Indonesia dọa kiện đường “lưỡi bò” của Trung Quốc ra tòa án quốc tế

Chuyển động - Ngày đăng : 05:54, 12/11/2015

Sau Philippines, tới lượt Indonesia muốn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này trên biển Đông. Đây là thông tin được Bộ trưởng phụ trách những vấn đề chính trị, xã hội và luật pháp Indonesia cho biết.
Yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đã nuốt trọn quần đảo Natuna giàu tài nguyên của Indonesia. Vì vậy các quan chức của nước này cho rằng, nếu không thể đối thoại với Bắc Kinh trong vấn đề lãnh thổ thì cần phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền gần hết biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Jakarta cho rằng đòi hỏi của Bắc Kinh ở khu vực vùng biển của mình là vô lý và không có căn cứ pháp lý.
"Chúng tôi muốn có một giải pháp về điều này (giải quyết tranh chấp với Trung Quốc) trong tương lai gần thông qua đối thoại", ông Pandjaitan nói. Ông không đưa ra thời hạn cho việc đối thoại với Trung Quốc. Nhưng nếu đối thoại không thành công, Jakarta sẽ đưa vụ kiện ra tòa án quốc tế, một hành động mà Philippines đã làm và gây ra sự tức giận từ Bắc Kinh.
"Tôi nghĩ đây là giải pháp tốt nhất thay vì sử dụng sức mạnh", ông Pandjaitan nói.
Philippines là nước đầu tiên có tranh chấp ở Biển Đông khởi kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế. Vụ kiện đã được tòa chính thức tuyên bố thụ lý và dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào năm 2016.
Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Jakarta. Lâu nay Trung Quốc luôn phản bác cáo buộc của các nước về vấn đề Biển Đông dù Bắc Kinh không có bằng chứng để khẳng định điều ngược lại.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố không tham gia phiên tòa cũng như không công nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế mà Philippines khởi kiện, dù tổ chức độc lập của Liên Hợp Quốc này có đủ căn cứ pháp lý để thụ lý vụ kiện. Trung Quốc luôn tìm cách gây áp lực buộc các nước phải từ bỏ ý định sử dụng con đường pháp lý để đối đầu với Bắc Kinh.
Đường 9 đoạn hay còn được gọi là đường "lưỡi bò" của Trung Quốc ôm trọn 90% diện tích biển Đông, mà chỉ dựa trên cơ sở là "vùng nước lịch sử" - một định nghĩa xa lạ trong công pháp quốc tế.
Indonesia có truyền thống làm trung gian hòa giải các nước trong khu vực và Trung Quốc xung quanh vấn đề biển Đông. Nhưng dưới thời Tổng thống Joko Widodo, nước này lại muốn gia tăng sức mạnh của lực lượng tuần tra bờ biển. Indonesia đã nhờ Mỹ trợ giúp trong vấn đề xây dựng lực lượng tuần dương của mình.
Thiên Hà (theo The Wall Street Journal)

Một Thế Giới