Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài e ngại về ngành điện
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:37, 19/12/2015
Trong khi nhu cầu đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng tăng cao thì một trong những vấn đề họ lo ngại là khả năng cung ứng điện của ngành điện lực nước ta.
Hội nghị trao đổi với các doanh nghiệp nước ngoài là những khách hàng lớn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trên địa bàn TP.HCM đã được tổ chức ngày 18.12 tại trụ sở Tập đoàn Điện lực (35 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM). Đây cũng là buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp của EVN với các khách hàng.
Bao trùm lên những ý kiến nhận xét, đóng góp tại hội nghị là sự lo lắng của doanh nghiệp về tình trạng cung cấp điện cho sản xuất. Ông Jean Piere Guill, đại diện Công ty Aston đánh giá cao những nỗ lực truyền tải và cung cấp điện an toàn và hiệu quả của EVN. Ông cho biết nhiều doanh nghiệp Mỹ đang muốn đầu tư vào Việt Nam và trong tương lai con số này sẽ càng tăng cao. Nhưng ông đặc biệt quan tâm trong thời gian tới EVN liệu có kế hoạch tăng năng suất cung cấp điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của các doanh nghiệp Mỹ hay không, đặc biệt là tạo tâm lý an tâm cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, Giám đốc Phòng Tổng hợp của Công ty Intel VN, ông Fabian Aguilar Leiton, cho biết nếu EVN vẫn bảo đảm nguồn cung an toàn thì trong thời gian tới Công ty Intel VN dự kiến sẽ tăng công suất nhà máy hơn nữa. Ông cũng đưa ra đề xuất rằng EVN nên theo hướng tiếp cận khách hàng gần gũi hơn để có sự hợp tác, chia sẻ những giải pháp kỹ thuật tải điện hiệu quả, an toàn.
Bà Florence Lomaglio, Phó chủ tịch Tiểu ban tăng trưởng xanh thuộc tổ chức phi chính phủ Eurocham VN nói tại hội nghị rằng giá điện không phải là vấn đề quan trọng. Thậm chí các doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng bỏ thêm 20% chi phí nhưng phải đảm bảo điện luôn cấp đủ. Bà Florence cũng cho biết đơn vị này đã từng khảo sát với 115 doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam xoay quanh chủ đề: “Giá điện cao có ảnh hưởng gì hoạt động đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam hay không?”.
Và kết quả cũng khiến bà vô cùng ngạc nhiên, "Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam dường như không quan tâm đến giá điện tại Việt Nam. Đến 60% doanh nghiệp FDI cho biết phần chi cho điện chiếm dưới 5% tổng chi phí vận hành. Có thể thấy họ không quan tâm đến giá điện là bao nhiêu nhưng họ lại rất quan tâm đến chất lượng nguồn điện. Qua khảo sát có đến 62% doanh nghiệp không hài lòng với hệ thống cung cấp điện hiện nay vì đánh giá nó chưa tạo được sự tin cậy. Đây chính là lý do hạn chế sự thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam".
Về phía EVN, ngành điện cho biết đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư các công trình cung cấp điện tại Việt Nam. Trước mắt, EVN khẳng định sẽ cung cấp đủ nhu cầu cho doanh nghiệp.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN cam kết rằng EVN có các biện pháp để đáp ứng nhu cầu điện và có kế hoạch đầu tư xây dựng các hệ thống nguồn điện theo đúng quy hoạch.
"Trong những năm qua, chúng tôi luôn rà soát, đánh giá lại khả năng cung ứng điện, các dự án nguồn điện đang đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành để cân đối hệ thống trong mỗi giai đoạn 5 năm. Vừa rồi chúng tôi đã cân đối cho giai đoạn 2016 - 2020. Với các dự án và tiến độ đang được thực hiện thì chúng tôi khẳng định nguồn điện giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển, tăng trưởng theo dự báo bình quân từ 11 - 12%".
Ông Thanh nói thêm rằng song song với sự đầu tư phát triển nguồn cấp điện thì EVN cũng đang xây dựng hệ thống lưới điện để nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chí N-1 (tiêu chí bảo đảm nếu hệ thống điện bị mất do sự cố thì sẽ không phải sa thải phụ tải hoặc hệ thống phải vận hành ngoài các giới hạn kỹ thuật cho phép). Theo tiêu chuẩn mới, khách hàng phải được cấp 2 nguồn bao gồm nguồn dự phòng để đảm bảo việc cấp điện không bị gián đoạn.
Thảo Hương