Phóng sự: Những “chiến sĩ” bắn súng sơn
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:06, 24/11/2013
Minh hất cằm ra hiệu có “địch” ở ụ bên phải. Hiểu ý, tôi chỉa họng súng về nơi có bộ quân phục rằng ri đang di chuyển nhả đạn liên tục. Minh dũng cảm vượt lên. Nhưng sau khoảnh khắc ấy, người đồng đội cuối cùng của tôi đã dính đạn…
Du nhập vào Việt Nam từ khoảng năm 2010, bắn súng sơn nhanh chóng thu hút nhiều người tham gia. Điều kiện để trở thành một người lính trên chiến trận sơn rất đơn giản: chỉ cần một chút lòng dũng cảm, tinh thần đồng đội, khả năng quan sát… và dĩ nhiên khi đi chơi nhớ mang theo 50.000 đồng mua vé, rồi tùy vào số đạn mà bạn tính bắn đối phương để… tính tiếp, khoảng 1.500 đồng/ viên đạn sơn.
Đánh trận giả để hiểu thêm giá trị hòa bình
Ra khỏi khu vực chiến trận với vết sơn đỏ trên ngực áo, tôi nhận ngay nụ cười khinh khỉnh từ Minh: đây là trò chơi đòi hỏi tính đồng đội rất cao, không ai có thể làm anh hùng nhờ… núp bởi lẽ khi đồng đội chết hết thì mình cũng không thể sống nổi với đối phương mạnh lực lượng, khí tài.
Minh giải thích những khẩu súng sơn có lực nén hơi 1,4 kg. Mỗi viên đạn sơn có đường kính hơn 1cm. Khi ra khỏi nòng súng, những viên đạn này bay với vận tốc 100 m/s, vì vậy né đạn là điều không thể. Hơn nữa ở cự ly khoảng 35m, súng sơn có khả năng gây sát thương cho những phần mềm của cơ thể nên người chơi buộc phải mang mặt nạ và bảo hiểm kín từ đầu đến chân để an toàn.
Minh nói rồi chỉ tay về phía hai cô gái là sinh viên đến từ một trường đại học ở TP.HCM đang thấm máu trên cánh tay vì vết đạn xượt qua. Tuy vậy, cả hai đều không tỏ vẻ sợ hãi, lo lắng.
Thủy, cô sinh viên Đại học Mở TP.HCM tâm sự: “Trải nghiệm với trận chiến và vết thương nhưng không thấy bạo lực ở trò chơi này. Nó tựa trò đánh trận giả những ngày nhỏ. Bạn bè mình thường rủ nhau lên đây chơi vừa luyện thể thao vừa tập tinh thần làm việc theo nhóm. Mình thích địa hình mô phỏng trận Normandie ở câu lạc bộ súng sơn. Tụi mình hiểu được giá trị của sự yên bình, tránh được hiểm họa phát xít”.
Lựa chọn chiến trận
Theo nhân viên của Câu lạc bộ súng sơn BCR, đây là môn thể thao rất quen thuộc tại nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, tại câu lạc bộ này có nhiều loại hình trận địa để người chơi hào hứng hơn. Không chỉ thu hút giới trẻ chơi thành từng nhóm riêng lẻ, tại đây còn tổ chức những giải đấu như các cuộc thi khác.
Vì súng sơn có khả năng gây nguy hiểm nên khi tham gia bắt buộc người chơi phải được trang bị quần áo bảo hộ theo kiểu quân đội. Ngoài ra, một nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ được tháo mặt nạ trong khu vực thi đấu vì đạn sơn có thể gây nguy hiểm cho mắt.
“Luật chơi của môn này rất đơn giản. Hai đội được trang bị hai màu áo giáp khác nhau. Đội thắng là đội đã tiêu diệt hết quân của đối thương trên chiến trận. Khi đạn sơn trúng bất kì vị trí nào trên cơ thể mà bị vỡ màu thì người chơi đó bị loại. Trường hợp súng bị trúng đạn, hay hết đạn cũng bị xem như thua. Mỗi lần như vậy, người chơi chỉ việc đưa tay lên báo và đi ra ngoài. Để công bằng, mỗi trận đấu còn có những trọng tài giám sát”, một nhân viên giải thích luật chơi.
Đây là một môn thể thao bổ ích và giúp tăng cường vận động cho người chơi trước nhịp sống công nghiệp nhiều áp lực. Rất khó để diễn tả hết cảm giác của một người lính khi lâm trận, trừ khi bạn là... người trong cuộc.
Tại các nước khác trên thế giới như Thái Lan, Anh…, luật chơi bắn súng sơn không khác Việt Nam, nghĩa là chỉ cần tiêu diệt hết đối phương trong khi “phe ta” còn người là chiến thắng. Tùy theo sân chơi lớn hay nhỏ mà số lượng mỗi đội sẽ có quân số thích hợp, thường thì mỗi đội khoảng 5 đến 10 người là đẹp. Nam hay nữ đều có thể tham gia, tuy nhiên nam giới thường chiếm số đông. Đây là trò chơi mang tính đồng đội rất cao. Mỗi khi xung trận là cảm giác được trải nghiệm mà ở đó lòng quả cảm, mưu trí, chiến lược… được đặt trong tình thế thử thách rất cam go. Để chiến thắng, bạn không thể là một anh hùng cá nhân kiểu… phim Mỹ.
Thanh Nhã