Nhiều quy định chuyển tuyến đang làm khổ các bệnh viện
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:03, 21/12/2015
Để hạn chế việc chuyển tuyến một cách vô tội vạ, nhất là từ tuyến dưới lên tuyến trên gây cho các bệnh viện bị quá tải, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14/2014/TT- BYT ngày 14.4.2014 nhằm siết chặt việc chuyển tuyến. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện không ít các bệnh viện và bệnh nhân lúng túng tìm cách để xoay sở.
Nhiều quy định không ổn
Theo Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến thời điểm này, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện thông tư 14 chỉ mới có 23/64 tỉnh, thành có tất cả các cơ sở y tế triển khai thực hiện chuyển tuyến theo thông tư.
Ngay cả những cơ sở y tế đã triển khai thực hiện thông tư 14 nhưng cũng không thực hiện đầy đủ hết các quy định trong thông tư, vì nhiều điều khoản trong thông tư đang gây khó cho các đơn vị y tế, không thể thực hiện được.
Tại Hội nghị đánh giá 5 năm công tác chỉ đạo tuyến, góp ý xây dựng chỉ đạo tuyến và 1 năm thực hiện thông tư 14/ 2014/ TT-BYT quy định việc chuyển tuyến, giao ban chuyển tuyến hôm 19.12 vừa qua tại TP.HCM, không ít lãnh đạo các bệnh viện tỏ ra không hài lòng với thông tư này.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai cho biết, trong quy định của thông tư chuyển tuyến này có quy định chuyển ngược bệnh nhân từ tuyến trên về tuyến dưới sau khi điều trị ổn định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc điều trị ở đâu là quyền của của bệnh nhân, bệnh viện khó có thể ép bệnh nhân quay xuống tuyến dưới điều trị.
“Nhiều bệnh nhân không tin tưởng tuyến dưới, không đồng ý chuyển xuống tuyến dưới, bệnh viện chỉ là giải thích, động viên, còn đi hay không là quyền của bệnh nhân. Mặc dù Bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai là bệnh viện hạng 1 nhưng tỷ lệ bệnh nhân chúng tôi chuyển về tuyến dưới còn rất thấp. Từ đầu năm 2015 đến hết tháng 11, tỷ lệ chuyển bệnh nhân ngược về tuyến dưới chỉ có 0,32%”, bác sĩ Dũng cho biết.
Đối với các bệnh viện, cái khó hiện nay để thực hiện thông tư này không chỉ là vấn đề chuyển ngược bệnh nhân về tuyến dưới sau khi điều trị ổn định mà hầu như những điều quy định trong thông tư này các bệnh viện đều “kêu trời”.
Hàng loạt những quy định như: điều kiện chuyển tuyến, thẩm quyền ký giấy chuyển tuyến, thủ tục chuyển tuyến, chế độ báo cáo và giao ban chuyển tuyến…các bệnh viện đều xin thay đổi một số quy định đang làm khó bệnh viện.
Chẳng hạn thủ tục chuyển tuyến, Bộ y tế quy định, trong trường hợp người bệnh cấp cứu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần liên hệ với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dự kiến chuyển người bệnh đến; kiểm tra lần cuối cùng tình trạng người bệnh trước khi chuyển; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để cấp cứu người bệnh trên đường vận chuyển.
Lãnh đạo một bệnh viện tỉnh cho rằng, trong lúc bệnh nhân cấp cứu, cần phải chuyển gấp, phải chờ liên hệ với bệnh viện cần chuyển thì mất rất nhiều thời gian.
“Trong trường hợp, nếu vì một lý do nào đó, không thể liên lạc được với bệnh viện tuyến trên không lẽ để bệnh nhân chịu chết sao”, vị lãnh đạo bệnh viện tỉnh này phân trần.
Không biết lấy đâu ra người để làm
Trong khi đó, chế độ báo cáo và giao ban chuyển tuyến với hàng loạt quy định như: tổng hợp thông tin chuyển tuyến, phản hồi thông tin người bệnh chuyển tuyến, báo cáo công tác chuyển tuyến… các bệnh viện không biết lấy đâu ra người để làm những điều này.
Theo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, tổng số viên chức lao động của bệnh viện này là 1.220 người. Công việc của từng người đều đã được sắp xếp từ trước, nay nảy sinh ra hàng loạt vấn đề phải báo cáo theo quy định, nếu không phải tuyển thêm người thì không thể nào thực hiện được những quy định trên.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết hiện chỉ có 20/62 bệnh viện báo cáo về việc chuyển người bệnh ổn định về tuyến dưới. Các đơn vị chưa thực sự nghiêm túc trong việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo.
Bên cạnh đó, không ít bệnh viện khi triển khai thông tư này đã gặp nhiều khó khăn như: bệnh nhân bảo hiểm y tế vượt tuyến chưa hiểu quyền lợi được hưởng nên đã gây phiền hà cho cán bộ y tế; tâm lý người bệnh muốn chuyển tuyến trên để được điều trị tốt hơn; thông tin chuyển tuyến chưa đầy đủ, kịp thời; chưa có phần mềm chuyển tuyến thống nhất nên cán bộ làm công tác chuyển tuyến tổng hợp rất khó khăn.
Chính ông Cao Hưng Thái – Phó cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng thừa nhận, do chưa có phần mềm quản lý chuyển tuyến, rất khó khăn trong việc tổng hợp thông tin chuyển tuyến. Đây cũng là lý do, các đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo.
Hồ Quang