Thêm một vụ trao nhầm con ở nhà hộ sinh giữa Thủ đô

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:04, 12/03/2016

Những ngày này, câu chuyện về người phụ nữ bị trao nhầm con cách đây 42 năm tại nhà hộ sinh quận Ba Đình (Hà Nội) đang thu hút sự chú ý của dư luận, thế nhưng đây không phải là câu chuyện duy nhất tại Hà Nội.
Sáng ngày 12.3, phóng viên đã đến một hoàn cảnh khác cũng đang trên hành trình tìm lại gia đình cho con.
Đó là gia đình bà Phan Thị Tuyết Hoa (53 tuổi), ở phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội.
Khác nhóm máu
Theo lời kể của bà Hoa thì bà sinh cô con gái tên Hiền vào ngày 12.12.1987, tại nhà hộ sinh quận Đống Đa, ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên.
Chị Lê Thanh Hiền, hiện đang sống cùng gia đình chồng ở làng nghề Triều Khúc, bật khóc nức nở khi kể lại câu chuyện trớ trêu của mình.
Từ khi lớn lên, chị xinh hơn các anh chị khác trong gia đình. Nhiều khi họ hàng cũng như người thân thường hay trêu “không giống ai” và luôn nói tôi là con nuôi.
“Lúc còn nhỏ đi học các bạn thường nói tôi không phải là con của bố mẹ, lúc đó nhiều đêm tôi ngồi khóc một mình mà không nói được với ai và tự an ủi là họ trêu mình”- chị Hiền chia sẻ.
Cuộc sống cứ vậy trôi đi chị đi lấy chồng và một điều khiến chị phải suy nghĩ về chuyện “không giống ai”.
“Năm 2007 tôi sinh được một cháu gái, nhìn cháu không khác gì bố cả, đến năm 2010 tôi tiếp tục sinh cháu thứ 2 là con trai, cháu này thì giống đặc bố. Thấy vậy tôi đã nghĩ lại về chuyện mình không giống ai trong gia đình nên quyết định đi xét nghiệm máu. Kết quả cho tôi là nhóm máu B. Nhưng trong sổ khám bệnh, bố tôi là lại nhóm máu O. Điều này khiến tôi thấy khá lạ và bắt đầu tìm hiểu về nhóm máu, rồi sau đó tôi quyết định đi giám định AND” - chị Hiền kể.
Chị Hiền đã đến Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an để làm giám định. “Tôi bảo bố mẹ và em gái tôi đi xét nghiệm máu xem nhóm máu gì. Kết quả, cả nhà đều nhóm máu O, riêng tôi, nhóm máu B. lúc đó tôi không thể kìm nén được cảm xúc nên đã khóc”, chị Hiền nói.
Tuy nhiên, đó chưa phải là cú sốc lớn nhất cuộc đời chị Hiền. Ngày 8.5, Trung tâm giám định sinh học pháp lý - Viện Khoa học hình sự gọi chị Hiền đến nhận kết quả giám định ADN. Dòng chữ phũ phàng đã khiến chị ngã gục ngay lúc vừa lướt qua tờ giấy. Kết luận: Bà Phan Thị Tuyết Hoa không phải mẹ đẻ chị.
Không thể giữ được nữa chị quyết định kể sự thật cho mẹ 1 tuần sau đó. Cả gia đình chị Hiền sốc nặng, bố chị có lúc tức giận đã gào lên: “Tôi không muốn nghe”, còn bà Phan Thị Tuyết Hoa như người mất hồn. Suốt từ năm 1987 đến tháng 5.2013, bà chưa bao giờ nghĩ bị trao nhầm con tại nhà hộ sinh.
Cảm giác tôi đã mất hết rồi
Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Tuyết Hoa, mẹ chị Hiền vẫn nhớ như in ngày chuyển dạ sinh con.
Hôm đó, tôi tới nhà hộ sinh quận Đống Đa, ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên vào lúc khoảng 1 giờ sáng ngày 12.12.1987. Đến 4h35, tôi sinh con. Cô y tá đỡ đẻ nói là tôi sinh con gái. Thế nhưng, tôi chưa được nhìn con lúc đó. Phải đến 8h sáng ngày 12/12, tôi mới được ôm con và nhìn thấy con”, bà Hoa kể lại.
“Lúc đó, tôi thấy số trên đùi con rất mờ, tôi hỏi chồng tôi bảo số trên đùi con mờ thế thì chồng tôi bảo con nó vừa tắm rửa, thay tã người ta đưa con cho thì anh biết thế thôi nên tôi cũng không nghi ngờ gì nữa”, bà Hoa kể lại.
“Thế mà cách đây 3 năm, Hiền nói chúng tôi đi xét nghiệm máu, rồi giám định ADN. Tôi vẫn nhớ cái ngày con nói với tôi, mẹ ơi, kết quả không mong muốn. Tôi thấy đau lòng quá, cảm giác, tôi đã mất hết rồi”, bà Hoa bật khóc.
Để tìm lại cha mẹ ruột của mình, chị Hiền đã cùng chồng đến nhà hộ sinh quận Đống Đa để tìm lại những giấy tờ liên quan từ 29 năm trước.
“Tôi phải nhờ luật sư bảo lãnh thì lãnh đạo nhà hộ sinh mới cung cấp những giấy tờ liên quan và may mắn là giấy tờ sổ sinh của tôi vẫn còn lưu giữ.
“Tại đây, trong sổ lưu giữ chi tiết và ngày sinh và giờ sinh. Trong ngày 12.12.1987 có 5 người đến nhà hộ sinh để sinh nhưng trong bảng chỉ ghi rất vắn tắt địa chỉ mà giờ đã thay đổi nên cuộc tìm kiếm người thân gặp rất nhiều gian truân.
Nhị Tiến
/VietnamNet

Một Thế Giới