Nên xây hầm chui qua sông Hàn như thế nào?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:57, 22/12/2015
Lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng và các sở ngành liên quan đều thống nhất cao phương án xây hầm chui qua sông Hàn. Tuy nhiên, phương án cụ thể sẽ như thế nào?
Chiều 22.12, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng cùng các sở ngành liên quan đã có cuộc họp nghe báo cáo phương án đầu tư cầu mới qua sông Hàn.
Đơn vị tư vấn được chọn là Cty CP tư vấn thiết kế cầu lớn -hầm (BRITEC) thuộc Bộ GTVT. Theo đơn vị này, có hai phương án là xây cầu nối và hầm vượt qua sông Hàn đoạn giữa cầu Thuận Phước và cầu quay Sông Hàn.
Việc xây cầu nối nhằm giải quyết giao thông giữa quận trung tâm Hải Châu và quận Sơn Trà. Theo đó, cả phương án hầm và cầu, mỗi phương án có 2 lựa chọn kết nối. Điểm kết nối phía quận Hải Châu được chọn là nút giao đường Đống Đa-3/2-Bạch Đằng. Điểm kết nối phía quận Sơn Trà có 2 lựa chọn, ở đầu đường Vân Đồn hoặc ở đầu đường Nguyễn Thị Định.
Nếu xây hầm sẽ có 6 làn xe, 2 đường thoát hiểm. Nếu nối từ đường Đống Đa qua đường Vân Đồn hầm sẽ dài hơn nhưng sẽ ít ảnh hưởng bởi GPMB, giải quyết được lưu thông nhiều hơn. Nếu nối từ đường Đống Đa qua đường Nguyễn Thị Định hầm kín sẽ ngắn hơn nhưng giải quyết giao thông không hiệu quả bằng phương án trên, hơn nữa sẽ gây khó khăn cho giao thông phía quận Sơn Trà vì có nhiều trường học. Tổng chi phí cho 2 phương án làm hầm khoảng trên 3.000 tỉ.
Về phương án cầu, cũng có 2 hướng kết nối như hầm. Tổng chi phí thấp hơn làm hầm khoảng vài trăm tỉ đồng.
Đoạn sông Hàn giữa cầu Thuận Phước và cầu Sông Hàn- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
Tuy nhiên, cả đơn vị tư vấn lẫn các sở ngành của Đà Nẵng đều thống nhất cao với phương án làm hầm vượt sông. Theo đó, trên sông Hàn hiện chỉ có quãng sông giữa cầu Thuận Phước và cầu Sông Hàn là thông thoáng, là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện ngoài trời, do đó làm hầm sẽ không ảnh hưởng đến cảnh quan của các hoạt động du lịch, ví dụ như không gian bắn pháo hoa.
Hơn nữa, đoạn sông này đang có quy hoạch cho nhiều bến du thuyền, việc làm hầm sẽ không gây ảnh hưởng tới các bến du thuyền này, còn nếu làm cầu sẽ gây ảnh hưởng.
Đoạn sông Hàn này cũng là đoạn gần cửa vịnh Đà Nẵng, việc làm hầm sẽ hạn chế nguy hiểm vì mưa gió cho người tham gia giao thông, nhất là về mùa mưa bão.
Cả đơn vị thiết kế, Sở GTVT, Sở Xây dựng, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng đều thống nhất đề xuất phương án làm hầm vượt sông vì những lý do trên. Hơn nữa, trên sông Hàn đã có nhiều cây cầu với thiết kế độc đáo, do đó làm hầm vượt, một kiến trúc xây dựng mới cũng tạo nên điểm nhấn khác cho sông Hàn.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng phương án làm hầm vượt sông là tối ưu hơn, có thể tốn thêm 300-400 tỉ đồng nhưng giải quyết được nhiều vấn đề căn cơ. Tuy nhiên, ông Thơ yêu cầu Sở GTVT cần nghiên cứu thêm về các vị trí kết nối hầm giữa hai bờ có tính tối ưu nhất để giải quyết bài toán lâu dài và tiết kiệm cho tương lai.
Đồng thời, yêu cầu Sở này cần có kế hoạch xin ý kiến ngoài cộng đồng rộng rãi, ý kiến cố vấn của các chuyên gia để lựa chọn phương án tối ưu nhất.
Sau kết quả khảo sát và lựa chọn được thống nhất, UBND TP.Đà Nẵng sẽ có cuộc họp bàn với Thường trực Thành ủy. Nếu thống nhất sẽ trình ra HĐND để đi đến việc xây dựng.
Hiện tại, trên sông Hàn có 6 cây cầu bắc qua. Tuy nhiên, cầu Sông Hàn đã thường xuyên xảy ra ách tắc vào giờ cao điểm. Trong lúc đó, cầu Thuận Phước nằm cạnh cửa sông lại không khai thác hết do người dân ngại lưu thông qua vì cầu cao, gió lớn… Đoạn sông giữa hai cầu này (khoảng hơn 2km) nối quận trung tâm Hải Châu và quận Sơn Trà (có bờ biển du lịch, cảng Tiên Sa). Do đó, áp lực giao thông rất lớn.
Lê Đình Dũng