Diễn biến ở Biển Đông làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia
Chuyển động - Ngày đăng : 06:40, 07/11/2015
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, những diễn biến đáng lo ngại gần đây ở Biển Đông cho thấy khu vực đang tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn định và làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia...
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, trong hai ngày 5 và 6.11, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 12 tiến hành phiên họp tại Luxembourg về “Kết nối và tương lai ASEM”.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu. Ông Sơn đã có bài phát biểu tại Hội nghị, nhấn mạnh vào các việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, Châu Á – Thái Bình Dương và toàn thế giới.
Khu vực đang tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn định
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ASEM cần tiếp tục nâng cao vai trò và nỗ lực củng cố các cơ chế đối thoại và hợp tác khu vực, liên khu vực và toàn cầu.
Ông Sơn cũng cho rằng cần phải thúc đẩy các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, tăng cường đối thoại và hợp tác trên cơ sở hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi, góp phần hình thành một cấu trúc an ninh bền vững, kịp thời ứng phó với những đòi hỏi mới, cấp bách của tình hình.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động và động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Song những diễn biến đáng lo ngại gần đây ở Biển Đông cho thấy khu vực đang tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn định và làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, tác động sâu sắc đến môi trường an ninh, phát triển, tự do hàng hải và hàng không cùng trao đổi thương mại ở khu vực và giữa các châu lục.
Trưởng đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng: Để duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, Châu Á – Thái Bình Dương và toàn thế giới, cần thúc đẩy đối thoại, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực đề xuất và triển khai sáng kiến của các thành viên ASEM về tăng cường phối hợp và hợp tác nhằm thực hiện mục tiêu chung.
Việt Nam sẽ cùng các thành viên ASEM tiếp tục tăng cường đóng góp thiết thực và có trách nhiệm nhằm nâng tầm hợp tác của Diễn đàn vào nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng chung ở hai châu lục và thế giới.
Đẩy mạnh hợp tác trên cả 3 trụ cột Lần này, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM đã nhất trí đưa kết nối trở thành một trong những nội hàm chính của hợp tác ASEM, đề cao việc kết nối giữa hai châu lục trên cả ba phương diện hạ tầng cơ sở, thể chế và con người, tăng cường kết nối khu vực và tiểu khu vực, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông nhằm phục hồi kinh tế, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững và đồng đều, đáp ứng tốt nhất lợi ích của người dân.
Các thành viên nhất trí nghiên cứu khả năng thành lập Nhóm làm việc về kết nối, ủng hộ việc nối lại Cuộc họp các quan chức cao cấp về thương mại và đầu tư (SOMTI), làm sống động hợp tác kinh tế; cam kết tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ các chương trình hợp tác tiểu vùng, khu vực, đặc biệt là Mekong – Danube nhằm giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển cũng được nhấn mạnh.
Đồng thời, Hội nghị đề cao vai trò của ASEM là diễn đàn đối thoại và hợp tác hàng đầu giữa hai châu lục để tăng cường hiểu biết, đẩy mạnh hợp tác trên cả 3 trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác trên nguyên tắc đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Hội nghị cũng nhất trí triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả điều phối và hợp tác của Diễn đàn.
Trong ngày 6.11, Hội nghị tiếp tục ngày làm việc thứ hai với Phiên họp về “Các vấn đề quốc tế và khu vực”, đặc biệt là các vấn đề liên quan hòa bình, an ninh, chủ nghĩa khủng bố, di cư, an ninh hàng hải…
Các thành viên chia sẻ đánh giá về tình hình phức tạp tại Trung Đông - Bắc Phi, tiến trình hòa bình Trung Đông, Bán đảo Triều Tiên… Nhiều thành viên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến mới đang tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có Biển Đông.
Hội nghị nhất trí về nhu cầu cấp thiết cần tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định.
Các Bộ trưởng khẳng định cam kết cùng nỗ lực bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại, đề cao nguyên tắc kiềm chế không có hành động đơn phương, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc 1982, thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin.
Hội nghị đánh giá cao vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Tuệ Minh
>> Yêu cầu Hà Nội, Hà Tĩnh khẩn trương giải quyết việc giáo viên bị cắt hợp đồng
>> Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản bàn về Biển Đông
>> Đề nghị không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở Biển Đông