Nước rỉ từ bãi rác đe dọa nguồn nước uống của người dân TP.HCM
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:01, 03/03/2016
Theo lý thuyết trong quá trình xử lý, nước thải rỉ rác từ bãi chôn lấp rác thải được gom tập trung lại ở hồ chứa nước. Hồ chứa nước được bố trí hệ thống sục khí nhằm điều hòa lưu lượng, chất lượng nước thải và góp phần xử lý các chất có khả năng phân hủy sinh học. Từ đó, nước được lọc trước khi trả lại môi trường.
Khi đó, ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM nói rằng nguyên nhân ô nhiễm được cho là do nước rỉ rác từ khu chứa rác, bùn hữu cơ lộ thiên không được che chắn cẩn thận theo nước mưa chảy tràn ra môi trường bên ngoài. Ông Đam khi ấy cũng cảnh báo nguồn nước kênh Thầy Cai lại đổ ra sông có khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước cấp sinh hoạt của sông Sài Gòn.
Trong bản kết luận thanh tra các khu xử lý rác trong Thành phố ký ngày 26.1.2016 vừa được công bố, có những chi tiết đáng lo. Chẳng hạn, quanh khu Tây Bắc có dấu hiệu ô nhiễm và dinh dưỡng mà điển hình là xung quanh bãi rác Gò Cát. Chất lượng nước mặt ở sông Rạch Trà, khu vực chôn lấp Đông Thạnh có dấu hiệu ô nhiễm mà nguyên nhân được xác định là có khả năng do nước rỉ rác tạo ra.
Về chất lượng nước ngầm ở khu chế biến rác, tình hình cũng đáng quan ngại. Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc ô nhiễm Coliform và anomi không đạt chuẩn. Thanh tra nêu nguyên nhân ô nhiễm có thể do tích tụ từ cặn bã, chất thải sinh hoạt, phân bón hoặc do nước rỉ rác. Tại bãi rác Gò Cát, Coliform vượt quy chuẩn 10-43 lần, tại khu vực chôn lấp Đông Thạnh dù được xử lý tốt nhưng Coliform cũng vượt chuẩn 2,3-4 lần.
Tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, chất lượng mạch nước quanh kênh Rạch Chiếc, Rạch Ngã Cậy, điểm tiếp giáp ngã ba Rạch Chiếc – sông Cần Giuộc có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, sắt.... Nguồn gây nên ô nhiễm này do sự lan truyền các chất ô nhiễm từ đầu nguồn đổ về. Thông số N-NO2 (một chỉ số đánh giá ô nhiễm) có sự gia tăng bất thường tại các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Nước ngầm tại khu vực Đa Phước có chỉ tiêu N-NH4+ vượt chuẩn 5,6 đến 13 lần.
Có thể thấy môi trường nước xung quanh các bãi rác đều ô nhiễm và nước rỉ rác được chỉ ra như một thủ phạm nguy hiểm. Đặc biệt ở khu Tây Bắc là thượng nguồn cấp nước cho các nhà máy nước lấy nước thô từ sông Sài Gòn, việc nước rỉ rác tuồn ra là một mối đe dọa cho chất lượng nguồn nước.
Thảo Hương