Tàu chiến Mỹ đến biển Đông: Nguy cơ nào?
Chuyển động - Ngày đăng : 13:33, 28/10/2015
Việc khu trục hạm Lassen của hải quân Mỹ áp sáp một đảo do Trung Quốc (TQ) xây dựng trái phép vào sáng 27.10 có thể đánh dấu sự tái diễn căng thẳng địa-chính trị truyền thống, tại một khu vực lâu nay bận tâm về những vấn đề kinh tế nan giải.
Khi đưa chiếc Lassen vào gần quần đảo Trường Sa, Mỹ đã quyết liệt phản đối TQ ngang nhiên tuyên bố độc chiếm hầu như toàn bộ biển Đông, một trong những tuyến hàng hải tất bật nhất thế giới.
Mỹ và các đồng minh khu vực nói việc TQ xây dựng đảo trên các bãi nửa chìm là trái với luật pháp quốc tế. Thế nên việc Mỹ đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý (22km) của các đảo nhân tạo là điều hoàn toàn hợp pháp, vì đây là vùng biển quốc tế.
Nhưng hẳn TQ sẽ không ngưng thực hiện dự án (phi pháp) nhằm thể hiện chủ quyền này, chỉ vì hoạt động tự do hàng hải của Mỹ.
Vài năm gần đây, TQ tăng nỗ lực xây chuỗi bãi cát để khẳng định chủ quyền trên biển Đông.
Dưới thời Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, Bắc Kinh ngày càng theo chủ nghĩa dân tộc, xem ra cố thoát khỏi điều mà họ là bị lọt vào vòng kiềm chế của các đồng minh Mỹ, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc và Philippines.
Điều đáng lo ở đây là một sai sót nhỏ có thể bùng nổ thành một cuộc xung đột lớn hơn.
Nhưng vấn đề lớn hơn nữa, là sự nguyên trạng sẽ không trở lại. Liệu Mỹ, TQ, Việt Nam, Philippines, Malaysia và các bên quan tâm khác sẽ lập những quy định để hợp tác trên tuyến đường biển chuyển tải 30% giá trị thương mại toàn cầu?
Trong cẩm nang hướng dẫn mới nhất về sự tranh chấp hàng hải của TQ của Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), Chủ tịch CFR Richard Haas đặt câu hỏi: “Thắc mắc thật sự, là các chủ trương ngoại giao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương liệu có thể xử lý được những sức ép mới này?”
Hai bên đều cãi lý
Trong bối cảnh hiện nay, việc tàu chiến Mỹ áp sát đảo nhân tạo của TQ không là sự bất ngờ. Điều bất ngờ là tại sao hải quân Mỹ không tiến hành nhiệm vụ này sớm hơn.
Mỹ thường dùng tàu chiến để thực hiện quyền tự do hàng hải trên toàn thế giới. Đó là biện pháp để tranh cãi điều mà Washington xem là yêu sách đòi chủ quyền lãnh thổ quá đáng.
Ví dụ năm 2014, Mỹ tiến hành các chuyến hải hành tự do chống lại 19 quốc gia, có cả TQ, theo báo cáo mới nhất của hải quân Mỹ về vấn đề này.
Tuần này, sự khác biệt là ý đồ Mỹ tiến hành tuần tra trên biển Đông đã được chuyển cho các hãng tin, gây ra nhiều đồn đoán cấp khu vực.
Đầu tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói: “Hãy đừng phạm sai lầm, Mỹ sẽ bay, đưa tàu và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật quốc tế cho phép, như chúng tôi đã thực hiện ở khắp thế giới, và biển Đông sẽ không là ngoại lệ”.
TQ từ lâu tuyên bố độc chiếm toàn bộ biển Đông cùng các bãi cạn, bãi đá ở đó. Nhưng các nước trong khu vực cũng có những tuyên bố chủ quyền.
Bắc Kinh chưa chính thức áp đặt chủ quyền trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo. Nhưng TQ có xây những đường băng để máy bay quân sự có thể cất cánh, hạ cánh.
Theo luật quốc tế, tàu chiến có quyền đi ngang vùng lãnh hải mà không cần thông báo. Nhưng TQ tuyên bố việc chiếc Lassen áp sát Bãi Xubi ở quần đảo Trường Sa là “phi pháp”.
Trang web của Bộ Ngoại giao TQ nêu: “Hoạt động của tàu chiến Mỹ đe dọa chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi an ninh của TQ, đe dọa sự an toàn của nhân sự và cơ sở trên các bãi, gây tổn hại cho nền hòa bình và sự ổn định khu vực”.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp?
Chắc chắn TQ sẽ tiếp tục nhịp tăng chậm sự hiện diện phi pháp ở quần đảo Trường Sa. Uy tín của ông Tập Cận Bình phần nào dựa trên tầm nhìn chủ nghĩa dân tộc hung hăng của ông.
Đến lúc này, ông Tập sẽ rất khó thoái lui.
Nhưng hoạt động của Mỹ có thể trấn an các đồng minh bị căng thẳng. Và Washington có thể thực hiện thêm vài bước để Bắc Kinh thôi hung hăng, theo báo cáo về những thách thức trên biển Đông của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).
Ví dụ, Mỹ có thể thúc đẩy các đồng minh khu vực như Úc, Nhật tiến hành thực hiện quyền tự do hàng hải; có thể công bố quan điểm về tình trạng, lịch sử của các thực thể trên biển Đông được phát triển thành “đảo”.
Mỹ có thể tính đến chuyện quyết tâm bảo vệ lính Philippines đang đóng trên các bãi đá mà TQ cũng đòi chủ quyền.
Từ những tranh chấp chủ quyền của khoảng 7 bên, sẽ không có thể có giải pháp dễ dàng nào, theo chuyên gia về Đông Nam Á Gregory B. Poling của CSIS.
Ông Poling viết: “Bất kỳ chủ trương nào cũng phải phân biệt rõ các nhu cầu cần thiết ngăn chặn sự hung hăng của TQ, tái trấn an các nước tranh chấp rằng Mỹ giữ lời hứa bảo vệ, và phòng chống gia tăng căng thẳng, bảo tồn quyền lợi hàng hải toàn cầu, thuyết phục tất cả các bên đòi chủ quyền nên tuân thủ luật pháp quốc tế, lập một hệ thống về lâu dài để quản lý các vùng biển và thềm lục địa bị tranh chấp”.
>>Kỳ 2: Quốc kỳ cắm sâu giữ biển Hoàng Sa
>>Mỹ sẽ tăng cường tuần tra trên biển Đông, mặc cho Trung Quốc giận dữ
>>Á khôi xinh như hoa bị chỉ trích vì cho ôm thuê giá 5.000 đồng
>>Cô dâu mặc nội y đánh bài ngày cưới, mỹ nữ dắt xe máy hết xăng cho bạn trai