Linh mục đi hát hàng đêm kiếm tiền duy trì quán cơm 2.000 đồng giúp người nghèo
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:27, 13/03/2016
Những người dân lao động nghèo tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang) gọi quán cơm “Huynh Đệ” là “quán cơm cổ tích” bởi kể từ khi quán cơm 2.000 đồng này ra đời, nhiều người dân đã không còn phải nhịn đói mỗi ngày...
Đi hát, bán đĩa… lấy tiền mở quán giúp dân nghèo
Với rất nhiều người, để có được cơm ngày ba bữa là cả một quá trình đấu tranh, vật lộn với "cuộc chiến" mưu sinh. Nhìn cảnh những người bán vé số, lao động chân tay hay những em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ hằng ngày phải đi xin từng bữa ăn, chén nước, linh mục Nguyễn Tấn Sang nung nấu ý nghĩ phải làm một điều gì đó để giúp đỡ mọi người.
Xuất phát từ ý tưởng mang đến những bữa ăn miễn phí cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với số tiền tích góp được sau nhiều năm đi ca hát cho hoạt động từ thiện, linh mục Nguyễn Tấn Sang đã quyết định mở quán cơm Huynh Đệ để phục vụ bà con nghèo.
Nằm trên đường Trần Hưng Đạo, TP Mỹ Tho, từ hai năm nay, quán cơm Huynh Đệ đã trở thành mái nhà chung của tất cả người lao động nghèo. Họ tìm đến quán không chỉ để no bụng mà trên hết là để tìm thấy tình cảm ấm áp sẻ chia.
Cô Võ Thị Thu Liên bán vé số (48 tuổi, ở P.4, TP.Mỹ Tho) chia sẻ: “Nhờ có những bữa cơm như thế này mà cuộc sống của tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều. Thay vì phải bỏ ra mười mấy ngàn cho một bữa ăn như trước thì nay tôi chỉ mất có hai ngàn đồng. Tôi không còn cảm giác phải lo sợ cho từng bữa ăn nữa mà thay vào đó là niềm hạnh phúc mỗi khi đặt chân đến quán cơm”.
Dù là bữa cơm 2000 đồng nhưng có đầy đủ các món ăn và trái cây tráng miệng. |
Không chỉ cô Liên mà với hàng trăm người dân lao động nghèo tại Mỹ Tho, quán cơm Huynh Đệ chính là mái nhà thứ hai, là nơi chia sẻ và giúp đỡ họ vượt qua bao nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống.
“Tôi mở quán ăn này không chỉ phục vụ những bữa ăn giá rẻ mà tôi mong muốn thông qua những bữa ăn đó, mọi người tìm thấy được sự ấm áp của tình người, sự gần gũi nhau giữa người với người và từ đó tạo nên một xã hội biết thương yêu nhau, biết chia sẻ cùng nhau những vui buồn sướng khổ của đời người” - cha Sang tâm sự.
Bữa cơm từ thiện mở cửa phục vụ từ thứ Hai đến thứ Sáu cho người nghèo tại TP Mỹ Tho. Kinh phí để duy trì hoạt động của quán ăn, cha Sang cho biết đó là từ chính những đồng tiền do cha đi hát ở các tụ điểm ca nhạc trong những dịp đặc biệt, tiền bán những đĩa CD ghi âm tiếng hát của chính mình. Ngoài ra quán cơm còn hoạt động nhờ sự ủng hộ từ những người có cùng chí hướng muốn giúp người nghèo.
Để duy trì hoạt động của quán cơm không phải là một điều đơn giản, nhiều đêm cha Sang phải thức trắng để tìm ra phương án giúp quán cơm tồn tại vì cha biết, đó là nguồn sống của hàng trăm người dân nghèo tại đây.
Đến với quán cơm, không chỉ có những người dân lao động mà còn có những em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đối với họ, bữa cơm 2.000 đồng như một điều kỳ diệu trong cuộc sống. Bạn Nguyễn Thành An (sinh viên) chia sẻ: “Em chỉ biết ở Sài Gòn có những quán cơm 2.000 đồng không ngờ tại Mỹ Tho cũng có. Đến với quán cơm, không những được ăn no, ăn ngon mà đặc biệt là em cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương giữa mọi người dành cho nhau”.
Nơi kết nỗi những tấm lòng nhân ái
Để quán cơm đi đúng mục đích, giúp đỡ đúng người, cha Sang phải xác minh từng hoàn cảnh của mỗi người khi muốn đến ăn cơm tại quán. Sau khi kiểm tra xong, mỗi người được cấp một phiếu ăn, lên danh sách và đăng ký bữa ăn (trưa, tối) vào mỗi tuần để quán có sự chuẩn bị.
Đến quán cơm Huynh Đệ, điều đầu tiên mà mọi người nhìn thấy chính là sự nề nếp, trật tự. Từ việc xếp hàng, chờ phần cơm của mình đến việc tự thu dọn sau khi ăn xong đều được mọi người tự giác chấp hành.
Bà Phương (60 tuổi) sinh sống tại Q.6, TPHCM nhưng cứ mỗi tuần lại đều đặn xuống quán cơm Huynh Đệ để giúp đỡ mọi người trong việc nấu nướng, phục vụ bữa cơm cho bà con nghèo. Bà chia sẻ: “Thu xếp được công việc gia đình là tôi liền chạy xuống đây để phụ việc, quán cơm giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về những giá trị nhân sinh trong cuộc sống. Cảm giác nhìn những cụ già, em nhỏ ăn những phần cơm do mình nấu một cách ngon lành rất hạnh phúc.Tôi chỉ ước quán cơm có đủ kinh phí để hoạt động, nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ hơn nữa để mang lại niềm vui cho những người lao động nghèo khổ”.
Không chỉ bà Phương mà có rất nhiều người tìm đến quán cơm Huynh Đệ để xin phụ việc, từ những bạn sinh viên, bác công nhân, cô giúp việc đến những công nhân viên chức… Ở đây họ tìm thấy niềm vui cũng như cảm nhận được ý nghĩa từ chính công việc mà họ đang làm.
Dù chỉ với 2.000 đồng, số tiền chỉ đủ mua một ly trà đá hoặc que kẹo nhưng không vì thế mà bữa cơm lại kém chất lượng. Mỗi phần ăn đều đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như đảm bảo vệ sinh oan toàn thực phẩm.
Để có được điều đó, cha Sang chính là người đi chợ để chọn lựa mang về quán những thực phẩm tươi ngon nhất. Đối với cha, mỗi công việc mình làm ra phải xuất phát từ “tâm”, không được làm cho lấy có, lấy hình thức. Chính vì vậy, khi bước vào quán là ập vào mắt mọi người thông điệp: “Yêu thương – Hi sinh – Phục vụ” được đặt ngay giữa quán. Có lẽ đó cũng chính là điều mà cha Sang muốn mọi người đến với quán cơm Huynh Đệ cảm nhận được.
Khi được hỏi về tại sao không hoàn toàn miễn phí bữa cơm cho người nghèo mà lại tính giá 2.000 đồng? Cha Sang chia sẻ đó là cách làm để mọi người có thể cảm nhận rõ hơn về sự sẻ chia trong cuộc sống. Khi bỏ vào thùng 2.000 đồng là họ đã đóng góp, cùng chung sức để duy trì hoạt động của quán. Hơn nữa, nhiều người sẽ rất ngại nếu đến và dùng cơm miễn phí. Mặc dù 2.000 đồng không lớn nhưng nó đủ để mọi người hiểu hơn về mục đích thành lập quán.
Với những việc làm hết sức ý nghĩa, quán cơm Huynh Đệ không chỉ là điểm đến của những người có hoàn cảnh khó khăn mà là nơi kết nối những tấm lòng, đem yêu thương, sự sẻ chia để tất cả mọi người.
Minh Trị - Tùng Long/ Dân Trí