TP.HCM: Tinh giản biên chế là việc vô cùng khó
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:17, 11/11/2015
Theo đề án, việc tinh giản biên chế tại TP.HCM diễn ra trong khoảng thời gian từ 2015-2021 sẽ cắt giảm 13.927 biên chế, trong đó khối hành chính nhà nước giảm 1.311 người, khối sự nghiệp giảm 12.616 người và không giới hạn chức vụ, bằng cấp học vị cũng như độ tuổi mà sẽ căn cứ vào năng lực làm việc của mỗi người.
Năng lực làm việc là tiêu chuẩn để đánh giá
Trong cuộc họp báo sáng nay 11.11, ông Lê Văn Làm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cũng là người triển khai hướng dẫn tập huấn nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế, nói rằng các đối tượng nằm trong diện tinh giản biên chế sẽ căn cứ theo điều 6 của nghị định 108, theo đó sẽ không giới hạn chức vụ, bằng cấp học vị, giới tính, độ tuổi mà sẽ căn cứ vào sự đánh giá năng lực làm việc.
Việc đánh giá năng lực này dựa vào tiêu chí và đánh giá từ trên xuống. Theo đó, cơ quan đánh giá cao nhất sẽ là UBND thành phố. Ủy ban sẽ đánh giá năng lực các ban giám đốc sở ngành. Ban giám đốc sẽ là người đánh giá các trưởng - phó phòng (ban); trưởng - phó phòng (ban) sẽ đánh giá nhân viên phòng ban của mình. Câu hỏi đặt ra là liệu có sự tiêu cực nào quanh việc đánh giá này khi mà mọi người có thể tranh thủ cảm tình đối với cấp trên để có kết quả như mong muốn. Ông Làm cho rằng điều ấy khó xảy ra bởi bên cạnh đánh giá năng lực làm việc thì cũng có sự đánh giá phân loại đảng viên.
Theo ông Làm, đây là yếu tố bổ sung cho việc sàng lọc, lựa chọn đối tượng tinh giản. Ông nói: “Không có lý nào mà người hoàn thành tốt công việc lại không hoàn thành nhiệm vụ đảng viên, và ngược lại, không thể có chuyện không hoàn thành công việc mà được đánh giá, phân loại là đảng viên tốt được. Nếu họ làm tốt thực sự, dù cấp trên có ghét thì cũng không thể cho giảm biên chế được”.
Cũng có một thực tế đang xảy ra, một số người khi nghe có đợt tinh giản biên chế đã xin nghỉ làm để được hưởng các chế độ chính sách, rồi ra ngoài làm những vị trí tốt hơn dù không thuộc đối tượng tinh giản. Tuy nhiên, ông Làm quả quyết sẽ có trường hợp có người muốn nghỉ cũng không được và có người muốn tiếp tục làm cũng không được.
Ông Lê Văn Làm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM trả lời câu hỏi của các nhà báo trong cuộc họp ngày 11.11. Ảnh: Thảo Hương
Đối tượng bị tinh giản biên chế sẽ được đào tạo lại
Những người thuộc diện tinh giản biên chế nếu trong độ tuổi còn có thể làm việc lâu dài sẽ được đào tạo lại, bố trí việc làm hợp lý hoặc giới thiệu việc làm mới.
Việc tinh giản biên chế không chỉ là giảm nhân sự mà còn xem xét đến sự trùng lặp về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan ban ngành. Ông Làm nêu ví dụ, đơn vị cấp nước, thoát nước, trung tâm chống ngập… Hoặc như Sở Công Thương, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Khoa học - Công nghệ… Đó là những ví dụ để hình dung rõ hơn việc xem xét nên hay không thu gọn lại tổ chức hành chính.
Một hình thức tinh giản biên chế hiện nay được thực hiện là cứ nghỉ 2 người thì tuyển 1 người. Sở Nội vụ cho biết không ép các đơn vị mà mỗi đơn vị tự tính toán nhân sự. Nếu thời gian này các đơn vị không sớm thực hiện thì áp lực về sau càng cao.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Nội vụ đã triệu tập các Sở Nội vụ của 63 tỉnh thành hướng dẫn, tập huấn, triển khai cụ thể, có cả sự tham gia của Sở Tài chính và Bảo hiểm Xã hội. Sau đó sẽ triển khai xuống các cơ quan đơn vị khác.
Hiện nay, việc thực hiện đề án này tại TP.HCM được coi là đã chậm hơn lộ trình đề ra. Giải thích điều này, ông Làm nói rằng vì thành phố lớn, viên chức đông. Ông Làm cho biết lộ trình tinh giản 10% biên chế sẽ được chia đều từ năm 2015 đến năm 2021, thực hiện từng bước, tuyên truyền, thuyết phục để các cán bộ công chức, viên chức nắm rõ đối tượng nào sẽ nằm trong nhóm bị tinh giản biên chế.
Người trong biên chế nhà nước phải là người giỏi
Trong buổi họp báo, ông Làm đề cập đến suy nghĩ người giỏi thường tập trung làm ở các đơn vị ngoài quốc doanh chứ không tập trung làm cho nhà nước. Ông cho rằng nói như vậy không chính xác. Dẫn chứng về việc này, ông Làm đưa ra ví dụ “nhân sự vị trí văn thư mà Sở Nội vụ tuyển vào đầu năm nay, chỉ một vị trí mà có 7 ứng cử viên, trong đó có 2 thạc sĩ. Cuối cùng một người trình độ cử nhân được tuyển vì điểm thi tuyển nhỉnh hơn. Điều ấy cho thấy việc tuyển dụng rất công bằng, không ưu tiên học vị cũng như con ông cháu cha...”.
Theo Sở Nội vụ, việc tinh giản nhằm cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nâng cao chất lượng nhân lực, thu hút những người có trình độ, chuyên môn góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước. Việc này cũng nhằm tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương. Ông Làm tự tin: “Chúng tôi tin rằng đội ngũ sau khi tinh gọn sẽ mạnh hơn, hiệu quả hơn”.
Dù vậy, việc tinh giản biên chế vẫn là vấn đề khó khăn, nhạy cảm cần phải thực hiện kỹ lưỡng. Về điều này, theo ông Làm: “Nói gì thì nói, áp lực giải quyết cho một người nghỉ việc vô cùng khó, muốn cho người ta nghỉ việc thì phải chứng minh được người ta có sai phạm, không đáp ứng được yêu cầu, chứ không phải cứ muốn cho nghi là nghỉ, vô đã khó nhưng cho nghỉ lại càng khó hơn”.
Kế hoạch tinh giản biên chế từng năm từ 2015-2021
Khối hành chính: 13.049 người
Năm 2015: 11 người
Năm 2016: 100 người
Năm 2017: 170 người
Năm 2018: 200 người
Năm 2019: 230 người
Năm 2020: 300 người
Năm 2021: 300 người
Khối sự nghiệp: 126.114 người
Năm 2015: 6 người
Năm 2016: 610 người
Năm 2017: 1.000 người
Năm 2018: 2.400 người
Năm 2019: 2.600 người
Năm 2020: 3.000 người
Năm 2021: 3000 người