Quặn lòng trái tim tật nguyền sau lũ dữ

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:30, 07/11/2013

Cơn lũ dữ hoành hành khắp các huyện miền núi tỉnh Hà Tĩnh đã đi qua gần một con trăng. Cũng từng ấy thời gian, chị Nguyễn Thị Mai (50 tuổi, xóm Đức Thịnh, xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) một thân một mình chống chọi với trái tim tật nguyền và nỗi đau tột cùng khi nghĩ thương về người mẹ chết đau đớn trong lũ dữ.
           

Mẹ chết vì lũ chặn đường đến viện

Căn nhà nhỏ thó nhưng đã sạch bươm bùn đất kể từ ngày mẹ chị Mai mất đi. Dù đau ốm nhưng chị vẫn cố gắng tươm tất từ nhang khói đến ly nước, dọn dẹp nhà cửa mong sao mẹ yên nghỉ được ấm cúng. Mẹ chị, bà Nguyễn Thị Sen (78 tuổi) chết vì bạo bệnh vào ngày 20.10, khi nước lũ đang cuồn cuộn dâng cao ập vào từng thôn xóm.

Ánh mắt còn đỏ hoe vì thương khóc mẹ, chị Mai nức nở: “Lũ về ác quá chú nờ. Mẹ tui bị bệnh đau tim lâu giờ, răng bữa nớ mẹ lại bị đau trở lại. Ngoài ngõ nước xé vô ầm ầm, hai mẹ con ngồi trên chạn cao mà không kêu được ai cả. Tui thì nhỏ yếu, mẹ đau vật vã trên tay tui, mà kêu đến khản cổ cũng không đến được tai nhà bên cạnh, nước nó xô vô đạp nhà đập cửa rứa ai mà nghe được, nó ác quá chú ơi!”.

mot minh trong can nha tro troi, chi mai dang phai doi mat voi benh dau tim va su doi kho chuc cho hang ngay

Một mình trong căn nhà trơ trọi, chị Mai đang phải đối mặt với bệnh đau tim và sự đói khổ chực chờ hằng ngày

Cái ngày mà người ở các phố thị rộn ràng chúc nhau những lời ngọt ngào đến những chị, những em gái bao lời có cánh, thì cái ngày đó bây giờ là ác mộng cả đời đối với chị Mai. Nhà chị còn hai mẹ con đùm bọc nhau sống qua ngày. Người cha đã mất từ lâu, cô em gái thứ hai cũng ốm yếu đã lấy chồng xa giờ vẫn lận đận từng miếng cơm qua ngày cho chồng con. Mẹ chị sau đợt nghỉ làm công nhân ở Hợp tác xã Minh Thịnh thì đổ đau bệnh tim, chị Mai cũng mang căn bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ. Tiền thuốc thang cho gia đình vì thế tính ra cũng nhiều hơn cả tiền cơm hằng ngày.

 “Giá mà nước lũ hắn không lên ác rứa thì mẹ tui chắc đã không chết tức tưởi rứa chú ạ!”, chị Mai xót xa nghĩ về cái chết của mẹ.

“Hôm đó mẹ tôi đau mà chết đi trên tay tôi, tôi chỉ biết gào khóc mong sao có phép lạ đưa người đến cứu trong cơn lũ. Nhưng chẳng có ai đi được vào lúc đó cả, xuống nước cái coi như mất mạng. Tôi ngất đi trên xác mẹ. Rồi chờ đến lúc nước hiền dần, hàng xóm bên cạnh mới liều vào nhà được”, chị Mai đau đớn nhớ lại khoảnh khắc bất lực mất đi người mẹ trên tay mình.

Bà Sen mất đi, xác phải quàn trong một chiếc thuyền níu vào cột nhà nổi lềnh bềnh trong lũ. Chờ đến ngày hôm sau nước mới rút dần, người trong xóm phải liều chở bà ra sau núi để an táng. Nhưng rồi đến cả một cây tre, miếng bạt cũng không có để che chắn cho lễ táng, rồi nén hương cũng kiếm không ra vì tất cả đang chìm trong nước lũ đục ngầu. Người làng phải vừa đào hố vừa tát nước ra trong cơn mưa tầm tã để có một chỗ hạ huyệt cho người xấu số. Đám tang trong nước lũ, lạnh lẽo và đau đớn không nỗi đau nào bằng.

Hãy cứu lấy một trái tim tật nguyền

Mẹ mất đi, còn lại chị Mai trong căn nhà lạnh lẽo chống chọi với trái tim đau yếu từ nhỏ. “Lúc mẹ còn, dù đói khổ nhưng có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, mẹ con đùm bọc nhau rứa mà hắn qua ngày, giờ mình tui không biết sống ra răng nữa”, chị Mai thều thào nhìn vào căn nhà trống hoác, mù mờ tối.

Sinh thời, bà Sen được hưởng chế độ hưu trí của chồng, mỗi tháng hơn 400.000 đồng. Hai mẹ con sống nhờ tất cả vào đó vì không có một tấc đất cắm dùi. Căn nhà đang ở cũng là của anh em, bà con, hàng xóm gom góp lại cất nên.

khap cac thon xom, bun lay, mat mat ma lu de lai van hien hien

Khắp các thôn xóm, bùn lầy, mất mát mà lũ để lại vẫn hiển hiện

“Mẹ mất đi, chị Mai chỉ còn sống nhờ vào 180.000 đồng/tháng tiền trợ cấp hộ nghèo của nhà nước. Rồi may ra hàng xóm, đoàn thể người ta thăm hỏi được thêm bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Cơm gạo không nói, nhưng với bệnh tim của chị ấy thì một khi trở trời trái gió không biết lấy tiền đâu mà vào viện chữa trị”, chị Trần Thị Thúy, Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sơn Thịnh xót xa cho hoàn cảnh tội nghiệp của người phụ nữ đơn độc đã luống tuổi.

Rời xóm núi khi trời đã bắt đầu trở chiều, mưa nặng hạt, gió mùa đã đổ về. Khắp đường làng còn nhão nhoét bùn đất lũ để lại.

Người dân Sơn Thịnh cũng đã bắt đầu vực dậy, ươm thêm mầm mới cho cuộc sống quanh năm khổ cực. Chợt nghĩ đến hoàn cảnh chị Mai, không biết rồi lúc trái gió trở trời chị sẽ chống chọi như thế nào khi khắp làng xã này phận nào cũng nghèo đói như nhau, muốn đùm bọc nhau cũng chẳng qua nổi bữa cơm gạo trắng. Cần lắm những tấm lòng thơm thảo để hướng về trái tim tật nguyền cô đơn giữa vùng lũ Hà Tĩnh này.

Thạch Châu

           

Một Thế Giới