủ ngựa chọn mặt gửi vàng nhờ đi chọn mua dùm ngựa chiến.

Trường đua Phú Thọ được hình thành từ năm 1893, trải qua nhiều biến cố của thời cuộc. Năm 1989, trường đua được phục hồi mang tên câu lạc bộ thể thao Phú Thọ. Có giai đoạn nơi đây từng có gần cả ngàn ngựa đua và cả trăm tay nài. Thu nhập từ đua ngựa một phần được trả tiền thưởng cho chủ ngựa, chi phí khác cho hoạt động của trường đua, còn lại mỗi năm cũng nộp cho nhà nước hơn 20 tỷ đồng. Trường đua Phú Thọ chính thức đóng cửa nhường sân chơi cho Trung tâm huấn luyện thể thao thành tích cao vào tháng 6-2011. Tuy vậy, với nhiều người trường đua Phú Thọ đã trở thành một phần lịch sử không thể thiếu của đất Sài Gòn - TPHCM.

“Kỵ sỹ” và tiểu xảo

Cũng giống như nghề chăn nuôi ngựa chiến truyền thống từ đời cha ông, hầu hết các nài ngựa đều là con em chủ ngựa hoặc là người dân vùng nuôi ngựa. Bởi từ bé các em đã được giao nhiệm vụ chăn ngựa, thả ngựa ăn ở các bãi cỏ, được ngồi trên lưng tuấn mã nên ai cũng nuôi ước mơ được trở thành kỵ sỹ. Hầu hết nài ngựa đều ở trong độ tuổi thiếu niên, thông thường các nài chỉ nặng từ 20 đến 30kg. Để kéo dài được thời gian làm nài nhiều người phải ăn kiêng, có lúc đến giải mà mập lên là phải trùm mền xông đèn cầy cho ra hết mồ hôi để giảm ký.
  • Hoai thuong vo ngua

    Vó ngựa trường đua

  • Hoai thuong vo ngua

    Chủ tịch Hội nuôi ngựa trao giải cho ngựa đoạt Cup

  • Hoai thuong vo ngua

    Anh Phương với rất nhiều cờ do ngựa yêu đạt được

  • Hoai thuong vo ngua

    Ông Trâm với rất nhiều Cup đoạt được

  • Hoai thuong vo ngua

    Nài ngựa bên chú ngựa 

Từng có kinh nghiệm lăn lộn với nghề nài ngựa khi mới 14, 15 tuổi nài ngựa Nguyễn Văn Thở (xã Hòa Khánh Đông) bật mí cho chúng tôi biết những tiểu xảo trên đường đua: Các trùm cá độ lậu có đủ mánh khóe, gian lận để tạo kết quả cuộc đua theo ý muốn. Thông thường, trùm bỏ tiền mua đứt chủ ngựa, nhằm dàn xếp ngựa thắng thua. Khi đã bị mua chuộc, chủ thường bỏ đói ngựa hoặc chích thuốc ngủ để khi ra đua ngựa vật vờ, không chịu tung vó. Tuy nhiên chiêu này có phần hơi lộ liễu nên sau này chủ ngựa không sử dụng thuốc ngủ mà cho ngựa đi quần nước. Ví như buổi chiều ngựa tham gia đua thì sáng hôm đó chủ cho ra sông hay kênh rạch cho ngựa lội nước suốt buổi để ngựa mỏi chân, mệt nhừ, buổi chiều vào đua không thể tung cao vó. Tinh vi hơn là việc quất roi vào bộ phận sinh dục làm nó đau đớn sẽ chạy chậm hoặc bằng động tác điệu nghệ, nài ngựa thả lỏng hoặc níu cương là ngựa cũng phải giảm tốc độ. Ngoài ra nhiều nài còn kẹp chân vào bụng, thúc gót vào háng cũng làm ngựa chạy chậm lại. Hay nhiều khi nài ngựa chỉ cần ngồi lệch trọng tâm là ngựa cũng không thể tung vó... Tuy nhiên thực sự thì những tiêu cực này ít thôi, chủ yếu vẫn là đam mê lành mạnh”.

Nhớ lại thời dọc ngang ở trường đua Phú Thọ, anh Thở hớn hở: “Hồi ấy nài ngựa như chúng tôi vinh dự lắm. Trước khi ra đấu trường bọn tui mặc đồ đồng phục như kỵ sỹ, đội nón kết. Khi về đích thì mặt mũi lấm lem toàn đất bụi nhưng cảm thấy rất sung sướng nhất là khi được giải thì vinh quang lắm. Không chỉ vậy bọn tôi còn được 10% tiền thắng cược nên tiền tiêu xài rủng rỉnh ...”.

Việc thắng thua trong thi đấu không chỉ do một mình chiến mã quyết định mà còn phụ thuộc vào tài năng của người nài ngựa. Phần lớn nài ngựa xuất thân trong những gia đình có truyền thống nuôi ngựa đua, được tiếp xúc và có niềm đam mê ngựa ngay từ tấm bé. Nghề nài có nhiều khắc nghiệt, muốn tồn tại lâu dài phải nhỏ con, nhẹ cân và quan trọng hơn cả là phải có kỹ thuật điều khiển, để ngựa tuân theo các mệnh lệnh của mình trong những thời khắc quyết định. Nắm được điều này, giới cá cược thường bán độ, mua giải thông qua nài. Việc này không phổ biến nhưng cũng không hiếm gặp, vì ít nhiều môn thi này dễ phát sinh nạn cá cược, đỏ đen.

Chia sẻ về nghề của mình, nài Thở bộc bạch: “Có không ít nài đã mất nghề vì gian lận. Nếu nài cố tình dùng tiểu xảo trong thi đấu thì rất khó phát hiện. Tuy nhiên phần đa nài đều hành nghề chân chính, đặt tinh thần thể thao lên trên hết”. Giữ vị trí quan trọng nhưng sau chiến thắng vinh quang người ta chỉ nhớ tung hô tên chiến mã hoặc cùng lắm là tên chủ ngựa, chứ ít ai chú ý đến thân phận kẻ nài. Nhắc về ngựa hay, người ta có thể kể vanh vách tên tuổi, lý lịch, mùa đoạt giải của hàng chục, hàng trăm con, chứ hỏi về nài giỏi hầu như ít ai nhớ. Dẫu vậy, trong giới đua ngựa, nhắc đến những người gắn bó với công việc nguy hiểm này mà trở nên nổi danh vẫn có nài Du, Minh Bốn, Bảy Đực, Chín Trâm, Vũ Một …

Phiếm luận trường đua

Nguyên chủ tịch hội chủ ngựa trường đua Phú Thọ, ông Nhan Văn Trâm nhấn mạnh: “Nuôi ngựa đua và đua ngựa là một thú đam mê văn hóa”. Lý giải về điều này ông dẫn chứng: “Một con ngựa chiến có khả năng đoạt cờ cao thường có giá hàng trăm triệu đồng. Nuôi ngựa đua lại đòi hỏi kỹ thuật huấn luyện khắt khe, cùng chế độ ăn khá tốn kém. Nếu người nghèo liệu có đủ tiền để mua ngựa và nuôi ngựa? Vì thế người gắn bó với môn thể thao này phần lớn thuộc hàng có kiến thức và có tiền”.

Theo ông Trâm, trước giải phóng có rất nhiều chính khách chế độ cũ đam mê vó ngựa nên vào cuối tuần hoặc giải thi kỳ, thi truyền thống họ đều có mặt tại trường đua tham gia cổ vũ, cá cược. Ngoài nhu cầu giải trí, họ còn tìm đến cảm giác may mắn cuối tuần. Đặc biệt, ông tỉnh trưởng Bình Dương thời đó còn sở hữu một ngựa chiến và dùng xe Jeep đưa ngựa đi thi đấu mới oách. Sau này, môn đua ngựa cũng thu hút nhiều nghệ sĩ, cầu thủ, doanh nhân, Việt kiều tham gia cổ vũ, nổi trong số đó có doanh nhân Ba Mạnh, Tài Nhanh, nghệ sĩ hài Bảo Quốc… Gần cả đời người gắn bó với nghề nuôi, nài và huấn luyện ngựa nên ông Trâm hiểu khá tường tận những tiểu xảo, chuyện vui, buồn, được, mất trên đường đua. Theo ông, người nào đã xem đua ngựa một lần thì sẽ thích ngay môn thể thao này vì không thể quên được cái không khí tưng bừng, sôi động của trường đua.

Nhắc tới không khí trường đua, ông Út hồ hởi góp chuyện: “Dưới sân thi đấu, vó ngựa tung bay, bụi tung mù trời, trên khán đài tiếng cổ vũ, reo hò gọi tên Phi Yến, Mỹ Phương, Mộc Quế Anh, Quỳnh Hoa, Tây Thi, Điêu Thuyền, Trang Thanh, Giang Phi, Tiểu Long Nữ, Ronaldinho… cố lên vang dậy một góc trời. Cảm giác sung sướng, ngất ngây vỡ òa khi tuấn mã của mình nuôi hay chọn cổ vũ về đích, đoạt giải. Người đến cổ vũ có cả doanh nhân, cầu thủ, mỹ nhân… nên tạo thêm vẻ hấp dẫn có một không hai của trường đua”.

Cùng tâm trạng, anh Lại Văn Phương mơ màng hồi tưởng: “Vó ngựa dồn dập trên đường đua để lại những đám bụi mù trời. Những chú nài rạp mình trên lưng tuấn mã liên tục quất roi gợi nhớ hình ảnh người tráng sĩ dọc ngang dặm trường chinh. Trên khán đài người người đồng thanh reo hò tạo nên vô vàn kịch tính tưởng như không còn không gian nào quyến rũ và sục sôi hơn thế”. Minh chứng cho máu đam mê của mình, nói dứt lời anh Phương bước vào trong phòng lấy ra nhiều cuốn lịch đã nhuốn màu thời gian in toàn ảnh về loài ngựa và quang cảnh trường đua Phú Thọ, rồi vanh vách kể: “Đất Đức Hòa có duyên với nghề nuôi ngựa đua nên không ít chủ ngựa đoạt cúp vô địch nhiều mùa. Trong này có nhiều hình ảnh ghi lại thời khắc chiến thắng của con Phượng Hoàng, Mỹ Phương, Thoại Phong, Trung Phong…”.

Trước câu hỏi vì sao tên ngựa thường đẹp mỹ miều, thiên về nữ tính nhiều hơn, ông Út giải thích: “Việc đặt tên cho ngựa rất quan trọng, trong mỗi cái tên ngựa đua, chủ ngựa gửi gắm vào đó ước mơ, thể hiện sở thích và khát vọng của mình nên tên ngựa thường gắn với người nổi tiếng và giàu ý nghĩa. Nếu chủ ngựa mê mẩn nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của các các người đẹp huyền thoại trong lịch sử, ngựa sẽ có tên Tây Thi, Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Tiểu Long Nữ, Thúy Kiều… Nếu tôn sùng các chân sút trên sân cỏ, chủ ngựa sẽ đặt tên cho thú cưng của mình là Ronaldinho, Balotelli, Messi, Beckham, Maldini, Roberto Carlos, Roberto Baggio, Hồng Sơn, Huỳnh Đức… Cũng có khi nó được biến thành các ông hoàng, bà chúa với tên gọi Elizabeth, Phượng Hoàng. Thể hiện sự mến mộ nghệ sĩ, tuấn mã lại mang tên Tăng Thanh Hà, Thanh Lam, Bảo Quốc, Tấn Beo... Không ít chủ ngựa lấy tên con gái yêu đặt cho ngựa như Trang Thanh, Phi Oanh, Phi Yến… Nói chung tên ngựa khá phong phú và thường lảnh lót như chuông để báo hiệu niềm tin chiến thắng”.

Hỏi vì sao ngựa đua thường nghiêng về giống cái, ông Trâm lý giải: “Ngoài thi đấu, ngựa cái còn giúp tăng trưởng thêm bầy đàn. Người nuôi ngựa rất quan trọng dòng, giống ngựa vì theo kinh nghiệm lâu năm nếu ngựa cha, ngựa mẹ đều hay thì sẽ đẻ ra con giỏi. Nếu một con mẹ từng đoạt giải, lại sinh ra nhiều đứa con sẽ giúp chủ ngựa mang về khoản thu nhập không nhỏ từ việc bán ngựa giống. Đơn cử, con Phượng Hoàng từng sinh ra nhiều đứa con nổi tiếng như Thanh Lam, Trang Thanh, Phi Oanh”. Riêng việc bán con Thanh Lam, ông Trâm đã thu về 170 triệu đồng. Con Mỹ Phương của chủ ngựa Tiên khi mới tham gia thi đấu lần đầu đã có người hỏi mua với giá 100 triệu đồng. Sau mấy mùa đoạt giải liên tục, giá của nó đội lên hàng vài trăm triệu đồng. Xét lý lịch mới biết nó được sinh ra bằng sự phối giống của hai cha mẹ từng làm nên nhiều chiến công huyền thoại tại trường đua Phú Thọ.

Khát vọng hồi sinh

Có năm năm gắn bó với nghề nài ngựa trước khi trường đua Phú Thọ chính thức ngưng hoạt động vào tháng 6-2012, nài Thở ngậm ngùi tiếc nuối: “Thời trước khi nghề nuôi ngựa đua còn hưng thịnh, có tuần em thu nhập vài triệu đồng từ việc nài ngựa thuê. Mình còn nhỏ đã làm ra tiền lớn, chưa biết tích lũy nên tiêu xài hoang thành quen. Bây giờ nghề nuôi ngựa đứng trước nguy cơ thất truyền, những người bao đời gắn bó với con ngựa đều phải chuyển đổi nghề khác nên đối mặt với vô vàn khó khăn. Ước gì cái nghề truyền thống của quê em sớm có ngày hồi sinh để những người trực tiếp hoặc gián tiếp gắn bó với con ngựa lại náo nức mỗi khi vào hội”.

Đảo quanh một vòng Đức Hòa, thi thoảng chúng tôi mới bắt gặp một vài chuồng còn ngựa. Không ít chủ ngựa xót xa cho biết dù tiếc đứt ruột vẫn phải bán tháo những con ngựa quý hiếm bởi không thể tiếp tục duy trì khi đầu ra quá mờ mịt, trong khi việc nuôi ngựa đua khá tốn kém. Dẫn chúng tôi vào tận chuồng ngựa nhà mình, anh Phương bộc bạch: “Nuôi ngựa rất công phu, nhọc nhằn nhưng người nuôi ngựa đua có một thú đam mê lạ lùng với ngựa, họ dồn hết tâm sức huấn luyện để mong có được một con ngựa giỏi chỉ nhằm thỏa chí thi thố. Nếu tính toán lời lỗ thì không ai nuôi mà nuôi rồi thì khó bỏ nghề được”.

Theo những người nuôi ngựa lâu đời thì vào giai đoạn cực thịnh, con ngựa đoạt giải nhất đồng nghĩa với việc chủ nó sẽ mua thêm được năm, bảy công đất. Vì lẽ đó có nhiều nhà đã sắm được điền trạch mênh mông nuôi con ăn học thành tài nhờ nuôi ngựa đua và nghề nuôi ngựa theo đó được nhân rộng khắp vùng Đức Hòa, Hóc Môn, Củ Chi. Giá một con ngựa chiến, từng đoạt cờ có khi lên tới bốn, năm trăm triệu đồng, trị giá hơn chục cây vàng như con Quỳnh Hoa, Phi Oanh, Giang Phi của các chủ ngựa Nhan Văn Xướng, Nhan Văn Hát, Lại Văn Sanh...

Vì thế đã có giai đoạn người ta ví người nuôi ngựa và đua ngựa thuộc hàng dân chơi lắm tiền. Khi sân chơi không còn, ngựa đua hóa ngựa thịt nên rớt giá thảm hại từ vài trăm triệu đồng xuống vài triệu đồng nhưng người nuôi ngựa vẫn phải cắn răng mà bán vì không thể trụ tiếp với nghề. Điển hình là các con ngựa Thanh Lam, Trang Thanh, Mỹ Phương đã có lúc người mua trả giá hơn chục cây vàng nhưng chủ ngựa không bán, bây giờ trường đua giải tán không biết khi nào mới khởi xướng lại nên chủ ngựa đành ngậm ngùi bán với giá trên dưới mười triệu đồng. Nhiều người dân Đức Hòa đang đối diện với khó khăn, vay nợ vì trót đầu tư quá nhiều vào ngựa đua bây giờ thành ra hụt hẫng. Ông Út trăn trở: “Trước đây không ai mất ruộng vì đua ngựa, còn bây giờ nhiều người mất nhà vì vượt biên sang Campuchia đỏ đen”.

Nổi danh với tài huấn luyện, đào tạo ngựa đua, từng bán nhiều chiến mã với giá hai, ba trăm triệu đồng một con nhưng đến nay ông Nhan Văn Trâm cũng đành bỏ cả dãy chuồng đìu hiu, vắng ngắt vì chưa tìm thấy đầu ra. Đang chùng xuống với bao tâm trạng, khi nghe gợi ý đến một trường đua mới trong tương lai, gương mặt ông Trâm bừng sáng: “Vừa qua anh Nguyễn Ngọc Mỹ - Tổng giám đốc Cty Thiên Mã - có về Đức Hòa báo tin cho bà con biết dự án mở trường đua mới ở Madagui, Lâm Đồng. Biết chuyện, nhiều hộ nuôi ngựa đã tổ chức một đoàn hơn chục xe buýt đi lên đó tham quan, tìm kiếm cơ hội. Nếu nghề nuôi ngựa đua được hồi sinh, chắc khắp xứ này nhiều người sẽ mở hội ăn mừng…”.  

Theo Công an TP.HCM

Một Thế Giới