“Vua lặn” và những lần chạm cửa “thủy cung”
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:40, 04/10/2013
Ký ức của ông vua lặn đất Trung Kỳ.
Mặc dù đã bước sang tuổi 72 song ông “vua lặn” Bùi Thượng vẫn còn rất cường tráng. Khi nghe chúng tôi hỏi đến chuyện trở thành “vua lặn”, ông Thượng mang ra hai xị rượu đế ra đặt “cạnh” lên bàn. Quay sang chúng tôi, ông bảo: “Nếu muốn nghe tui kể, muốn xem tui lặn biểu diễn thì cưa với tui mỗi người một xị rồi tính …”.
Không đợi khách gật đầu, ông Thượng rót tọt một ly đầy tràn rồi đánh một hơi “ngọt xớt”. Sau một vài “tua” qua lại, khi cơ thể bắt đầu chuyển sang màu đỏ ửng, ông mới bắt đầu câu chuyện.
Ông kể, do được sinh ra trong một gia đình có nhiều đời làm nghề chài lưới nên ngay từ nhỏ ông đã thành thạo chuyện lặn ngụp, bơi lội. Mới mười mấy tuổi đầu, ông đã nổi tiếng là “kình ngư” của đảo.
Rồi cho đến một ngày, danh tiếng ấy đã theo những chuyến tàu hàng dạt vào đất liền và lọt vào tay lực lượng hải quân của chính quyền Ngô Đình Diệm. Với mong muốn tìm kiếm những con người ưu tú nhất cho lực lượng người nhái trực thuộc phủ Tống thống, tháng 8.1963, đặc phái viên của tổng thống đệ nhất Việt Nam Cộng hòa, bác sĩ Nguyễn Thành Nhơn dẫn đầu đã ra đảo Lý Sơn tổ chức cuộc thi bơi lặn, cốt là để tìm người có khả năng. Và tất nhiên, cái tên Bùi Thượng được những tuyển trạch viên đặc biệt chú ý.
Đối với người dân ở hòn đảo mà người dân thường gọi là Cù Lao Ré thì đây là một ngày hội lớn của quê hương. Ngoài người dân địa phương ra, khi nghe tin có ngày hội bơi lặn, rất đông người dân các địa phương lân cận như Sa Kỳ, Tam Kỳ…cũng đã giong thuyền về đây tham dự và cổ vũ cho những thợ lặn của vùng duyên hải miền trung.
Cuộc thi lặn gồm các môn như: bơi tự do, bơi sải truyền thống và đặc biệt nhất là thi xem ai là người xuống biển sâu nhất, nhanh nhất và có khoảng thời gian nín thở dưới nước lâu nhất. Tổng cộng có tất cả 60 thanh niên từ khắp nơi đăng ký tham gia.
Lá thăm của chàng thanh niên trẻ Bùi Thượng có số 10.
Sau khi chứng kiến nhiều tay bơi lặn thiện chiến thi thố tài năng, “kình ngư” Bùi Thượng cũng có phần lo lắng song ông vẫn bình tĩnh vượt qua các phân thi đơn giản. Đến phần cam go và quyết định kết quả cuộc thi, Bùi Thượng bước đến mép tàu, hít một hơn thở thật sâu, ôm cục đá nặng hơn 9 kg lao xuống biển. Sức nặng của hòn đá cộng với lực đạp từ chân, cơ thể chàng thanh niên cứ thế lao như chiếc mỏ neo xuống đáy biển sâu.
Sau gần 20 phút ở dưới mặt nước, Bùi Thượng trồi lên mặt nước với tấm biển đánh số 67m. Với thành tích đó, chàng thanh niên Bùi Thượng chính thức trở thành ông “vua lặn” xứ Trung Kỳ trong tiếng hò reo của hàng trăm khán giả hiếu kỳ.
Ngoài phần thưởng là cúp vàng Quốc gia và khoản tiền kha khá, sau cuộc thi ông Bùi Thượng còn được ban tổ chức đưa vào đất liền để tham gia một khóa huấn luyện kỹ thuật lặn dành cho lính thủy. Tuy nhiên, lớp học khai khóa được vài tháng thì cuộc đảo chính xảy ra, Ngô Đình Diệm bị phế truất và sau đó bị ám sát, khóa học theo đó bị giải tán, Bùi Thượng trở về cuộc sống bình thường. Với vốn kinh nghiệm học được ở trường, ông đã mang ra truyền đạt la cho bạn chài ở đảo Lý Sơn.
Và những lần chạm ngõ “thủy cung”
Như chợt nhớ ra điều gì, ông Bùi Thượng quay sang chúng tôi bảo: “ Bác có chuyện này, muốn kể cho tụi cháu nghe, còn chuyện tin hay không là quyền của các cháu…”. Trước ánh mắt tò mò của đám phóng viên chúng tôi, ông bắt đầu kể.
Lời kể của ông cho thấy, trong suốt hơn 50 năm lang bạt khắp các ngư trường ở biển Hoàng Sa, Trường Sa, ông đã có ít nhất 2 lần chạm ngõ “thủy cung”. Lần thứ nhất ông được diện kiến “thủy cung” là năm 30 tuổi. Ông nhớ lại: “ Lúc đó vào khoảng tháng 3, sau gần một tuần lễ chuẩn bị thực phẩm và ngư cụ, ông cùng đoàn thủy thủ khoảng 5 người trực chỉ biển Hoàng Sa để bắt đầu một mùa đánh bắt.
Sau hai ngày lênh đênh trên biển, đoàn của ông quyết định buôn neo ở một địa điểm cách đảo Phú Lâm của Việt Nam khoảng vài hải lý. Là người lặn giỏi nhất, ông tiên phong lao xuống biển. Sau vài lần nổi lên lấy hơi (ngày đó lặn không có bình hơi như bây giờ – PV) ông quyết định dồn hết sức lực để theo dấu một ổ hải sâm.
Tuy nhiên, khi đạt độ sâu khoảng hơn 15 mét thì mắt ông đột nhiên bị một luồng sáng mạnh gây chói. Sau khi nhắm mắt lại để tránh, khi mở ra ông phát hiện trước mắt mình là một quang cảnh vô cùng tuyệt đẹp, tựa như môt tòa lâu đài nguy nga cổ kính. Bên ngoài cùng là một chiếc cổng khá hoành tráng với 2 hàng cột thẳng tắp.
Đang định tiến vào trong nhưng do hết hơi ông buộc phải ngoi lên mặt nước. Sau một tiếng đồng hồ nghỉ ngơi, ông lại xuống biển nhưng do không kịp đánh dấu nên tìm mải mà ông Thượng vẫn không tài nào đến được nơi cũ.
Lần thứ 2 xảy ra cách lần trước khoảng hơn 10 năm. Lần đó, thuyền ông tháp tùng theo một đoàn hơn chục chiếc tiến về quần đảo Trường Sa của Việt Nam để tìm san hô đen. Khi còn cách bờ biển Mã Lai (Malaysia) khoảng vài mươi hải lý, thuyền ông thả neo. Như thường lệ, ông lại “lãnh ấn tiên phong” và lần này ông lại có cảm giác chạm ngõ “thủy cung”.
Rút kinh nghiệm từ lần trước, ông quyết định ém hơi tiến sâu hơn vào bên trong. Sau khi vượt qua “khải hoàn môn”, ông bơi vào “chính điện”. Giống như một lâu đài, giữa chính điện có một “ngai vàng” dài hơn một thước, lấp lánh như được mạ vàng… Định đưa tay vào chạm thử, nhưng do khí trong phổi đã cạn nên ông quyết định trồi lên mặt nước.
Đem chuyện kể lại với một bạn lặn, người này lập tức lao xuống nước, tuy nhiên sau vài lần “lùng sục”, chiếc ngai vàng ấy cũng không được người này phát hiện. Sau việc đó, ông về nhà làm một măm cỗ để cúng Long Vương với hy vọng một lần nữa nhìn thấy thủy cung song cho đến khi giải nghệ, ông Bùi Thượng vẫn không một lần gặp lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thượng quả quyết dưới đáy biển sâu vẫn đang tồn tại một “vương quốc”. Theo ông, vương quốc này kéo dài từ biển Hoàng Sa cho đến tận Trường Sa của Việt Nam. Một vài ngư dân lâu năm mà tôi có dịp tiếp xúc ở Bình Châu, Sa Kỳ cũng cho rằng ít nhất một lần trong đời lặn biển đã chạm ngõ “thủy cung”.
Một cán văn hóa thông tin ở Quảng Ngãi cho rằng, người dân đi biển rất tin tưởng vào những chuyện đại thể như thế và ít người đi biển nào dám bác bỏ niềm tin này. Trong khi đó, một cán bộ trong đội cứu hộ thuộc Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM thì cho rằng, đây rất có thể là ảo giác được tạo ra khi con người ở ngưỡng sắp hết dưỡng khi. Và chính niềm tin và ảo giác đã tạo ra “thủy cung”…
Mặc cho những phản bác theo hướng khoa học, trước lúc chia tay với chúng tôi, “vua lặn” Bùi Thượng vẫn cười khì: “ Tin hay không thì tùy nhưng với người đi biển thì “thủy cung” đó chính là niềm tin, chính nó đã giúp cho lớp lớp ngư dân an tâm bám biển”.
Nguyễn Minh